Cha đẻ của máy bay tiêm kích YAK (kỳ I)

A. Yakovlev (1906 – 1989) là nhà sáng chế máy bay huyền thoại của Liên Xô trước kia. Loại máy bay tiêm kích YAK nổi tiếng thế giới một thời, từng là biểu tượng cho sức mạnh của không quân Xôviết, đã được sản xuất tới 36.000 chiếc, chiếm 2/3 tổng số máy bay tiêm kích của Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc. Do những công trạng nổi bật, năm 1946, Yakovlev đã được phong quân hàm thượng tướng. Trong cuộc đời, ông đã vinh dự hai lần được phong danh hiệu Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, 1 Giải thưởng Lênin, 8 Huân chương Lênin, nhiều huân chương của nước ngoài và 1 Giải thưởng Vàng của Hiệp hội hàng không quốc tế...

Kỳ I: Niềm đam mê và ý chí

Yakovlev thời trai trẻ

Ngay từ khi còn ngồi ghế trường trung học, cậu bé Yakovlev đã sớm đam mê khoa học hàng không. Tốt nghiệp trung học năm 1923, khi mới 17 tuổi, Yakovlev đã một mình tự thiết kế chế tạo một chiếc tàu lượn và đã gặt hái thành công tại cuộc thi tàu lượn toàn Liên bang lần đầu tiên được tổ chức. Thành công ban đầu này đã khuyến khích chàng thanh niên Yakovlev nuôi ước mơ quyết tâm trở thành nhà thiết kế máy bay. Anh khao khát được vào học tại trung tâm cao nhất của ngành hàng không Liên Xô lúc bấy giờ là Học viện Không quân Zukovski, nhưng quy chế của học viện yêu cầu muốn vào học phải qua thời gian nghĩa vụ quân sự. Nhờ sự giúp đỡ đặc biệt của một người bạn, tháng 3/1924, Yakovlev được tuyển vào làm việc ở nhà máy thực hành của Học viện Hàng không.

Trong thời gian công tác tại Học viện Hàng không, Yakovlev đã đọc đủ các loại sách kỹ thuật hàng không trong thư viện và bắt đầu tiếp xúc thực tế với các loại máy bay. Năm 1927, chàng thanh niên 21 tuổi Yakovlev đã nghiên cứu chế tạo được một chiếc máy bay thể thao hạng nhẹ. Tháng 6 năm đó, Yakovlev cùng một phi công lái chiếc máy bay thể thao nhỏ màu trắng ấy bay từ Mátxcơva đến Sevastopol bên bờ Biển Đen và bay tiếp trở về, lập hai kỷ lục thế giới về bay thể thao, được tặng thưởng huy chương vàng và bằng khen. Nhưng phần thưởng lớn nhất cho thành công của chuyến bay đó là Yakovlev được nhận làm học viên Học viện Không quân, thực hiện được ước mơ mà anh đã ấp ủ bao tháng ngày.



Chiếc đầu tiên trong loạt mẫu máy bay chiến đấu rất thành công của phòng thiết kế Yakovlev trong chiến tranh.

Sau khi tốt nghiệp với thành tích học tập xuất sắc tại Học viện Không quân, Yakovlev được phân công về làm việc tại Nhà máy Menzhinski. Thời đó, Liên Xô chỉ có hai trung tâm thiết kế máy bay: Đó là Viện Thiết kế Bolikarov, chủ yếu phụ trách thiết kế máy bay tiêm kích và Viện Thiết kế Tupolev, chủ yếu phụ trách thiết kế máy bay ném bom. Viện Thiết kế Bolikarov được đặt ngay tại Nhà máy Menzhinski. Trong điều kiện thuận lợi đó, Yakovlev đã nhanh chóng thể hiện tài năng xuất chúng của một nhà sáng chế máy bay.

Năm 1933, Yakovlev nghiên cứu chế tạo được máy bay AIL-7. Loại máy bay này lắp động cơ 280 mã lực do Liên Xô tự sản xuất, tốc độ 330 km/giờ. Trong khi đó, máy bay tiêm kích I-5 do Bolikarov thiết kế cũng lắp động cơ như vậy chỉ đạt tốc độ cao nhất 280 km/giờ. Máy bay thể thao kiểu mới do Yakovlev thiết kế có tốc độ nhanh hơn cả máy bay chiến đấu “Vua tiêm kích” do Bolikarov thiết kế!

Không quân Liên Xô rất ưa chuộng chiếc máy bay do Yakovlev thiết kế, một số cán bộ chỉ huy không quân đã đích thân đến xem loại máy bay này trình diễn. Nhưng mọi sự đều khó hoàn hảo. Đúng hôm đó trời mưa, khi trình diễn, máy bay gặp sự cố, tuy không bị hỏng máy bay và chết người, nhưng tiếng tăm của chiếc máy bay cũng giảm đi nhiều. Nhà máy Menzhinski và một số vị lãnh đạo Cục Thiết kế Trung ương vốn đã mang sẵn sự đố kỵ với Yakovlev. Họ nhân cơ hội xảy ra sự cố đó làm ầm ỹ lên, cấm Yakovlev tiếp tục công việc thiết kế máy bay và thu hồi nơi làm việc của nhóm thiết kế.

