Trong quá trình tạo ra phép màu cho kinh tế Singapore, ông Lý Quang Diệu ý thức được rằng duy trì được thành tựu kinh tế và làm cho đất nước phát triển ổn định cả về kinh tế lẫn chính trị cần phải dựa vào dân. Muốn dân cống hiến, xây dựng đất nước cần phải cho họ một chỗ để “an cư”.Ông Lý Quang Diệu năm 2005. |
Trong cuốn hồi ký “Từ thế giới thứ ba đến thứ nhất”, ông Lý Quang Diệu viết: “Sau khi độc lập năm 1965, tôi gặp rắc rối với các khu vực cử tri thành thị ở Singapore. Tôi thấy cử tri ở thành phố luôn có xu hướng bỏ phiếu chống lại chính phủ và tôi quyết tâm rằng các hộ gia đình của chúng tôi phải trở thành người sở hữu nhà.
Nếu không chúng tôi sẽ không có ổn định chính trị. Mục tiêu quan trọng nữa của tôi là làm sao để mọi ông bố bà mẹ có con trai tham gia nghĩa vụ quân sự sở hữu một ngôi nhà ở Singapore để con trai họ phải bảo vệ. Nếu gia đình người lính không có nhà, anh ta sẽ mau chóng cho rằng anh ta chiến đấu bảo vệ tài sản của người giàu. Tôi tin rằng quyền sở hữu là điều thiết yếu trong xã hội mới của chúng ta, một xã hội vốn không có trải nghiệm lịch sử chung”.
Và ông Lý Quang Diệu đã làm điều đó bằng được. Ông đã thành lập Cục Phát triển Nhà ở (HDB) từ năm 1960 để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng ở Singapore. Trong suốt hơn 50 năm qua, HDB đã xây hơn 1 triệu căn hộ, trở thành nơi ở của hàng triệu người dân Singapore. Năm 2014, tỷ lệ sở hữu nhà ở Singapore là 90,3%. Không mấy quốc gia có thể vượt Singapore về tỷ lệ này.
Theo hệ thống nhà ở công cộng của Singapore, các mảnh đất lớn bị thu hồi bắt buộc để xây căn hộ rồi bán cho người dân với giá trợ cấp, nhờ đó những người dân bình thường cũng có thể mua được nhà. Ông Lý Quang Diệu cùng cánh tay phải của mình là ông Goh Keng Swee đã mở rộng chương trình lương hưu, cho phép người lao động mua nhà bằng tiền mình gửi trong quỹ tiết kiệm nhà ở (CPF).
Mọi người lao động làm công ăn lương phải gửi một phần thu nhập của mình vào quỹ này cho dù có nhu cầu mua nhà hay không. Nếu không có nhu cầu mua nhà, người gửi có thể rút tiền sau một thời gian nhất định. Người muốn mua nhà sẽ dùng tiền đó để mua căn hộ được trợ giá.
Ngoài ra, chính phủ Singapore còn khuyến khích lập gia đình khi cho phép người dân đã kết hôn hoặc muốn sống cùng/gần cha mẹ được mua nhà giá rẻ hơn nữa. Người độc thân không được mua nhà mới của HDB và chỉ có thể mua lại từ người khác khi đã 35 tuổi. Chính sách này đã tạo ra một hiện tượng chỉ có ở Singapore: Nam giới cầu hôn người yêu bằng cách hỏi họ có muốn mua một căn hộ không.
Nhà ở công cộng cũng được sử dụng để khuyến khích hòa nhập các sắc tộc. Năm 1989, HDB đã giảm giá nhà nhưng đặt ra hạn ngạch mua nhà cho các nhóm dân tộc khác nhau để ngăn tình trạng một nhóm dân tộc nào đó co cụm lại thành một cộng đồng. Ông Lý Quang Diệu nói: “Đây là một cái giá nhỏ để đạt được mục tiêu lớn hơn của chúng tôi là hòa trộn các sắc tộc”.
Ông Lý Quang Diệu trồng cây năm 1963. |
Hệ thống nhà ở công cộng là điều mà ông Lý Quang Diệu đặc biệt quan tâm. Vấn đề này được ông đưa ra bàn bạc nhiều lần trong thời kỳ làm thủ tướng. Mỗi năm, ông thường thăm các khu nhà ở công cộng cùng nhân viên HDB từ ba đến bốn lần. Trong những năm 1970, khi nhiều nước cho rằng xây nhà cao tầng làm nhà ở công cộng sẽ tạo ra các khu ổ chuột trên cao, nhưng HDB vẫn quyết theo đuổi lựa chọn này.
Vì nếu không, Singapore sẽ không thể thực hiện mục tiêu ai cũng có nhà và sẽ sớm cạn quỹ đất từ lâu. Đến tận ngày nay, cam kết xây nhà giá rẻ, chất lượng cho dân vẫn là một cương lĩnh hành động quan trọng của đảng cầm quyền Singapore. Dù chương trình nhà ở Singapore vẫn bị một số nhà kinh tế chỉ trích khi tạo ra hiện tượng “giàu nhà, nghèo tiền”, nhưng nó được coi là một bức tường thành chống chia rẽ xã hội và biến động chính trị ở Singapore.
Không chỉ tìm cách xây nhà cho dân, ông Lý Quang Diệu còn được báo chí gọi là “vườn trưởng” của Singapore. Từ lâu, ông Lý Quang Diệu đã ý thức được rằng một Singapore xanh, sạch sẽ là một lợi thế cạnh tranh: “Sau khi độc lập, tôi đã tìm một cách nào đó thật hiệu quả để phân biệt chúng tôi với các nước thuộc thế giới thứ ba. Tôi đã đặt ra mục tiêu một Singapore xanh và sạch. Xanh là dự án hiệu quả nhất về mặt chi phí mà tôi từng thực hiện”.
Đối với ông, một thành phố được chăm sóc cẩn thận là tín hiệu gửi tới nhà đầu tư. Đích thân ông đã trồng một cây đầu tiên của mình năm 1963 để từ đó đặt mục tiêu biến Singapore thành một đất nước vườn văn minh.
Ở Singapore, trồng cây trở thành một hoạt động gắn kết cả quốc gia. Người dân và các quan chức nước ngoài đều được khuyến khích làm đẹp cho Singapore kể từ khi nước này tổ chức Ngày trồng cây đầu tiên vào ngày 7/11/1971. Mỗi năm, ông Lý Quang Diệu đều trồng một cây mới vào dịp này, thời điểm bắt đầu mùa mưa. Đối với ông, trồng cây mang lại lợi ích không thể đo đếm và là một phần không thể thiếu trong xây dựng đất nước.
Ngày nay, gần 50% diện tích Singapore là cây cỏ. Không có một ngóc ngách nào trên hòn đảo này không có cây cỏ, từ hẻm núi, nhà ở, đồn cảnh sát, trường học cho đến cầu trên cao dành cho người đi bộ. Hơn 2 triệu cây xanh đã sinh sôi phát triển ở Singapore và cây nào cũng có trong cơ sở dữ liệu của Cục Công viên Quốc gia.
Một dấu ấn xanh nữa mà ông Lý Quang Diệu để lại cho Singapore là sông Singapore, dòng sông huyết mạch của nền kinh tế, trung tâm của các hoạt động thương mại. Dòng sông này vốn bẩn thỉu, hôi thối, ô nhiễm, tắc nghẽn, ngập ngụa rác do các hoạt động thương mại. Ông đã đưa ra một trong những sáng kiến quan trọng nhất của mình là làm sạch dòng sông. Mất 10 năm từ năm 1977, ông Lý Quang Diệu đã tái sinh sông Singapore, biến nó thành dòng sông sạch sẽ, trong lành.
Có thể nói, ngoài dấu ấn kinh tế, ông Lý Quang Diệu đã để lại cả một di sản xanh cho Singapore, nhờ đó mà quốc đảo này còn được mệnh danh là “thành phố vườn”, một điểm nhấn cho Singapore làm du lịch khi mà quốc gia này không hề có thắng cảnh hay di sản nào.
Thùy DươngĐón đọc kỳ tới: Người xây thương hiệu du lịch