Theo Business Insider, tuy nhiên, trong thực tế, đó là một chiến dịch thách thức, bóp nghẹt ngành công nghiệp Đức quốc xã năm 1943, khiến các nhà máy Đức không thể sản xuất vật liệu cần thiết để thắng cuộc chiến.
Chiến dịch mạo hiểm
Cuộc đột kích Dam Busters (Bom phá đập) hay còn được gọi chính thức là Chiến dịch Chastise diễn ra sau một loạt cuộc dội bom trúng liên tiếp các mục tiêu ở vùng công nghiệp Ruhr tại Đức, nhưng lại không thể làm giảm đáng kể sản lượng công nghiệp Đức. Các nhà lập kế hoạch cần một cách làm kiệt quệ ngành này và đánh giá một cuộc dội bom quy mô lớn không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Vì thế, họ đã đưa ra một phương án khác: thay vì tấn công các nhà máy và khu vực đơn lẻ, họ sẽ quét sạch toàn bộ khu vực sản xuất để phá hủy cơ sở hạ tầng chủ chốt. Một vài trong số những mục tiêu tốt nhất và rõ ràng nhất là các con đập ở khu vực Ruhr.
Các con đập này có một số nhiệm vụ quan trọng. Chúng điều chuyển dòng nước, cung cấp thủy điện, bảo vệ hàng nghìn mẫu đất nông nghiệp để canh tác thường xuyên. Phá hủy đập sẽ tạo thảm họa kinh hoàng. Nước lũ sẽ phá hủy hàng chục nhà máy quan trọng, có nhiệm vụ sản xuất mọi thứ từ than tới xe tăng.
Tuy nhiên, để làm được điều này không phải dễ dàng. Cuộc đột kích Dam Busters diễn ra trước khi Anh có loại bom được gọi là “bom động đất”, vì thế thứ vũ khí sẵn có lúc bây giờ cho cuộc dội bom phá đập chỉ là bom trọng lực thông thường. Đánh bom một con đập nhỏ hẹp không phải chuyện dễ dàng. Thậm chí nếu quả bom rơi trực tiếp lên trên bề mặt đập thì cũng chưa thể thực sự khiến con đập bị nứt vỡ.
Do đó, không quân Anh sẽ phải thực hiện nhiều cuộc dội bom, có thể là hàng chục cuộc. Bom phải rơi gần như chính xác vào một vị trí để phá vỡ con đập từ bên trên. Thả một quả bom trên bề mặt đập nhô lên mặt nước có thể phá hủy đập nặng nề. Tiếp đó, thả một quả ở điểm bên phải mặt chìm trong nước sẽ khiến mọi thứ bị phá hủy dưới áp lực tổng hợp của bom và nước.
Trước nhiệm vụ khó khăn, không quân Anh bắt đầu đi tìm các phương án. Họ tìm thấy một loại vũ khí đang được kỹ sư người Anh Barnes Wallis phát triển. Kỹ sư này muốn tạo ra một loại bom để phá hủy tàu khu trục.
Ý tưởng của ông Wallis khá đơn giản: Một quả bom có hình dạng và trục xoay phù hợp có thể nhảy trên mặt nước cho tới khi chạm tới con tàu. Sau đó, trục xoay sẽ đẩy quả bom xuống nước bên ngoài con tàu. Nó sẽ nổ bên dưới nước với lượng chất nổ lớn hơn nhiều một quả ngư lôi và phá hủy con tàu. Quả bom sau này được gọi là “bom nhảy”.
Vũ khí của Wallis được sử dụng cho Chiến dịch Chastise. Người Anh đã thành lập một phi đội hoàn toàn mới để thực hiện nhiệm vụ. Phi đội có tên 617. Các phi công tới từ các nước đồng minh phương Tây như Mỹ, Canada, Australia. Kế hoạch là thực hiện một cuộc đột kích ban đêm ở tầm thấp vào ba con đập trong thung lũng. Phi đội bắt đầu tập huấn tích cực với các quả bom đặc biệt.
Phương pháp thành công nhất mà họ phát hiện ra là bay ở tầm 18 mét trên mặt nước với tốc độ bay theo phương nằm ngang 373km/h. Mặc dù cách này sẽ mang lại cơ hội thành công lớn nhất và giảm thiểu khả năng bị tấn công, nhưng đây là cách bay cực kỳ nguy hiểm và khó khăn.
Lúc 9 giới 28 tối 16/5/1943, 133 người lên 19 máy bay phá vỡ thành công hai con đập và làm hư hỏng con đập thứ ba.
Kết quả chiến dịch
Sáng hôm sau, các vụ tấn công được báo cáo tại Đức và Anh. Đức tìm cách hạ thấp kết quả cuộc tấn công, trong khi Anh ca ngợi thành công của phi vụ. Trong nhiều năm liền, kết quả chính xác của chiến dịch gây tranh cãi. Thậm chí các sử gia Anh cũng cho rằng vụ tấn công đã bị ca ngợi quá mức.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới hơn đã cho thấy cuộc tấn công đập thực sự là một thành công ngoạn mục.
Trong cuốn sách “Dam Busters: The Race to Smash the Dams” (Bom phá đập: Cuộc chạy đua phá đập), tác giả James Holland cho rằng đã tới lúc ghi nhận thành công của chiến dịch. Ông khẳng định, thiệt hại mà chiến dịch gây ra cho Đức quốc xã là “khổng lồ” và đó là “thành công phi thường”.
Theo tác giả Holland, mọi cây cầu cách nhau 48km phía khu vực dưới con đập Mohne bị vỡ đã bị phá hủy. Các tòa nhà cách đó 64km cũng bị hư hỏng. 12 nhà máy sản xuất phục vụ chiến tranh bị phá hủy và khoảng 100 nhà máy nữa bị hư hỏng.
Người Đức gọi vụ không kích là “thảm họa Mohne”. Ngay cả Bộ trưởng Vũ khí Albert Speer cũng phải thừa nhận vụ việc là thảm họa trong nhiều tháng với người Đức. Đức đã không thể sản xuất 400.000 tấn than trong tháng 5 và phải chuyển hàng nghìn lao động cưỡng ép từ bờ biển Normandy và các khu vực khác tới để khắc phục thiệt hại.
Các công nhân đã phải sửa chữa con đập trước khi trời mưa hoặc khu vực bên dưới hết nước và điện. Họ phải sửa chữa cả trăm nhà máy bị hư hỏng. Hàng nghìn mẫu đất nông nghiệp để sản xuất nuôi sống quân đội đã bị phá hủy.
“Thảm họa Mohne” xảy ra với quân đội Đức trong bối cảnh Đức tìm cách chặn đường tiến của quân Liên Xô. Diễn ra một năm trước cuộc đổ bộ Normandy, chiến dịch Chastise đã gia tăng cơ hội thành công của cuộc đổ bộ.
Tuy nhiên, sứ mệnh cũng phải trả giá. Không quân Anh mất hai máy bay ném bom trên đường bay tới khu vực mục tiêu. Một chiếc lao xuống nước và một chiếc vướng vào dây điện. 8 máy bay ném bom bị bắn hạ. 53 quân nhân Đồng minh thiệt mạng và 3 người bị bắt.