Yakovlev buồn bực viết đơn lên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tổng Thư ký Ủy ban kiểm tra kỷ luật Đảng Rudzutak đã gặp ông và bày tỏ Trung ương Đảng sẽ ủng hộ Yakovlev. Rudzutak biết tin Yakovlev vừa sáng chế ra một loại máy bay chở khách, liền mời ông bay đến thăm ngôi biệt thự riêng của mình ở ngoại thành Mátxcơva. Mấy ngày sau, máy bay của Yakovlev bay đến theo lời mời. Đó là nơi phong cảnh đẹp, là nơi tập trung nhiều biệt thự của những người nổi tiếng. Thấy chiếc máy bay lạ hạ cánh, nhiều người vây lại xem. Rudzutak đến tận nơi chúc mừng và muốn ngồi trên chiếc máy bay này lượn một vòng. Yakovlev có phần lo ngại khi phải sử dụng chiếc máy bay mới chở một vị ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng Rudzutak nằn nì mãi, Yakovlev đành phải ngồi cùng ông này lên máy bay. Sau khi lượn quanh bầu trời Mátxcơva ngắm cảnh đẹp thành phố, Rudzutak tấm tắc khen ngợi: “Đây đúng là chiếc ô tô ở trên trời!”.

Lãnh đạo cao cấp của ĐCS Liên Xô đã quan tâm như vậy, ngành hàng không cũng không thể thờ ơ. Lãnh đạo Tổng cục quản lý công nghiệp hàng không cho gọi Yakovlev đến, tuyên bố với thái độ không mấy thiện cảm: Chuyển nhóm thiết kế máy bay của Yakovlev đến một nhà máy cơ khí ở phía bắc Mátxcơva.

Điều kiện làm việc của nhà máy rất sơ sài, rác rưởi trong khuôn viên nhà máy chất cao như núi, nhà xưởng chật hẹp, được ngăn đôi bằng gỗ ép, một bên bày biện đồ họa, dụng cụ đo đạc của nhân viên thiết kế máy bay, còn một bên là tiếng máy bào, máy cưa, máy rèn rập chạy ầm ầm. Yakovlev không hề bận tâm, kiên định hướng tới mục tiêu: Chế tạo chiếc máy bay huấn luyện đầu tiên theo dự kiến. Chẳng bao lâu, ông đã sáng chế ra chiếc máy bay huấn luyện UT-2 hai chỗ ngồi.

Ngày 12/7/1935, tại một sân bay ở Mátxcơva đã tổ chức cuộc trình diễn hàng không. Xtalin cùng nhiều vị lãnh đạo nhà nước Liên Xô đích thân đến tham quan. Máy bay huấn luyện UT-2 do Yakovlev thiết kế đứng đầu, khiến Xtalin vô cùng phấn khởi. Ông đến bên máy bay, tìm hiểu tỉ mỉ tính năng bay của UT-2. Sau cuộc trình diễn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng chụp ảnh kỷ niệm với các vận động viên. Đang lúc Yakovlev còn lúng túng, Xtalin ra hiệu cho ông ngồi phía trước mình và quàng tay qua vai Yakovlev, để lại một bức ảnh quý.

Sau khi UT-2 được nghiên cứu chế tạo thành công, nhà nước đã bỏ ra một khoản tiền lớn để mở rộng nhà máy. Nhà máy có chế độ quản lý nghiêm ngặt, chất lượng máy bay được chế tạo rất tốt, trình độ chính xác cao ngang với phương Tây. Năm 1936, nhà máy của Yakovlev không những tự sản xuất máy bay của mình mà còn liên kết với một số nhà máy chế tạo máy bay khác. Nhà máy cơ khí cũ rích xưa kia trở thành chiếc nôi sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu YAK lừng danh, từng bước phát triển thành xí nghiệp hàng không hiện đại quy mô lớn.

Nguyễn Hữu Thụy (Tổng hợp)

Cha đẻ của máy bay tiêm kích YAK (kỳ 2)
Cha đẻ của máy bay tiêm kích YAK (kỳ 2)

Giữa những năm 30 thế kỷ trước, ngành công nghiệp hàng không của Liên Xô đã có những thành tựu rực rỡ. Cục Thiết kế do Tupolev lãnh đạo đã thiết kế được máy bay tầm xa nổi tiếng thế giới, lập kỷ lục chặng bay dài từ Mátxcơva đến nước Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN