Khi giúp vẽ ra tấm bản đồ Trung Đông thời hậu Chiến tranh thế giới thứ nhất, cố Thủ tướng Anh Winston Churchill đã hỏi một phụ tá về “đặc điểm tôn giáo” của một thủ lĩnh bộ lạc của Arập mà ông định giao phó đảm trách nhà nước chư hầu của Anh tại Iraq. Điều ông Churchill từng viết giờ đây đã là một cách viết lỗi thời: “Có phải ông ta là một người Sunni với sự đồng cảm của người Shiite hay là một người Shiite với sự đồng cảm của người Sunni? Tôi luôn bị nhầm lẫn giữa hai điều này”.Trong hơn một thế kỷ tìm cách kiểm soát Trung Đông, người phương Tây đã đã luôn phải vật lộn để thấu hiểu thứ tôn giáo định rõ khu vực này. Nhưng làm thế nào phương Tây thế tục có thể hy vọng lĩnh hội được các nền văn hóa mà ở đó, tôn giáo là chính quyền, kinh thánh là luật pháp và quá khứ định rõ tương lai?
Hiện trường vụ tấn công nhà thờ của người Shiite ngày 25/8, ba ngày sau vụ một nhà thờ Hồi giáo của người Sunni ở phía đông bắc thủ đô Baghdad, Iraq bị các tay súng tấn công. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Hồi giáo đã bị chia cắt giữa dòng Sunni và dòng Shiite kể từ sau cái chết của nhà tiên tri Muhammad vào năm 632 và một cuộc tranh cãi quyết liệt đã diễn ra tiếp sau về việc ai nên lãnh đạo Hồi giáo. (Người Sunni đã kêu gọi một Nhà nước Hồi giáo theo chế độ bầu cử trong khi người Shiite đã đi theo hậu duệ của Muhammad.)
Qua nhiều thế kỷ, hai giáo phái này đã phát triển các đặc tính văn hóa, địa lý và chính trị riêng biệt vượt ra khỏi các nguồn gốc thần học của sự ly giáo đó. Ngày nay, người Sunni chiếm khoảng 90% trong 1,6 tỷ tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Nhưng người Shiite có sức mạnh không cân xứng, bởi họ kiểm soát Iran và tập trung quanh các khu vực giàu dầu mỏ.
Trung tâm sức mạnh của người Shiite là Iran, nơi cuộc cách mạng Hồi giáo diễn ra năm 1979 đã khơi dậy những căng thẳng giáo phái của khu vực này, vốn đã lắng xuống trong nhiều năm trước đó – trước tiên là bởi sự cai trị trong gần 500 năm của Đế chế Ottoman và sau đó là bởi thực dân phương Tây.
Việc Giáo chủ Ruhollah Khomeini lật đổ vua Shah thân Mỹ của Iran đã đốt cháy những tham vọng của các chiến binh thánh chiến Hồi giáo ở nơi khác và đã xây dựng nên một chế độ chính trị thần quyền hiện đại đầu tiên của khu vực. Cuộc khủng hoảng con tin của Mỹ xảy ra sau đó đã thiết lập khả năng lãnh đạo mới của Iran với tư cách là một kẻ tử thù của phương Tây.
Vào năm 1983, khi nhóm chiến binh Hezbollah dòng Shiite đánh bom một doanh trại lính thủy đánh bộ của Mỹ ở Beirut (Liban), giết chết 241 người Mỹ, và bắt đầu bắt cóc những người phương Tây ở khu vực này, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo dường như đã mang bộ mặt của dòng Shiite. Cuộc chiến kéo dài của Iran với Iraq mà dòng Sunni chiếm ưu thế – được kích động phần nào bởi việc Khomeini kêu gọi một cuộc nổi dậy của người Shiite ở Iraq – đã đẩy Mỹ đứng về phe của Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Quả thực, các lãnh đạo của Mỹ đã quá bình thản về chủ nghĩa cực đoan Sunni đến nỗi CIA đã hăng hái hỗ trợ luyện tập và vũ trang cho các chiến binh thánh chiến trẻ tuổi – trong số đó có một người Saudi Arabia trẻ tuổi giàu có tên là Osama bin Laden – để chiến đấu chống lại quân Xôviết ở Afghanistan.
Thắng lợi đó cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi khi bin Laden và các chiến binh Sunni khác, được "thắp sáng" bởi niềm tin chắc chắn rằng Thánh Allah đã trao quyền cho họ, đã sáng lập al-Qaeda và tuyên bố mục tiêu thành lập một Nhà nước Hồi giáo mới. Nhằm vào Mỹ và các cường quốc phương Tây khác, mà bin Laden gọi là “kẻ thù phương xa”, không chỉ là một bước đi hướng đến mục đích gần hơn mà còn là tối thượng: đánh đuổi Mỹ và các đồng minh ra khỏi khu vực này, chấm dứt sự hỗ trợ của các nước này cho những nhà cầm quyền không theo đạo hà khắc ở những nơi như Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia.
Các đường biên giới quốc gia được vẽ trên các tấm bản đồ của phương Tây hầu như không có chỗ trong tầm nhìn cấp tiến về Nhà nước Hồi giáo được khôi phục lại này. Tham vọng này là quyền lực tuyệt đối của dòng Sunni và Sharia – luật pháp Hồi giáo – đối với toàn bộ thế giới Hồi giáo. Để đạt được tham vọng đó, phương Tây chỉ cần bị trục xuất, trong khi người Shiite phải bị diệt trừ tận gốc.
Daniel Benjamin, cựu điều phối viên về chống khủng bố tại Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang làm việc tại Đại học Dartmouth nói: “Có đủ các loại tài liệu của al-Qaeda, trong đó các gián điệp của nhóm này nói nhiều điều tương tự như ‘người Mỹ là xấu xa, những kẻ bạo chúa thế tục là xấu xa, người Israel là xấu xa – và người Shiite còn tồi tệ hơn cả bọn chúng'”.
Một số cuốn sách giáo khoa của Saudi Arabia miêu tả Hồi giáo Shiite còn lầm đường lạc lối hơn cả đạo Cơ đốc hay thậm chí là đạo Do Thái. Một đoạn truyện dân gian phổ biến của người Sunni ở Liban, Nasr viết trong cuốn sách của mình có tựa đề "Sự trở lại của dòng Shiite", nói rằng người Shiite có đuôi.
Các chiến binh Hồi giáo dòng Shiite trung thành với Giáo sĩ Moqtada al-Sadr tham gia lực lượng Chính phủ chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS) ở khu vực Jurf al-Sakhr, phía nam thủ đô Baghdad ngày 23/8. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trong hàng thập kỷ, các nhà độc tài của Trung Đông đã cảnh báo những người bảo trợ dân chủ của họ ở phương Tây rằng chỉ có các biện pháp hà khắc của họ mới có thể kiềm chế sự kình địch giữa dòng Shiite và dòng Sunni. Nhưng sau sự kiện 11/9, các nhà lãnh đạo của Mỹ đã kết luận rằng sự trấn áp này chỉ là phần nào của vấn đề.
Quảng bá một “chương trình nghị sự tự do” mới, Tổng thống George W. Bush đã thúc giục một cuộc xâm lược Iraq nhằm lật đổ chính quyền Saddam và – dù sao, đây là mục tiêu đã được nói rõ – thiết lập một nền dân chủ thay thế ông ta (Saddam). Nhưng thay vào đó, Bush thật ra
đã buông lỏng những cơn giận dữ giáo phái này.
Việc lãnh đạo Iraq Saddam cuối cùng đã bị thay thế bằng nhà cai trị người Shiite ủng hộ Iran, al-Maliki (lên nắm quyền hồi năm 2006), đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo khắp thế giới Sunni, đặc biệt là ở các nền quân chủ giàu dầu mỏ của vùng Vịnh Persique như Saudi Arabia, Kuwait và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất. Cuộc hành quân tiến đến vũ khí hạt nhân của Iran theo dòng Shiite đã biến hồi chuông báo động thành nỗi hoảng sợ hiện hữu.
Với phong trào Mùa xuân Arập diễn ra hồi năm 2011, nhiều người ở phương Tây đã nuôi hy vọng rằng tinh thần dân chủ cuối cùng sẽ ăn sâu bén rễ. Tuy nhiên, như tại Iraq, việc lật đổ các nhà độc tài đã tháo bỏ xiềng xích cho những thành phần cực đoan tôn giáo ở hầu hết mọi nơi. Tại Syria, nỗ lực tồn tại của Tổng thống Bashar al-Assad đã biến thành một chiếc vạc đổ đầy máu của những người theo dòng Sunni và dòng Shiite.
Các chiến binh dòng Sunni từ khắp nơi trên thế giới đã quy tụ để chiến đấu với các lực lượng của Tổng thống Assad, một thành viên của giáo phái Alawite, một nhánh của Hồi giáo Shiite và là một đồng minh thân cận của Iran, nước đã đổ nhân lực và tiền của vào cuộc chiến này. Một nhà ngoại giao Arập nói: “Tất cả các chiến binh thánh chiến trên thế giới đang đi đến Syria. Đó là Afghanistan mới”. Một báo cáo hồi tháng 6 của Tổ chức Soufan Group có trụ sở tại New York ước tính rằng hơn 12.000 chiến binh nước ngoài đã tới Syria để tham gia cuộc xung đột.
Cùng với việc cuộc chiến nhằm vào ông Assad (hiện đang ở năm thứ 4) tiếp tục diễn ra, mục tiêu của dòng Sunni nhằm ép ông Assad từ bỏ quyền lực lại kéo dài. Nhưng mục tiêu có từ lâu hơn là phá vỡ các đường biên giới để thiết lập Nhà nước Hồi giáo mới đã chi phối cuộc xung đột này, và sự giết chóc đã dễ dàng đổ từ Syria vào Iraq. Nhà ngoại giao trên nói: “Sẽ chẳng có ai nói về việc đấu tranh chống lại Assad nữa”.
Kỳ 3: Triều đại của ISTTK