Kỳ 2: Những điều thú vị về cá mập
Những câu chuyện thêu dệt truyền tai nhau qua nhiều thế kỷ, cùng với nỗi kinh hoàng được mô tả trong các tác phẩm văn học và điện ảnh, đã cộng hưởng cùng với các câu chuyện có thực khiến người ta thường nghĩ tới tính hung bạo, thích tấn công người của cá mập. Trên thực tế, các vụ cá mập tấn công người một cách vô cớ là cực kỳ hiếm hoi.
Một con cá mập trắng khổng lồ. |
Samuel Gruber, giáo sư về sinh vật biển tại Đại học Miami và là một chuyên gia hàng đầu về cá mập, cho biết “không có bằng chứng nào cho thấy cá mập thích tấn công con người”. Trong số khoảng 80 triệu lượt hoạt động trên biển của con người mỗi năm, chỉ có một phần rất nhỏ bị cá mập tấn công – một tỷ lệ quá nhỏ so với các tai nạn khác. Ông Gruber nói trong những trường hợp hãn hữu cá mập tấn công người, đa phần đều là do nhầm lẫn. Chẳng hạn, trong vụ tàu chiến USS Indianapolis bị chìm, đàn cá mập đã được bữa no nê bởi chúng nghĩ đó là những con rùa biển.
Có nhiều điểm khác nữa con người thường hiểu sai về cá mập. Thứ nhất, loài cá này không phải là “vua biển cả” như nhiều người vẫn nghĩ, bởi thỉnh thoảng chúng vẫn bị cá voi sát thủ tấn công. Bản thân cá mập còn là con mồi của chính đồng loại của chúng. Cá mập bò tót và cá mập hổ thậm chí có thể ăn thịt cả con mình. Ngoài ra, các sinh vật ký sinh cũng khiến rất nhiều cá mập bị chết mỗi năm. Tuy nhiên, cá mập bị tiêu diệt nhiều nhất vẫn là bởi bàn tay con người. Mỗi năm có tới 73 triệu con cá mập thuộc nhiều giống khác nhau bị con người tiêu diệt.
Nhiều người cho rằng cá mập không có trí khôn. Trên thực tế, khả năng trí tuệ của chúng cũng tương đương loài chim hay động vật có vú. Một con cá mập được đào tạo theo phương pháp Paplov (phản xạ có điều kiện) có khi còn nhanh hơn một con mèo hoặc một con thỏ.
Người dân chụp ảnh với con cá mập trắng bắt được ở vùng biển Cuba năm 1945. |
“Không tấn công vào ban trưa” cũng là một ngộ nhận khác về cá mập. Giáo sư Gruber cho biết, đây là một trong những ví dụ tiêu biểu về con người lấy số liệu của chính mình rồi áp đặt cho loài vật. Từ thực tế ban trưa ít khi xảy ra các vụ cá mập tấn công người, người ta kết luận chúng không thích gây hấn vào thời điểm này trong ngày. Hiểu đúng hơn, đây là lúc con người thường đi... ăn trưa và chẳng mấy ai tham gia các hoạt động dưới nước.
Không phải một con cá mập có kích thước càng lớn khi tấn công càng dễ gây ra tử vong. Vấn đề nằm ở cái đầu và bộ hàm của chúng. Một con cá mập có cái đầu càng rộng và bộ răng càng sắc thì lực ngoạm của nó càng lớn. Năm loài cá mập có sức mạnh của bộ hàm lớn nhất bao gồm cá mập trắng, cá mập đầu búa, cá mập bò tót, cá mập vây đen và cá mập sừng. Tuy nhiên, so với các loài động vật khác, sức mạnh của hàm cá mập không lớn như mọi người vẫn nghĩ. Một con cá mập trắng dài 7 m có lực ngoạm khoảng 9.320 Newton ở phần ngoài cùng của bộ hàm và gấp đôi ở phần trong cùng của bộ hàm. Các loài cá mập có bộ răng được xếp chồng lên nhau như mái ngói có lực cắn lớn hơn bởi lực được rải đều ra toàn bộ hàm răng. Ngoài ra, răng cá mập có thể mọc lại rất nhanh mỗi khi bị rụng.
Một trong những yếu tố khiến cá mập trở thành kẻ săn mồi hiệu quả là các giác quan của chúng, trong đó khứu giác đóng vai trò quan trọng nhất. Khi cá mập di chuyển, dòng nước chuyển động qua mũi tới các tế bào giác quan nằm ở các nếp da bên trong. Ở một số giống cá mập, các tế bào này nhạy cảm tới mức có thể giúp chúng phát hiện dấu hiệu nhỏ nhất của máu hòa tan trong nước. Hầu hết các giống cá mập có thể đánh hơi máu và mùi của con mồi từ khoảng cách hàng cây số.
Cá mập còn có thính giác rất nhạy. Các nghiên cứu cho thấy chúng có thể nghe được dải âm thanh thấp hơn nhiều so với con người. Cá mập có thể phát hiện tiếng động cách xa nhiều km, đặc biệt là các âm thanh đau đớn của con mồi khi bị thương.
Vũ Hội (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ cuối: Cần được tha thứ