Ngày 18/4/1942, Hải quân Thiên hoàng, lực lượng trụ cột bảo vệ đế chế và đất nước Nhật Bản, đã phải hứng chịu một thất bại nặng nề chưa từng có. Cũng trong ngày hôm đó, 18 máy bay ném bom tầm trung B-25 Mitchell của Mỹ đã tấn công vào thủ đô Tôkyô, Yokosuka, và một loạt các thành phố lớn khác của Nhật Bản. Tình thế này khiến người Nhật lên một kế hoạch tấn công vào hòn đảo Midway của Mỹ ở Thái Bình Dương. Nhưng rốt cuộc, Nhật Bản cũng chuốc lấy thất bại thảm hại...
Đô đốc Yamamoto Isoruku, Tư lệnh Hạm đội liên hợp, nung nấu một kế hoạch cho trận đánh quyết định để trả thù Mỹ. Kể từ cuối tháng 3, Yamamoto đã cố gắng thuyết phục Bộ tham mưu Hải quân rằng việc tấn công vào các đảo Samoa và Fiji là hết sức cần thiết để làm bàn đạp tấn công vào hòn đảo Midway nằm ở giữa Thái Bình Dương, tuy nhỏ nhưng có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Bộ tham mưu đồng ý với kế hoạch này của ông ta trước khi diễn ra trận không kích do Doolittle chỉ huy. Trước đó không lâu, Yamamoto đã đe dọa từ chức Tư lệnh nếu như kế hoạch của mình không được thông qua. Không còn sự lựa chọn nào khác, Bộ tham mưu buộc phải ủng hộ với kế hoạch của vị Đô đốc này.
Kế hoạch cho một trận đánh lớn đã được Yamamoto và Bộ tham mưu của ông ta vạch ra. Toàn bộ lực lượng bao gồm cả Hạm đội liên hợp sẽ được sử dụng để tấn công vào Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở các vùng biển xung quanh Midway.
Lực lượng tham gia chiến dịch là 7 tàu chiến, 10 tàu sân bay, khoảng 20 tàu tuần dương, và hơn 70 tàu khu trục, được biên chế vào 5 hạm đội. Đô đốc Yamamoto sẽ trực tiếp chỉ huy lực lượng chủ lực, bao gồm các tàu chiến Yamato, Nagato, và Mutsu. Đây là những tàu chiến hùng mạnh nhất và là niềm tự hào của Hải quân Nhật. Làm nhiệm vụ hỗ trợ tác chiến là tàu sân bay hạng nhẹ Hosho và 8 máy bay chiến đấu trên tàu. Dự kiến các máy bay này sẽ được sử dụng vào nhiệm vụ chống tàu ngầm. Các tàu khu trục sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ cho lực lượng này...
Ngoài ra còn phải kể đến hạm đội Aleutians do Phó Đô đốc Hosogaya Moshiro chỉ huy. Lực lượng này bao gồm một tàu sân bay hạng nhẹ Ryujo, và một tàu vận tải viễn dương nay được chuyển đổi thành tàu sân bay Junyo. 4 tàu chiến Ise, Hyuga, Fuso, và Yamashiro sẽ yểm trợ từ xa cho chiến dịch. Một lực lượng hỗn hợp gồm các tàu tuần dương và tàu khu trục sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ cả hai lực lượng này.
Đô đốc Kondo Nobutake chỉ huy Hạm đội số hai, bao gồm các tàu chiến Kongo và Haruna, và tàu sân bay hạng nhẹ Zuiho. Lực lượng của ông ta có nhiệm vụ yểm trợ cho lực lượng làm nhiệm vụ tấn công dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Tanaka Raizo. Cũng như các lực lượng khác, lực lượng này được các tàu khu trục và tàu tuần dương bảo vệ. Nhưng bộ phận tinh nhuệ nhất của lực lượng tham gia chiến dịch này là Hạm đội số một. Đặt dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Nagumo Chuichi, đây là lực lượng đã tham gia trận đánh Trân Trâu Cảng và nhiều chiến dịch lớn khác của Nhật Bản. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, tất cả 6 tàu sân bay hạng nặng đều sẽ được trưng dụng. 2 tàu chiến và 2 tàu tuần dương cộng với một tàu khu trục sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ xung quanh các tàu sân bay này.
Theo kế hoạch, vào ngày 3/6, Hosogaya sẽ tấn công các cơ sở trên bờ của Hải quân Mỹ ở cảng Hà Lan, nằm trong quần đảo Aleutian. Mục đích của hành động này là dụ cho các tàu sân bay của Mỹ di chuyển về phía bắc để bảo vệ bang Alaska. Tiếp theo kế hoạch, các máy bay từ các tàu sân bay của Nagumo sẽ tiến hành ném bom Midway để phá hủy các hệ thống phòng ngự của Mỹ trên đó. Sau đó, Nagumo sẽ trú quân tại khu vực đó để sẵn sàng chặn đánh các lực lượng cứu viện của hải quân Mỹ.
Sau các đợt tấn công này, các tàu tiếp nhiên liệu và tàu vận tải của Hải quân Nhật sẽ chiếm các đảo Attu và Kiska thuộc quần đảo Aleutians, đảo Kure nằm cách Midway 60 hải lý về phía bắc, và sau cùng là chính đảo Midway.
Sau đó, cùng với lực lượng tinh nhuệ nhất, và các lực lượng yểm trợ của Kondo, quân Nhật sẽ tấn công các tàu của hải quân Mỹ nếu chúng xuất hiện. Trước đó, ngày 1/6, Yamamoto hy vọng tiêu hao được một phần lực lượng của Mỹ bằng cách triển khai một lực lượng tàu ngầm ở phía tây bắc của quần đảo Hawaii. Các tàu ngầm sẽ tấn công và đánh chìm càng nhiều tàu của Mỹ càng tốt, trước khi đưa lực lượng tinh nhuệ nhất vào đánh trận cuối cùng.
Kế hoạch này được trình lên Bộ tham mưu Hải quân và thông qua vào ngày 5/5.
Tuy nhiên, đến phút chót lại có sự thay đổi. Bởi lực lượng Lục quân không nhất trí với kế hoạch này. Trước đó, chiến dịch MO, đánh chiếm đảo Tulagi và cảng Moresby, đã được tiến hành với sự tham gia của các tàu sân bay Shokaku và Zuikaku. Đây là một sự chia tách lớn đối với lực lượng tàu sân bay của Đô đốc Nagumo, bởi vì nó đã mất đi một phần ba lực lượng của bộ phận tinh nhuệ nhất.
Đô đốc Yamamoto đã đồng ý cho những tàu sân bay tham gia vào chiến dịch MO và tin tưởng rằng, những chiếc tàu sân bay này sẽ làm nên chiến thắng; nhưng ông ta đã lầm. Cả hai tàu sân bay Shokaku và Zuikaku, và tàu sân bay hạng nhẹ Shoho, đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu trong trận đánh ở biển San Hô diễn ra vào ngày 8/5/1942.
Đình Vũ (tổng hợp)
Đón đọc kỳ 2: Mục tiêu mang mật danh “AF”