Với dân số gần 10 triệu người, đô thị Hà Nội luôn được ví như chiếc áo chật hẹp, có mật độ dân số, xe cộ, nhà cửa dày đặc, bấy lâu trở thành vấn đề nhức nhối và nan giải. Từ đó, đã nảy sinh rất nhiều vấn đề trong đời sống xã hội như: tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá tràn lan; vỉa hè và lòng đường bị lấn chiếm nghiêm trọng; tồn tại các khu nhà ở xuống cấp nguy hiểm; hạ tầng, cây xanh đô thị chưa được cải thiện tương xứng… Trước thực trạng trên, Thành ủy Hà Nội luôn xem đây là vấn đề cấp bách, cần thực hiện nề nếp và văn minh hơn. Vì vậy, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 03 về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị", triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 03 thành phố Hà Nội cho biết, để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Thành ủy Hà Nội luôn coi chỉnh trang đô thị là nhiệm vụ quan trọng, cần được tập trung và chú trọng hơn. Hà Nội còn là Thủ đô của cả nước, nên bộ mặt đô thị cần được làm sạch đẹp, văn minh để không những người dân có cuộc sống tốt hơn mà còn là hình ảnh du lịch, đối nội đối ngoại với bạn bè năm châu.
Để hiệu quả hơn và gắn với tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Thành ủy luôn coi trọng năng lực, tiêu chí để đánh giá sự điều hành của người đứng đầu các tổ chức. Vì vậy, trong công tác này phải rất cụ thể, thành phố đưa ra phương châm 5 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả", "Một việc - một đầu mối xuyên suốt".
Ban chỉ đạo Chương trình đã chỉ đạo tổ chức ký Cam kết thi đua giữa các quận, huyện, thị xã, Ban Quản lý dự án chuyên ngành của thành phố với Ban chỉ đạo Chương trình về thực hiện các chỉ tiêu của chương trình.
Có thể nói đây là chương trình được tuyên truyền rất sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban Chỉ đạo Chương trình đã quán triệt những nội dung trọng tâm, cơ bản về 10 chương trình công tác tới hàng vạn cán bộ, đảng viên các cấp. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã thường xuyên cập nhật thông tin về tiến độ thực hiện Chương trình để đăng tải trên Bản tin thông tin nội bộ hàng tháng với trên 40.000 cuốn/tháng, phát hành tới trên 20.000 chi bộ…
Từ thực hiện chương trình đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai tại dự án xử lý nước thải, rác thải, giao thông quan trọng như: Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; kiểm tra tình hình thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; Dự án đường Vành đai 4...
Chương trình đã cơ bản hoàn thành xây dựng 2 Trung tâm thương mại Vin Ocean Park tại huyện Gia Lâm; Trung tâm thương mại Vinsmart City tại quận Nam Từ Liêm. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ Trung tâm thương mại Aeon Mall Hoàng Mai và Lotte Mall, Tây Hồ.
Thành phố đã mở một số điểm không gian, tuyến phố đi bộ như: Khu đô thị Nam đường vành đai 3 - Bitexco; không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang; khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã. Tiếp tục đôn đốc đấy nhanh tiến độ hoàn thành khu phố kinh doanh dịch vụ, đi hộ hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; tuyến phố văn hóa, ẩm thực Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông...
Trong quá trình thực hiện đề án một số huyện lên quận, các huyện đã tập trung xây dựng các tuyến đường giao thông khung để đảm bảo đạt chỉ tiêu về giao thông. Các huyện đã tổ chức triển khai thực hiện 61 dự án tuyến đường giao thông khung góp phần rất lớn mở rộng không gian đô thị.
Thành phố triển khai đầu tư xây dựng 1 tháp trung tâm tài chính nằm trong khu đô thị thông minh phía Bắc sông Hồng. Hiện tại dự án đang thực hiện thiết kế cơ sở; đang thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng được khoảng 9 ha trong tổng số 13 ha. Dự kiến khởi công vào tháng 11/2023.
Các chỉ tiêu xây dựng"Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng" cũng được các huyện cơ bản hoàn thành.
UBND Thành phố đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn, đã tổ chức rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư của 11 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai. UBND Thành phố đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030. Đến hết năm 2022, diện tích nhà ở bình quân/ người toàn thành phố đạt 27,6 m2/người; Tổng diện tích sàn nhà ở phát triển theo dự án mới đạt khoảng gần 1,8 triệu m2 sàn nhà ở.
Triển khai công tác phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố đã được phê duyệt, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành toàn bộ với khoảng 345.488 m2 sàn nhà ở, 4.1 căn hộ; đang tiếp tục triên khai 18 dự án có khả năng hoàn thành giài đoạn 2021- 2025 với khoảng 889.000 m2 sàn, 12.000 căn hộ nhà ở xã hội.
UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch trồng mới 500.000 cây xanh đô thị, giai đoạn 2021 - 2025. Lũy kế thực hiện từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn các quận, thị xã và 5 huyện có đề án lên quận đã trồng được 117.200 cây bóng mát, 82.243 cây cảnh… Bên cạnh đó, thành phố đã chỉnh trang hàng chục tuyến phố trên địa bàn 12 quận.
UBND thành phố Hà Nội tiếp tục đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm; Thành phố Thông minh, huyện Đông Anh; Khu đô thị mới Đông Anh, huyện Đông Anh theo hướng đô thị thông minh.
Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát, lập danh mục đầu tư xây dựng mới 28 chợ và cải tạo, sửa chữa 48 chợ khả thi để đưa vào triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021- 2025…
Bên cạnh những mặt tích cực, Ban Chỉ đạo chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá còn nhiều tồn tại như: Công tác xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Chương trình còn chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Việc soạn thảo, ban hành các Quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án để triển khai thực hiện các chỉ tiêu của chương trình còn chậm dẫn đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu còn hạn chế.
Một số chỉ tiêu còn chậm triển khai như: Đầu tư xây dựng 20 chợ; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố; đầu tư xây dựng 1 đến 2 khu outlet quy mô lớn. Một số chỉ tiêu còn gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện do chưa có xác định được mô hình, tiêu chí như: mô hình đô thị thông minh, mô hình khu outlet (trung tâm mua sắm, buôn bán cấp vùng). Chỉ tiêu về hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện do khó khăn về việc bố trí nguồn vốn. Một số chỉ tiêu khó như: Tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng cần tập trung thực hiện với nhiều giải pháp.
Để triển khai chương trình hiệu quả, với sự quyết tâm cao hơn, Thành ủy Hà Nội đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả lãnh đạo, điều hành và tiếp tục duy trì, tăng cường kiểm tra đối với toàn hệ thống chính trị.
UBND thành phố tăng cường đôn đốc tiến độ các dự án kéo dài tiến độ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chỉ tiêu của Chương trình như: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá kéo dài tiến độ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%; dự án thí điểm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội kéo dài tiến độ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chỉ tiêu Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng.
Đối với những chỉ tiêu đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch với các giải pháp cụ thể đế thực hiện hiệu quả, thời gian trong tháng 6/2023.
Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Danh mục các công trình ưu tiên đầu tư triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức thực hiện 56 nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công, đảm bảo tiến độ, chất lượng như: Tiếp tục triển khai Quy hoạch thành phố Hà Nội, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và các quy hoạch chuyên ngành. Tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị.
Các địa phương tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị. Phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững; phát triển thành phố thông minh, hiện đại; đầu tư mở rộng khu vực đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương và văn minh đô thị. Khai thác tối đa lợi thế đô thị để phát triển kinh tế đô thị.