Vào ngày 28/5/1962, hai người Mỹ đã nhảy dù từ “Pháo đài bay” B-17, đáp xuống Severny Polyus-8 (còn gọi là North Pole-8, hay NP-8), một trạm nghiên cứu bị bỏ hoang của Liên Xô đang trôi dạt trên một tảng băng ở Bắc Băng Dương. Đây là điểm khởi đầu của một trong những chiến dịch bất thường nhất của CIA, đã đi vào lịch sử với mật danh Chiến dịch Coldfeet.
Săn lùng các trạm băng Liên Xô
Một trạm băng trôi chỉ có ích cho các nhà thám hiểm địa cực của Liên Xô cho đến thời điểm tảng băng mà nó nằm trên đó bắt đầu tan rã. Vào lúc đó, các nhà khoa học sẽ được sơ tán khẩn cấp và trạm bị bỏ hoang sẽ tiếp tục trôi dạt trên đại dương cho đến khi nó bị phá hủy hoàn toàn.
Vào đầu những năm 1960, CIA và Văn phòng Nghiên cứu Hải quân thuộc Bộ Hải quân Mỹ đã tiến hành một cuộc săn lùng thực sự với các trạm băng bỏ hoang của Liên Xô. Người ta tin rằng tại những nơi đó có lắp đặt các thiết bị phát hiện sóng âm của tàu ngầm Mỹ.
Ban đầu, mục tiêu của CIA là trạm NP-9, được một máy bay trinh sát phát hiện vào tháng 5/1961. Tuy nhiên, sứ mạng này bị đình trệ và trạm băng đã bị đẩy ra quá xa ngoài đại dương.
Vào mùa xuân năm 1962, cách căn cứ Không quân Candian ở Vịnh Resolute khoảng 970 km, một trạm băng trôi bị bỏ hoang khác là NP-8 đã bất ngờ được phát hiện. Đó là một cơ hội không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, tàu phá băng của Mỹ không thể vượt qua lớp băng dày đặc trong khu vực, trực thăng cũng không thể tiếp cận vị trí và việc để máy bay hạ cánh trên một “chiếc phao” đang tan rã là quá nguy hiểm. Vì vậy, CIA đã quyết định thả các đặc vụ xuống bằng dù. Nhưng câu hỏi đặt ra sau đó là làm thế nào để đưa họ trở lại.
Cuối cùng, giới chức đã quyết định sử dụng một hệ thống chuyên sơ tán các điệp viên CIA khỏi lãnh thổ thù địch được gọi là ‘Skyhook’ do Robert E. Fulton phát triển vào cuối những năm 1950. Hệ thống này đòi hỏi một khinh khí cầu hình bánh mì, bơm đầy khí heli, một dây kéo dài 150 mét và một máy bay tầm thấp.
Khi cần thoát khỏi địa điểm, các đặc vụ CIA sẽ dùng chai nén khí heli bơm khí cầu cá nhân phồng lên, buộc một đầu dây vào đó, đầu dây còn lại quấn quanh người họ. Khí cầu sẽ bay lên không trung, và chiếc máy bay giải cứu sẽ sử dụng những chiếc nĩa đặc biệt để với lấy sợi dây, rồi thả tự do khinh khí. Sợi dây sau đó được cuốn vào một chiếc tời và nâng các đặc vụ lên máy bay.
Cuộc giải cứu
Thiếu tá James Smith, một lính dù giàu kinh nghiệm, thông thạo tiếng Nga, và đồng nghiệp, Trung úy Leonard A. LeSchack, một chuyên gia về hệ thống giám sát tàu ngầm, đã có ba ngày để nghiên cứu về trạm NP-8. Họ nhảy dù xuống trạm cùng một số hộp thiết bị cần thiết.
Đúng như dự đoán của người Mỹ, các nhà khoa học Liên Xô đã vội vàng rời trạm NP-8 mà không kịp mang theo tất cả các thiết bị. Các đặc vụ CIA đã tìm ra hơn 80 tài liệu, thu thập các mảnh vỡ của thiết bị mà người Liên Xô bị bỏ lại và chụp khoảng một trăm bức ảnh.
Đến thời điểm được chỉ định phải di tản, thời tiết tại trạm NP-8 xấu đi nghiêm trọng: Tầm nhìn giảm mạnh và những luồng gió băng giá ào ạt. Connie W. Seigrist, phi công của chiếc máy bay giải cứu các đặc vụ nhớ lại: “Tôi ngay lập tức rơi vào một tình huống có thể tưởng tượng như đang bay trong khoảng không”.
Chiếc máy bay đã thu về các “chiến lợi phẩm” bằng cách sử dụng hệ thống ‘Skyhook’ không gặp nhiều khó khăn, nhưng với con người thì mọi thứ còn khó khăn hơn. Gió đã kéo LeSchack đi gần 100 mét trên mặt băng khi anh đang chờ sơ tán bằng cách cố neo mình vào một khối băng. Ngay cả sau khi máy bay đã đón lên, LeSchack cũng mất thêm 10 phút treo lủng lẳng trong luồng không khí băng giá trước khi được cẩu lên phi cơ.
Sau khi quan sát những gì đã xảy ra với đồng nghiệp, Smith thả khinh khí cầu của mình và giữ chặt lấy một chiếc máy kéo Liên Xô bị bỏ lại. Cuối cùng, anh được nhấc lên mà không gặp khó khăn gì đặc biệt.
Kết quả của Chiến dịch Coldfeet, người Mỹ phát hiện ra rằng Liên Xô đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong nghiên cứu về khí tượng vùng cực và hải dương học vùng cực. Ngoài ra, họ thu được bằng chứng cho thấy người Nga đang sử dụng thiết bị sóng âm thanh để phát hiện tàu ngầm Mỹ ở Bắc Cực.
“Nhìn chung, những thành tựu đáng kể của Liên Xô trong các trạm băng trôi phản ánh kinh nghiệm lâu năm của họ trong lĩnh vực này và tầm quan trọng to lớn mà chính phủ của họ dành cho nó", Chỉ huy chiến dịch, Đại úy John Cadwalader lưu ý.