Chuyện tình cảm động của ông Lý Quang Diệu

Ngoài di sản kinh tế, ông Lý Quang Diệu còn để lại cho Singapore một câu chuyện tình đẹp, cảm động, trải dài mấy chục năm với bà Kha Ngọc Chi - người phụ nữ bên cạnh ông trong mọi biến cố thăng trầm của cuộc đời.

Đó là người bạn gần gũi nhất của ông, là “tháp sức mạnh” của ông, là cố vấn thông thái của ông. Đó là người vợ hiền đảm, vừa gánh vác việc nhà, vừa lo việc nước với ông. Đó là người mà ông từng nói “Nếu không có bà ấy, tôi sẽ là một người hoàn toàn khác”.

Vợ chồng ông Lý Quang Diệu thời trẻ.


Người dân Singapore thường chỉ thấy ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi như hình với bóng. Nhưng chỉ khi ông xuất bản hồi ký năm 1999, người ta mới biết bà Ngọc Chi có ý nghĩa như thế nào với cuộc đời vị thủ tướng đầu tiên của Singapore.

Khi học ở trường Cao đẳng Raffles, cô nữ sinh Ngọc Chi đã đánh bại Lý Quang Diệu, giành ngôi đầu bảng môn tiếng Anh và kinh tế cuối học kỳ 1. Cô là đối thủ đáng gờm của Lý Quang Diệu trong tranh giành suất học bổng duy nhất của Nữ hoàng Anh.

Việc học hành của họ bị gián đoạn do Singapore bị quân Nhật chiếm đóng. Họ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh khác: Lý Quang Diệu và anh rể của Kha Ngọc Chi cùng sản xuất hồ dán văn phòng phẩm.

Đến tháng 9/1944, quan hệ bạn bè của họ đủ thân thiết để chàng trai Lý Quang Diệu mời Ngọc Chi tới dự bữa ăn tối sinh nhật lần 21 của anh, một sự kiện trọng đại những ngày bấy giờ. Tình yêu nảy nở tự nhiên giữa đôi trẻ.

Chiến tranh kết thúc, Lý Quang Diệu quyết định tới Anh học luật bằng tiền tiết kiệm của gia đình. Năm 1946, trước thời gian sang Anh, Lý Quang Diệu đã hỏi Ngọc Chi liệu cô có chờ anh 3 năm. Đáp lại, Ngọc Chi hỏi rằng anh có biết cô hơn anh tới 2 tuổi rưỡi.

Điều này Lý Quang Diệu đã biết và suy nghĩ cẩn thận. Đối với anh, anh cần một người phụ nữ chín chắn, ngang bằng với mình chứ không phải một cô gái mới lớn cần chăm sóc. Anh nói rằng ngoài cô, anh không tìm được người nào ngang bằng với mình và cùng có chung mối quan tâm. Ngọc Chi đồng ý đợi.

Thời gian họ xa nhau không lâu khi chỉ năm sau, Ngọc Chi đã xuất sắc giành được suất học bổng quý giá. Tuy nhiên, Văn phòng Thuộc địa không thể tìm cho cô một chỗ trong trường đại học trong năm đó và nói rằng cô sẽ phải đợi đến năm 1948. Lúc đó, Lý Quang Diệu đang học trường Fitzwilliam ở Cambridge và đã tìm cách thu xếp một cuộc gặp với hiệu trưởng trường Girton và thuyết phục được bà nhận Ngọc Chi vào học trong năm đó.

Ngọc Chi tới Anh vào tháng 10. Hai tháng sau, trong kỳ nghỉ Giáng sinh, Lý Quang Diệu ngỏ ý muốn kết hôn bí mật với Ngọc Chi và cô đồng ý không một chút do dự. Họ đã làm đám cưới ở Stratford - upon - Avon. Họ giữ bí mật về đám cưới vì họ cho rằng cha mẹ và trường Girton sẽ không chấp nhận điều đó.

Tháng 8/1950, hai người cùng nhau trở về Singapore sau khi học xong và đến 30/9, họ kết hôn một lần nữa. Họ cùng làm việc trong một công ty luật và về sau cùng em trai của Lý Quang Diệu lập công ty luật riêng tên là Lee & Lee.

Không chỉ là một người vợ, bà Ngọc Chi còn là người cộng sự và cố vấn đắc lực của chồng trên con đường chính trị của ông. Bà đã giúp ông Lý Quang Diệu soạn thảo hiến pháp khi ông thành lập đảng Nhân dân Hành động. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1959, bà đã phát biểu trên đài phát thanh kêu gọi phụ nữ bầu cho đảng Nhân dân Hành động.

Là một trong những luật sư giỏi nhất ở Singapore về vấn đề chuyển nhượng tài sản, năm 1965, bà Ngọc Chi đã hỗ trợ Bộ trưởng Tư pháp Eddie Barker soạn thảo các điều khoản trong Thỏa thuận ly khai giữa Singapore và Malaysia để đảm bảo chắc chắn nguồn nước ngọt cho Singapore khi tách ra.

Trong phần lớn sự nghiệp chính trị của ông Lý Quang Diệu, bà Ngọc Chi là người đọc dò các bài phát biểu của ông, kể từ khi ông có bài phát biểu đầu tiên ở Diễn đàn Malay năm 1950. Khi ông viết hồi ký, bà Ngọc Chi thức với ông đến tận 4 giờ sáng hôm sau để đọc kỹ bản thảo, sửa lỗi, nhận xét và bảo ông cách viết gẫy gọn.

Phần lớn cuộc đời bà đứng ở hậu trường, hỗ trợ chồng trong mọi việc, đặc biệt là sau khi họ sinh con đầu lòng Lý Hiển Long năm 1952. Bà cũng đảm nhiệm quán xuyến công ty luật khi ông Lý Quang Diệu dành toàn tâm cho chính trị.

Người ta thường thấy bà Ngọc Chi luôn ở bên chồng khi tham gia các nghi lễ ngoại giao chính thức và khi ông công du nước ngoài. Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu thống nhất với bà rằng không thảo luận việc lập các chính sách với bà và bà tuyệt đối không đọc ghi chép hoặc fax có nội dung nhạy cảm. Ông rất tin tưởng khả năng đọc tính cách con người của bà.

Hai ông bà hạnh phúc đến tận ngày đầu bạc.


Trong mối quan hệ vợ chồng, ông Lý Quang Diệu và bà Ngọc Chi không có vấn đề gì khó khăn. Họ đối diện với thách thức và nhanh chóng giải quyết. Tháng 10/2003, bà Ngọc Chi bị đột quỵ khi đang ở London cùng chồng. Bà được đưa về Singapore để phẫu thuật. Ông Lý Quang Diệu cũng đã có kế hoạch phẫu thuật tuyến tiền liệt. Hai ông bà ở hai phòng cạnh nhau trong bệnh viện đa khoa Singapore và có cửa trượt ở giữa để họ có thể bầu bạn.

Bà Ngọc Chi hồi phục nhưng mất thị lực bên trái. Do đó, trong các bữa ăn, ông Lý Quang Diệu luôn ngồi bên trái bà để nhắc bà ăn nốt thức ăn ở bên trái đĩa. Họ vẫn đi du lịch cùng nhau và ông Lý Quang Diệu luôn chọn khách sạn có bể bơi để vợ có thể tập thể dục.

Năm 2008, bà bị đột quỵ lần hai và nằm liệt giường, không thể cử động hay nói. Khi tình trạng xấu dần, bà Ngọc Chi gần như chỉ phản ứng với giọng nói của chồng. Lúc nào bà cũng thức chờ ông đi làm về để đọc cho bà nghe những bài thơ bà yêu thích, kể cho bà nghe về ngày làm việc của ông, nói chuyện với bà. Ngay cả khi ra nước ngoài, ông cũng nói chuyện với vợ qua webcam.

Để lấp khoảng trống khi vợ không thể ăn tối hay đi dạo cùng mình, ông Lý Quang Diệu vùi mình học tiếng quan thoại. Để vượt qua những đêm phải nghe tiếng vợ rên trong đau đớn ở phòng bên cạnh, ông tập ngồi thiền. Những căng thẳng do bệnh tật của bà Ngọc Chi khiến ông khổ sở hơn cả căng thẳng khốc liệt trên chính trường.

Tại đám tang của bà, ông đã đọc một bài điếu văn cảm động và kết thúc bằng câu: "Bà ấy đã sống một cuộc đời ý nghĩa và ấm áp. Tôi nên khuây khỏa khi bà đã sống 89 năm có ý nghĩa. Nhưng tại thời điểm chia ly cuối cùng này, trái tim tôi nặng trĩu nỗi buồn và đau đớn”.


Thùy Dương


Lý Quang Diệu - Biểu tượng của đất nước Singapore thịnh vượng - Kỳ 3
Lý Quang Diệu - Biểu tượng của đất nước Singapore thịnh vượng - Kỳ 3

Lý Quang Diệu là một người đi trước thời đại. Ông được coi là vị giám đốc tiếp thị đầu tiên cho thương hiệu Singapore.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN