Cá mập

Cá mập - Nỗi kinh hoàng giữa biển khơi - Kỳ cuối: Cần được tha thứ

Kỳ cuối: Cần được tha thứ

Trong một hành động được xem là vô cùng cao thượng, những nạn nhân của cá mập ở Mỹ tháng 7/2009 đã cùng tập hợp nhau lại, thay vì có những hành động trả thù, họ kêu gọi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ngăn chặn con người giết hại loài cá này.

Chín thành viên của nhóm, người mất tay, người mất chân vì bị cá mập tấn công, đã kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua Dự luật bảo vệ cá mập 2009, trong đó đề nghị tăng cường lệnh cấm đối với hoạt động săn bắt cá mập để lấy vây và hỗ trợ các nước khác thực hiện các chương trình bảo tồn loài cá này.

Hội nạn nhân của cá mập trong chiến dịch bảo vệ cá mập.

Debbie Salamone, phụ trách truyền thông của Tổ chức Bảo vệ Môi trường Pew, cho rằng “đã đến lúc cần thay thế sự sợ hãi bằng sự cảm thông và hành động, cũng như chúng ta đối xử với sư tử và các loài săn mồi cấp cao khác”. Năm 2004, Salamone đang tắm biển ở bang Florida khi mực nước ở ngang hông của chị thì bị cá mập tấn công vào chân. Sau vụ tai nạn này, Salamone dừng công việc ở một tòa báo và chuyển sang làm việc toàn thời gian cho nhóm Pew. Đầu năm 2009, chị bắt đầu liên lạc với các nạn nhân sống sót khác của cá mập để cùng thực hiện ý tưởng bảo vệ loài cá này. Hầu hết những người chị gặp đều ủng hộ ý tưởng của chị. Trong đó có Robyne Knutson đến từ bang California, một họa sỹ đã bị mất một chân khi đang tắm ở Maui năm 1999; hay Charles Anderson, đến từ bang Alabama, người đã bị cắn đứt cánh tay khi đang tham gia tập luyện môn thể thao ba môn phối hợp ở Vịnh Shore năm 2000.

Tuy nhiên, với một số người, không dễ gì để họ nguôi ngoai được sự giận dữ với kẻ săn mồi dữ tợn của biển khơi. Al Brenneka là một trong số đó. Anh đã bị một con cá mập táp mất cánh tay phải vào năm 1976 khi đang lướt sóng ở bãi biển Del Ray, Florida. Nỗi tức giận với loài cá này đẩy anh vào các cuộc báo thù ngoài khơi, sử dụng súng bắn đạn “powerhead” – một loại súng săn cá mập chuyên nghiệp. Những con cá anh săn được anh đều ăn thịt và chỉ giữ lại bộ hàm. Tuy nhiên, sau khi thực hiện nhiều chuyến lặn thám hiểm sâu xuống đáy biển để quan sát và nghiên cứu cá mập, anh đi đến kết luận rằng con cá mập từng tấn công anh không phải lỗi của nó. Năm 1998, Brenneka thành lập nhóm “những nạn nhân sống sót của cá mập” để ủng hộ việc bảo vệ loài cá này. Giờ đây, thay vì giết hại cá mập mỗi khi bắt được chúng, anh đánh dấu và thả chúng về biển khơi để phục vụ mục đích nghiên cứu. “Báo chí đã biến cá mập thành những quái vật, nhưng điều này không hoàn toàn đúng”, anh nói.

Bản đồ các khu vực dễ xảy ra cá mập tấn công người.

Theo Hội Địa lý Quốc gia Mỹ, mỗi năm có khoảng triệu con cá mập bị con người giết hại chỉ với mục đích để lấy bộ vây của chúng. Vây cá mập được cho là một món ăn bổ dưỡng, nhất là với người châu Á, và thường được sử dụng trong món súp. Vì vậy, khi bắt được cá mập người ta thường vứt bỏ phần thân cá và gây ra một sự lãng phí rất lớn. “Dự luật bảo vệ cá mập 2009” được đệ trình lên Quốc hội Mỹ nhằm giảm số cá mập bị giết vì mục đích này. Dự luật đề nghị vẫn cho phép hoạt động săn bắt cá mập, nhưng người đi săn phải giữ lại nguyên vẹn toàn bộ cơ thể của chúng, nhất là bộ vây. Họ cũng đề nghị Chính phủ Mỹ ủng hộ các hoạt động bảo vệ cá mập ở các nước khác. Những người đưa ra dự luật hy vọng bảo vệ cá mập còn nhằm duy trì chuỗi thức ăn trên đại dương, tránh trường hợp các loài vật là con mồi của cá mập sinh sôi nhanh chóng gây mất cân bằng sinh thái.

Một báo cáo mới đây của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) đã xác định, 35 trong số 64 loài cá mập biển khơi nằm trong nhóm “đã hoặc sắp bị đe dọa tuyệt chủng”. Theo báo cáo này, việc săn bắt thái quá là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một số giống cá mập lớn đang bị đe dọa ở Mỹ, bao gồm cá mập trắng, cá mập thresher, cá mập mako...

Những người đấu tranh bảo vệ cá mập cho rằng, mỗi năm chỉ có 4 - 5 người bị giết bởi cá mập trên toàn thế giới, trong khi có khoảng 150 người bị chết do bị trái dừa rơi trúng đầu. Nếu con người coi cá mập là một loài vật ác độc cần phải tiêu diệt, trước hết họ cần chặt bỏ toàn bộ dừa trên Trái Đất.

Vũ Hội (Tổng hợp)

Đón đọc số tới: Bí mật về đơn vị siêu năng 10003 của Nga

Cá mập - Nỗi kinh hoàng giữa biển khơi - Kỳ 2: Những điều thú vị về cá mập
Cá mập - Nỗi kinh hoàng giữa biển khơi - Kỳ 2: Những điều thú vị về cá mập

Những câu chuyện thêu dệt truyền tai nhau qua nhiều thế kỷ, cùng với nỗi kinh hoàng được mô tả trong các tác phẩm văn học và điện ảnh, đã cộng hưởng cùng với các câu chuyện có thực khiến người ta thường nghĩ tới tính hung bạo, thích tấn công người của cá mập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN