Trong tháng 9 này, Iran đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo dẫn đường bằng vệ tinh Fath 360 sản xuất nội địa trong các cuộc tập trận. Đây được xem là một nỗ lực nhằm đối trọng với Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) của Mỹ vốn đang được triển khai thành công ở Ukraine.
Hãng thông tấn FARS đưa tin tuần trước rằng Iran đã thử nghiệm tên lửa đất đối đất tầm ngắn Fath 360 và các vũ khí kết hợp với hệ thống này trong cuộc tập trận quân sự Eghtedar 1401 tại Nasrabad, tỉnh Isfahan.
Tên lửa có thể được bắn với tốc độ Mach 3, sau khi chúng kết nối với vệ tinh để di chuyển nhanh chóng và tấn công mục tiêu ở tốc độ Mach 4. Hãng thông tấn Iran cho biết Fath 360 là thành viên thu nhỏ của gia đình tên lửa đạn đạo Fateh, cho phép lắp được nhiều tên lửa hơn trên xe tải hoặc bệ phóng.
Tên lửa Fath 360 dài 4 mét với đường kính 30 cm, trọng lượng 850-1.100 kg, đầu đạn nặng 150 kg và tầm bắn 80-100 km. Kích thước tương đối nhỏ và nhẹ của nó cho phép lắp nhiều tên lửa trên một bệ phóng đặt trên xe tải, với sáu, bốn hoặc hai ống phóng.
Những thông số kỹ thuật đó làm cho Fath 360 gần như tương đương với HIMARS về thiết kế. Trang Global Security lưu ý rằng tên lửa M31 GMLRS mà Mỹ cung cấp cho các hệ thống HIMARS của Ukraine mang đầu đạn đơn khối nặng 90 kg, bay xa tới 70 km với tốc độ Mach 2,5 và có thể được bắn từ HIMARS sáu ống phóng hoặc M270 MLRS 12 ống phóng mà Anh đã viện trợ cho Ukraine.
Xem quân đội Iran thử tên lửa hai loại tên lửa dẫn đường tầm xa Fath-360 và Fajr-5 ngày 9/9/2022 (Nguồn: Hãng tin IRIB)
Trang Eurasian Times đề cập rằng tên lửa HIMARS có độ chính xác từ 5 - 10 mét tính từ điểm va chạm của chúng và một loạt sáu tên lửa có thể được phóng trong 25-30 giây.
Mỗi bệ phóng HIMARS có giá 5,6 triệu USD và mỗi viên đạn M13 có giá 1.000 USD – theo trang The Warzone. Trang này cũng đề cập rằng Mỹ đang phát triển một tên lửa GMLRS (ER GMLRS) tầm bắn mở rộng tới 150 km, dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất năm 2023.
Hãng tin FARS cho biết, tên lửa Fath 360 đã được chuyển giao cho Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) vào năm 2021, với các bệ phóng hai và bốn ống phóng cho phép Lực lượng Mặt đất của IRGC cung cấp hỏa lực phóng loạt tầm ngắn chính xác chống lại các hệ thống phòng không của đối phương, cho phép Lực lượng Hàng không Vũ trụ IRGC “rảnh tay” tiến hành các cuộc tấn công tầm xa hơn.
Fath 360 cũng có thể đánh dấu việc đi theo xu hướng dung các hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) nhỏ hơn. Các hệ thống lớn và hạng nặng như M270 MLRS của Mỹ và B-300 Smerch của Nga có hỏa lực đáng gờm với hàng chục quả rocket mỗi chiếc. Tuy nhiên, những hệ thống mạnh mẽ này cũng có nhiều nhược điểm.
Trong một bài báo trên Newsweek, Tướng quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Mark Hertling lưu ý rằng HIMARS bánh lốp di chuyển nhanh hơn người anh em M270 bánh xích nặng hơn.
Tướng Hertling cho rằng các hệ thống hạng nặng như M270 khó bảo trì và sửa chữa hơn HIMARS, vốn là bệ phóng tên lửa gắn trên xe tải. Ông cũng nói rằng kích thước nhỏ hơn của HIMARS cho phép một kíp pháo thủ ít người hơn có thể bắn, di chuyển và nạp đạn nhanh và yêu cầu huấn luyện cũng dễ dàng hơn.
Những lợi thế này dường như được phản ánh trong hệ thống Fath 360 của Iran, cho thấy học thuyết chiến tranh bất đối xứng của Tehran và các phương tiện chi phí hợp lý để duy trì các lực lượng chiến đấu hiệu quả bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế, thiếu hụt ngân sách và thiếu sót kỹ thuật.
Trong một bài báo năm 2020 của Viện Washington về Chính sách Cận Đông, Giám đốc Michael Eisenstadt lưu ý rằng cách tiếp cận của Iran để thực hiện một cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự sẽ tạo ra những bước nhảy vọt đáng kể về năng lực. Ông Eisenstadt lưu ý: Iran vẫn thiết kế các loại vũ khí đơn giản nhưng có khả năng hoạt động cao, cho phép đạt được hiệu quả vượt trội so với quân đội chính quy đã lỗi thời của mình.
Các chuyên gia phương Tây cho rằng Iran có thể đã nhận ra hiệu quả quá lớn của các bệ phóng HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Tờ New York Times đưa tin Ukraine chỉ có 26 bệ phóng HIMARS và số lượng đạn M31 chưa được tiết lộ tính đến đầu tháng 9, lực lượng của họ đã tận dụng được tốc độ và tính cơ động của HIMARS, cho phép nạp đạn nhanh chóng trong khi tránh được hỏa lực phản công của Nga.
Tương tự, cấu hình bánh nhẹ của Fath 360 giúp nó linh hoạt hơn trong chiến tranh cơ động ở Iran và các khu vực miền núi, sa mạc và đô thị của Trung Đông so với các bệ phóng Fateh và Fajr vốn nặng hơn.
Hơn nữa, kích thước nhỏ hơn của nó so với Fateh và Fajr cũng có thể tăng khả năng sống sót khi sử dụng chiến thuật “bắn và chuồn” mà Hamas và Hezbollah sử dụng để chống lại Israel và phiến quân Houthi chống Saudi Arabia.
Hiệu quả của HIMARS ở Ukraine còn đến nhờ thông tin tình báo mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Tờ New York Times lưu ý rằng tình báo Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc “chỉ đường” cho các khẩu đội HIMARS của Ukraine nhắm vào sở chỉ huy và kho đạn Nga.
Mặc dù số lượng nhỏ bệ phóng HIMARS của Ukraine có thể không đủ để sử dụng rộng rãi trên khắp chiến tuyến, nhưng việc triển khai thận trọng nhằm chính xác vào các mục tiêu có giá trị cao được hỗ trợ bởi thông tin tình báo trong thời gian thực đã cho phép chúng đạt được thành công chiến lược trên chiến trường.
Tên lửa Fath 360 của Iran rất có thể sẽ sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga để lấy dữ liệu nhắm mục tiêu. Theo báo cáo của Defense World, Nga đã cấp cho Iran quyền truy cập GLONASS trong cuộc tấn công căn cứ không quân Al Asad tháng 1/2020 nhằm trả đũa việc Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani của IRGC.
Nguồn tin đề cập rằng Iran đã bắn 19 tên lửa từ lãnh thổ của mình trong cuộc tấn công đó, 17 trong số đó đã trúng mục tiêu.