Đơn cử như đoạn đi qua xã Hòa Chính, mặt đê chằng chịt vết nứt rộng 3-5cm, sâu 5-7cm, lồi lõm; mái đê xuất hiện nhiều điểm sạt lở...
Tương tự, tuyến đê tả Bùi làm nhiệm vụ ngăn lũ rừng ngang, bảo vệ khu vực trung tâm huyện Chương Mỹ và các xã: Thủy Xuân Tiên, Thanh Bình, Trung Hòa, Tốt Động, Quảng Bị, Đồng Phú... Ngoài nhiệm vụ trên, tuyến đê còn là trục giao thông quan trọng kết nối các xã ven sông Bùi với quốc lộ 6 và các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa...
Thực tế, tuyến đê này đang xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn từ cống Yên Duyệt đến điểm giao với trục đường Nguyễn Văn Trỗi mặt đê xuất hiện nhiều vết nứt, hình thành hố sâu, chân đê bị sạt lở ăn sâu vào thân đê...
Vừa qua, trên địa bàn huyện Chương Mỹ do ảnh hưởng của cơn bão số 7 và số 8 nên khu vực thôn Đồng Dâu (xã Tốt Động) bị ngập sâu trong nước khiến người dân chỉ có thể di chuyển trong ngõ xóm bằng thuyền.
Theo ông Nguyễn Đức Học, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, với lượng mưa trung bình là 273mm trên địa bàn huyện Chương Mỹ, kết hợp lũ rừng từ Hòa Bình đổ về làm cho mực nước sông Bùi dâng cao trên mức báo động 2 (tại Yên Duyệt 6,76m) gây ngập, úng cục bộ ở một số xã, thị trấn.
Cụ thể, diện tích cây trồng vụ Đông trên địa bàn huyện bị ngập, úng cục bộ là 297,8ha trên địa bàn 12 xã, thị trấn. Ngập một số tuyến đường giao thông nông thôn tại các xã: Quảng Bị, Tốt Động, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Xuân Mai. Có 197 hộ dân thuộc các xã, thị trấn (Quảng Bị, Tốt Động, Tân Tiến, Thủy Xuân Tiên, Xuân Mai) bị ngập từ 0,3 đến 1,2m; trong đó 27 hộ tại thôn Đồng Dâu, xã Tốt Động ngập nặng 1,2m. Tại tuyến Đê Hữu Bùi đoạn đồng Vũng Thôn, thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ ngày 13/10 xuất hiện cung sạt 25m; rộng 1,5m; sâu 4,0m.
Bà Đỗ Thị Lựu, ở xóm Đồng Dâu, thôn Nhân Hòa, xã Tốt Động cho biết, trong đợt mưa bão vừa qua gia đình bà bị ngập sâu nhất, nước ngập hơn 1,5m. Do nước ngập sâu nên mọi sinh hoạt đều đảo lộn. Điều đáng lo ngại nhất là thiếu nước sạch, mất vệ sinh môi trường khiến rất nhiều người lâm vào tình trạng mắc bệnh viêm da, nguy cơ phát sinh dịch bệnh khác cao hơn.
Đồng quan điểm này, chị Trần Thị Nhạn, ở xã Hòa Chính cho biết, sinh sống trong vùng bảo vệ của tuyến đê hữu Đáy, bà con khẩn thiết đề nghị các cấp, các ngành sớm sửa chữa, nâng cấp để giảm nỗi lo xảy ra tai nạn giao thông, sự cố đê điều...
Huyện cũng đã đề nghị các cấp, các ngành sửa chữa, kiên cố tuyến đê để bảo đảm an toàn giao thông, công trình chống lũ... Nhiều đoàn công tác đã về kiểm tra, nhiều đơn vị tư vấn đã về khảo sát, đo đạc nhưng đến thời điểm này tuyến đê vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp.
Ông Nguyễn Đức Học, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, huyện Chương Mỹ đã lập báo cáo đề xuất cải tạo, sửa chữa mặt đê hữu Đáy, đoạn từ xã Lam Điền đến thôn Lưu Xá (xã Hòa Chính); giữ nguyên hướng tuyến và cao trình đỉnh đê hiện trạng; cải tạo mặt đường đê bằng bê tông nhựa đáp ứng tiêu chí đường nông thôn mới; gia cố mặt và thân đê tại các vị trí trũng thấp để nâng cao năng lực phòng, chống lũ của tuyến đê...
Đối với đê tả Bùi, huyện Chương Mỹ đề xuất nâng cấp đê từ cấp IV lên thành đê cấp III theo tuyến hiện trạng với chiều rộng mặt đê trung bình 6m được thảm bê tông nhựa; xử lý chống thấm, gia cố nền và thân đê tại các vị trí đi qua khu vực địa chất yếu; đắp áp trúc mở rộng thân đê, tôn cao nâng đỉnh đê đến cao trình bảo đảm phòng, chống lũ theo tiêu chuẩn chống lũ thiết kế trong sông Bùi...
Trên cơ sở báo cáo đề xuất của huyện Chương Mỹ và ý kiến thẩm định của cơ quan chức năng của thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có Tờ trình đề nghị HĐND thành phố xem xét, quyết định chủ trương đầu tư khoảng 460 tỷ đồng để triển khai dự án nêu trên trong giai đoạn 2022-2025...