Ông Wriston là một người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa, người chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tầm nhìn của nhà kinh tế học Friedrich Hayek về một thế giới mà trong đó tự do thị trường là nền tảng của tự do cá nhân. Nhìn kỹ vào quá trình phát triển nền tài chính quốc tế, mạng lưới thông tin, có thể thấy ông Wriston hiện diện ở khắp mọi nơi.
Những đổi mới tài chính của ông Wriston đã giúp tạo ra thị trường Eurodollar hiện đại. Eurodollar là đô la Mỹ được giữ trong tài khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng bên ngoài Mỹ. Những nỗ lực của ông nhằm xây dựng một hệ thống thanh toán toàn cầu tư nhân dưới sự kiểm soát của Citibank vào đầu những năm 1970 đã là động lực để các ngân hàng khác xây dựng hệ thống riêng, để tránh bị Citibank “nuốt chửng”.
Với tinh thần sẵn sàng biến ý tưởng thành hành động, ông Wriston đã thay đổi thế giới. Như ông đã giải thích vào năm 1979, mạng lưới ngân hàng hiện tại mà thị trường châu Âu và hệ thống thanh toán tự động có vẻ đơn giản và mang tính kỹ thuật, nhưng lại gây ra những hậu quả chính trị to lớn. Ông cho rằng nếu tiền có thể di chuyển nhanh chóng từ nước này sang nước khác thì các quốc gia sẽ không thể làm chủ được tiền nữa. Thay vào đó, tiền có thể làm chủ các quốc gia, thay thế tính chuyên chế của những người cai trị chính trị bằng kỷ luật thị trường.
Động cơ thay đổi
Vào những năm 1960, khi ông Wriston bắt đầu sự nghiệp, ngân hàng quốc tế hầu như không tồn tại. Các ngân hàng chỉ hoạt động bên trong biên giới từng quốc gia và bị quản lý bằng các quy định phức tạp, mâu thuẫn vốn hình thành từ sau cuộc khủng hoảng tài chính của Đại suy thoái. Những quy định này có nghĩa là hầu hết các ngân hàng hầu như không phải cạnh tranh quốc tế và có rất ít động lực để đầu tư vào những cách thức hoạt động mới. Gần như không thể trở thành một ngân hàng quốc tế thực sự.
Thời đó, phải mất một thời gian rất dài để gửi tiền qua biên giới. Có thời điểm, lạm phát ở Argentina tăng nhanh đến mức chi nhánh Citibank ở nước này phải chuyển lợi nhuận của mình thành những thùng rượu whisky Scotch để tránh lạm phát, sau đó mới gửi đến New York.
Ông Wriston đã giúp xây dựng lại hệ thống ngân hàng cũ kĩ, cồng kềnh, kết nối các thị trường quốc gia rời rạc thành một nền kinh tế thế giới thực sự. Chiến lược của ông được xây dựng dựa trên hai tầm nhìn sâu sắc. Đầu tiên là thị trường toàn cầu có thể phá vỡ các hệ thống quy tắc mê cung do các cơ quan quản lý quốc gia xây dựng và cuối cùng thay thế chúng. Thứ hai là ngân hàng là một nhánh kinh doanh thông tin.
Thời đó, các doanh nghiệp bên ngoài Mỹ rất muốn có đô la Mỹ, thứ cần thiết để mua và bán những thứ như dầu, trong khi các doanh nghiệp ở Mỹ lại muốn kiếm được lợi nhuận cao hơn. Các cơ quan quản lý Mỹ đã giới hạn lãi suất đối với người tiêu dùng thông thường và ngừng hoàn toàn trả lãi cho các khoản tiền gửi của công ty, hạn chế lợi nhuận mà nhiều ngân hàng ở các bang có thể kiếm được. Các chủ ngân hàng đã bắt đầu tìm ra những phương tiện để kết nối nhu cầu đô la Mỹ ở nước ngoài với nguồn cung của Mỹ.
Ông Wriston và các đồng nghiệp đã xây dựng cơ sở hạ tầng thể chế cho phép điều này xảy ra trên quy mô lớn. Họ đã tạo ra các công cụ tài chính như chứng chỉ tiền gửi, cung cấp một đường lối pháp lý để chuyển tiền đô la Mỹ thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Mỹ một cách suôn sẻ đến các ngân hàng quốc tế có khách hàng cần đô la Mỹ. Các đối thủ cạnh tranh của Citibank, như JPMorgan và Warburg, đã điều chỉnh các công cụ này và đưa ra ý tưởng riêng. Eurodollar đã từ một thị trường nhỏ và không liên kết trở thành một thị trường rộng lớn để mua, bán và cho vay bằng đô la Mỹ bên ngoài nước Mỹ.
Như nhà kinh tế chính trị Eric Helleiner mô tả, thị trường Eurodollar đã trở thành vùng xám hợp pháp, nơi một lượng lớn đô la Mỹ lưu hành ngoài biên giới Mỹ. Khi thị trường này phát triển, đồng đô la Mỹ được coi là cơ sở chung của thương mại quốc tế. Nếu một công ty Nhật Bản bán hàng cho một doanh nghiệp ở Italy, thật khó để chuyển đổi đồng lira Italy sang đồng yen Nhật. Mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Italy không đủ lớn để hỗ trợ một thị trường thanh khoản mà hai loại tiền tệ có thể được trao đổi trực tiếp. Thị trường Eurodollar cung cấp một con đường vòng dễ dàng, nơi người ta có thể đổi lira thành đô la Mỹ và sau đó đô la Mỹ thành yen. Và khi nguồn cung trên Eurodollar tăng lên, các công ty chỉ cần mua và bán bằng đô la Mỹ, sau đó họ có thể chuyển đổi sang đồng nội tệ, từ đó hoạt động ngày càng trở nên hợp lý.
Kết quả là đồng đô la Mỹ đã trở thành tiền tệ toàn cầu một cách tự nhiên. Số đô la Mỹ lưu hành bên ngoài nước Mỹ nhiều hơn là trong nước. Điều ngạc nhiên là các quan chức Mỹ tại Cục Dự trữ Liên bang và các cơ quan khác ít quan tâm đến những gì đang xảy ra. Điều này khiến thị trường trở nên hấp dẫn, chẳng hạn như với Liên Xô - quốc gia cần đô la Mỹ trong thương mại quốc tế nhưng lo ngại có thể bị chính phủ Mỹ tịch thu nếu gửi trực tiếp vào các ngân hàng Mỹ. Bằng cách sử dụng Eurodollar được mua và bán ở London và Italy, Liên Xô nghĩ rằng họ có thể tránh được rủi ro này.
Tất cả các thị trường này đều phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật tài chính thông minh. Các ngân hàng không giao dịch những chồng tiền giấy hàng trăm đô la. Eurodollar là những đồng đô la tưởng tượng được giao dịch giữa các ngân hàng thực. Chúng không sử dụng được cho mục đích nào ngoài việc mua các loại tiền tệ khác. Nhưng mỗi Eurodollar phải được hỗ trợ bởi một đồng đô la thật, nằm trong một ngân hàng Mỹ hoạt động theo luật pháp Mỹ và chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý Mỹ. Như ông Wriston giải thích: “Tất cả đô la trên thế giới - ngoại trừ tiền vật chất bằng giấy - đều được gửi vào ngân hàng ở Mỹ, bởi vì đó là nơi duy nhất mà bất cứ ai cũng có thể tiêu một đô la”.
Điều này có nghĩa là các giao dịch sử dụng Eurodollar phải được thanh toán thông qua quy trình nội bộ của ngân hàng Mỹ (chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng này sang tài khoản của khách hàng khác) hoặc thông qua tổ chức thanh toán bù trừ do các ngân hàng Mỹ điều hành. Các ngân hàng nước ngoài phải duy trì tài khoản thanh toán bù trừ tại các tổ chức tài chính Mỹ nếu họ muốn giao dịch đô la và tham gia tài chính toàn cầu.
Các ngân hàng nước ngoài càng phụ thuộc vào khả năng tiếp cận đồng đô la Mỹ thì họ càng dễ bị tổn thương trước các cơ quan quản lý của Mỹ.
Dần dần, hệ thống thanh toán bù trừ bằng đô la Mỹ do các ngân hàng Mỹ như Citibank và JPMorgan điều hành và các tổ chức thanh toán bù trừ đã trở thành trái tim của hệ thống tài chính thế giới, lưu thông đô la Mỹ trên khắp thế giới. Thị trường Eurodollar đã làm cho hệ thống tài chính toàn cầu trở nên mong manh hơn và dễ bị tổn thương hơn trước quyền tài phán của Mỹ.
Hệ thống tài chính do nhà nước quản lý
Ông Wriston đã hy vọng xây dựng một thế giới mà doanh nghiệp, chứ không phải chính phủ, làm chủ. Tuy nhiên, thực tế lại khác.
Ông Helleiner cho rằng thị trường Eurodollar sẽ lụi tàn nếu các chính phủ không để nó phát triển.
Trong vòng vài tuần sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, nhận định trên bắt đầu trở thành hiện thực. Bộ Tài chính Mỹ bắt đầu tích cực điều tra, thu thập dữ liệu tài chính từ thế giới để có thể phát hiện các cuộc tấn công trong tương lai. Bộ Tài chính Mỹ nhận thấy một trong những lĩnh vực quan trọng cần theo dõi là dòng tiền đô la trên khắp thế giới. Bộ này bắt đầu xây dựng một loại hình trừng phạt mới, trong đó sử dụng quyền kiểm soát thanh toán bù trừ bằng đồng đô la để buộc các ngân hàng quốc tế thực hiện chính sách của Mỹ bên ngoài biên giới.
Mỹ kết hợp hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu) vốn đóng vai trò cốt lõi trong giao dịch tài chính toàn cầu và thanh toán bằng đồng đô la để loại Iran ra khỏi hệ thống tài chính thế giới, buộc nước này phải ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Các quan chức Mỹ lên kế hoạch cho các bước này thường coi chúng là những biện pháp khẩn cấp chỉ được thực hiện một lần. Nhưng trong những năm tới, chính phủ Mỹ sẽ liên tục thực thi quyền lực đối với đồng đô la Mỹ để gây thiệt hại tài chính cho các đối thủ địa chính trị mà gần đây nhất là các lệnh trừng phạt Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Thay vì một thế giới mà chính phủ kiểm soát ít hơn như ông Wriston mường tượng ban đầu, việc quốc tế hóa đồng đô la Mỹ đã trở thành sức mạnh tài chính của chính phủ Mỹ.