5 “sát thủ” hậu thuẫn Nga tại Bắc Cực

Hơn một thập kỷ qua, các nước có đường biên giới với Bắc Cực đã nhận thấy một vấn đề an ninh mới đối với họ. Sự tan băng của Bắc Cực mở ra các đường hàng hải và cơ hội cho khai thác nguồn tài nguyên dưới lòng biển nhưng cũng đặt ra nguy cơ xung đột giữa các nước tiếp giáp Bắc Cực.

Không ngạc nhiên khi Nga đã chuẩn bị cho lực lượng quân sự tác chiến tại Bắc Cực tốt hơn bất kỳ quốc gia nào. Ngay từ thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã có sự chuẩn bị cho các cuộc chiến tại Bắc Cực, ở cả trên không và trên biển. Rất nhiều loại vũ khí và các nghiên cứu từ thời kỳ này còn tới nay, “thừa kế” cho Kremlin sức mạnh tiêu diệt đối phương. Sau đây là 5 hệ thống vũ khí của Nga còn sót lại từ thời Chiến tranh lạnh giúp Nga có thể dùng để bảo vệ lợi ích ở Bắc Băng Dương trong trường hợp bất trắc xảy ra.

Tàu phá băng

Loại tàu duy nhất có thể tiếp cận cực Bắc là tàu phá băng và hiện Nga vẫn là nước có hạm đội tàu phá băng hùng hậu nhất trên thế giới. Sự ấm lên toàn cầu khiến cho băng ở Bắc Băng Dương di chuyển linh hoạt hơn và khó đoán hơn. Lợi ích thương mại cũng như các hoạt động quân sự và dân sự ở khu vực Bắc Cực gia tăng khiến vai trò của tàu phá băng quan trọng hơn bao giờ hết để phá hủy các tảng băng trôi. Cả tàu quân sự và dân sự đều cần sự hỗ trợ từ tàu phá băng để thực thi hiệu quả các nhiệm vụ và điều có thể thấy trước là trong tương lai, Nga sẽ đảm nhiệm vai trò là người bảo lãnh cho các hoạt động ở Bắc Cực.

Dưới sự bảo trợ của cơ quan năng lượng hạt nhân dân sự, Nga triển khai bốn tàu phá băng nguyên tử có đủ sức mạnh và phạm vi hoạt động để hỗ trợ các cuộc tuần tra quân sự khắp Bắc Cực. Những con tàu trong hạm đội phá băng có tải trọng hàng vạn tấn, với kết cấu vỏ thép dày và lò phản ứng hạt nhân trên tàu có thể cung cấp năng lượng để hoạt động trong hàng chục năm liên tục. Ngoài ra, Nga cũng có một đội gồm nhiều tàu phá băng loại thông thường đang được triển khai. Trong khi đó, Mỹ chỉ có thể sử dụng 3 tàu phá băng của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ và một vài tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Canada.

Tàu phá băng đảm bảo cho quân đội Nga tiếp cận Bắc Cực một cách thoải mái mà không nước nào có thể thực hiện như vậy được. Điều này cho phép Nga tự do triển khai các chiến lược quân sự và tiếp cận các nguồn tài nguyên ở vùng cực Bắc.

Tàu ngầm Akula

Đôi khi cách tốt nhất để đối phó với các tảng băng là tìm cách để tránh nó. Tàu ngầm của hải quân Mỹ, Anh và Liên Xô đã cày xới lòng biển Bắc Băng Dương trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và thực hiện các hoạt động ngăn chặn lẫn nhau. Hiện tại, tàu ngầm Nga có nhiều kinh nghiệm triển khai tại Bắc Cực và các tàu ngầm này cũng có hệ thống cơ sở hạ tầng hỗ trợ rộng rãi từ các căn cứ cũ của Liên Xô nằm ven bờ Bắc Băng Dương.


Tàu ngầm tấn công hạt nhân tốt nhất của Nga vẫn là loại Akula (theo tiếng Nga có nghĩa là cá mập) và đúng như tên gọi, loại tàu đúng là một con quái vật gieo rắc nỗi khiếp sợ cho tàu bè trên biển vì nó có thể mang một khối lượng khổng lồ vũ khí. Trọng tải choán nước của tàu ngầm Akula lên đến 48.000 tấn khi lặn và 24.500 tấn khi nổi, chiều dài lên đến 175 m (lớn hơn cả một sân bóng đá là 120 m) và lớp vỏ chịu áp suất được thiết kế khá phức tạp. Lớp vỏ đặc biệt này cho phép tàu ngầm Akual có thể lặn sâu tới 400 m, có thể di chuyển dưới băng và phá băng. Loại tàu ngầm này có thể hoạt động liên tục 180 ngày đêm dưới biển với biên chế 160 thành viên thủy thủ đoàn.

Mặc dù được đóng vào thập niên 1980 nhưng hiện tại tàu Akula vẫn có thể triển khai hiệu quả trong nhiệm vụ chống tàu ngầm và chống tàu trên mặt nước. Loại tàu này không có khả năng giảm ồn ở mức hoàn hảo như các đối thủ phương Tây nhưng đổi lại Akula có thiết kế rộng rãi để trang bị đồng thời nhiều loại vũ khí. Akula cho phép mang được 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với tầm bắn 8.300 km, có thể mang được đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân 500 kiloton. Bên cạnh khả năng phóng tên lửa đạn đạo, Akula được trang bị cả ngư lôi để tiêu diệt các tàu ngầm khác, gồm có 6 ống phóng với 20 phương tiện phóng (phương tiện phóng có thể là các máy phóng hoặc các thiết bị tương tự). Hạm đội Phương Bắc của Nga hiện tại đang duy trì 6 tàu Akula, được vận hành thường xuyên dưới lớp băng của Bắc Băng Dương.

(Còn tiếp)

Hoàng Trang

5 'sát thủ' hậu thuẫn Nga tại Bắc Cực (Tiếp theo và hết)
5 'sát thủ' hậu thuẫn Nga tại Bắc Cực (Tiếp theo và hết)

Hơn một thập kỷ qua, các nước có đường biên giới với Bắc Cực đã nhận thấy một vấn đề an ninh mới đối với họ. Sự tan băng của Bắc Cực mở ra các đường hàng hải và cơ hội cho khai thác nguồn tài nguyên dưới lòng biển nhưng cũng đặt ra nguy cơ xung đột giữa các nước tiếp giáp Bắc Cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN