Dư luận Australia đang rất hoang mang trước hàng loạt trường hợp phát hiện kim khâu cắm sâu vào dâu tây, táo, chuối. Từ ngày 13/9 đến nay, hàng chục người thông báo phát hiện kim khâu khi ăn trái dâu tươi. Sự việc ảnh hưởng tới 7 nhãn hiệu cung cấp dâu tươi ở 7 trên 8 bang và vùng lãnh thổ của Australia, cũng như ngành sản xuất dâu của nước này khi đang trong vụ mùa thu hoạch. Ngoài dâu tươi còn có một số trường hợp thông báo phát hiện kim khâu trong táo và chuối mua ở siêu thị.
Dưới đây là một số vụ bê bối liên quan tới thực phẩm đáng chú ý trên toàn cầu được kênh truyền hình Nga RT điểm lại.
Năm 2017: Bỏ độc vào đồ ăn trẻ em ở Đức để tống tiền
Tháng 9/2017, cảnh sát ở thành phố Konstanz, Tây Nam nước Đức đã xem lại hình ảnh máy quay giám sát nhằm xác định danh tính một kẻ tống tiền 55 tuổi đã cho vào hộp đồ ăn dành cho trẻ em chất ethylene glycol, một thành phần quan trọng tạo chất chống đông có thể gây ra bệnh suy thận chết người.
Đối tượng này đã bị bắt quả tang khi đặt những hộp sản phẩm bị nhiễm độc lên quầy một số siêu thị Đức. Hắn ta đe dọa sẽ mở rộng phạm vi âm mưu bất chính nếu không nhận được khoản tiền chuộc 10 triệu euro. Cuối cùng hắn ta đã bị bắt và thú nhận bỏ độc trong thức ăn.
Năm 2012/2013: Bê bối thịt ngựa giả bò ở châu Âu
Vào năm 2012, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đã phát hiện ra ADN của ngựa có trong hơn 1/3 bánh mì kẹp thịt bò và các khẩu phần ăn sáng làm sẵn bán trong các siêu thị. Một số khẩu phần thịt bò còn chứa tới 85% ADN lợn.
FSAI mất hai tháng thử nghiệm và điều tra các mẫu sản phẩm trước khi công bố thông tin cho công chúng vào tháng 1/2013.
Sau khi vụ việc vỡ lở, các siêu thị Ireland và Anh đổ lỗi cho các nhà cung cấp thịt ở Hà Lan, Tây Ban Nha và Ba Lan. Các cuộc điều tra bổ sung đã được triển khai rộng khắp châu Âu dẫn đến việc phát hiện ra một bê bối khác ở Pháp. Mặc dù không có rủi ro gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, song một làn sóng tranh cãi thịt ngựa giả thịt bò đã rộ lên, khiến nhiều siêu thị và nhà cung cấp thực phẩm tại quốc gia này tổn hại danh tiếng.
Năm 2008: Sữa trẻ em nhiễm độc ở Trung Quốc
Trong năm 2008, khoảng 300.000 trẻ sơ sinh Trung Quốc đã mắc bệnh sau khi uống phải sữa nhiễm độc. Ít nhất 6 trẻ em tử vong trong số 54.000 trẻ sơ sinh nhập viện.
Hợp chất hữu cơ melamine được thêm vào để cho phép sữa không đạt tiêu chuẩn qua mặt các bài kiểm tra dinh dưỡng. Hợp chất hữu cơ melamine có khả năng làm cho sữa có vẻ có độ đạm cao hơn, nhưng gây tác dụng phụ cho người sử dụng như suy thận và sỏi thận.
Một điều khiến công chúng phẫn nộ là tập đoàn sữa Sanlu đã chậm trễ gần 1 năm trong việc thông báo về sự việc cho giới chức, trong khi họ nhận được một số đơn khiếu nại từ tháng 12/2017.
Một nông dân chăn nuôi bò sữa và một người bán sữa phải nhận án tử hình với tội danh gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng, sản xuất và bán thực phẩm độc hại, trong khi 19 người khác bị bỏ tù vì có dính líu tới bê bối sữa nhiễm độc.
Năm 1982: Vụ giết người bằng thuốc cảm Tylenol
Năm 1982, 7 người, trong đó có một bé gái 12 tuổi, đã tử vong sau khi uống thuốc có chứa hóa chất xi mạ potassium cyanide được dán nhãn là thuốc giảm đau phổ biến Tylenol.
Khi các nhà điều tra phát hiện ra rằng ai đó cố ý cho potassium cyanide vào một số chai thuốc cảm, người tiêu dùng ngay lập tức được cảnh báo là không nên tiếp tục dùng thuốc. Sau một loạt tai nạn chết người, ít nhất 31 triệu chai thuốc cảm Tylenol trên toàn nước Mỹ đã bị nhà sản xuất Johnson & Johnson thu hồi.
Mặc dù hơn 3 thập kỷ trôi qua song các quan chức Mỹ vẫn chưa thể xác định kẻ giết người.
Công ty Johnson & Johnson sau đó cũng chuyển sang sản xuất các "viên nang" rắn thay vì con nhộng bột - loại dễ dàng bị pha trộn potassium cyanide. Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật vào năm 1983, xếp những kẻ làm giả các loại thuốc và hàng tiêu dùng khác là tội phạm liên bang.
Năm 1920-1933: Bê bối rượu “biến chất"
Trong khoảng thời gian Hiến pháp Mỹ cấm bán đồ uống có cồn từ năm 1920 đến năm 1933, việc tiêu thụ, sản xuất hoặc vận chuyển chất chứa cồn ngoài mục đích sử dụng công nghiệp bị cấm.
Các cơ quan quản lý của chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp biến cồn công nghiệp thành loại cồn không uống được, bằng cách bổ sung thêm các hóa chất độc hại như methyl vào grain alcohol (loại cồn được phép cho vào bia rượu). Phương pháp này gọi là phương pháp làm cồn “biến chất”.
Tuy nhiên, ý định tốt của chính phủ đã bị kẻ xấu lợi dụng, và dùng cồn độc hại pha chế trong rượu.
Chỉ trong mùa lễ hội năm 1926 ở thành phố New York, 31 người đã tử vong và 60 người khác phải nhập viện sau khi uống rượu bị nhiễm độc. Mặc dù con số chính xác về số người chết vì rượu độc trong khoảng thời gian đó chưa được thống kê nhưng ước tính có đến 10.000 tử vong trong khoảng thời gian cấm uống rượu.