Nhìn lại tình hình hiện nay, các ổ dịch không thể đoán trước vẫn đang bùng phát trên khắp thế giới cũng như những biến thể đáng lo ngại mới như Omicron tiếp tục đặt nghi vấn về sự kéo dài của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, mặc dù rất khó để đoán được thời điểm chính xác nhưng đa số nhà khoa học đều nhất trí đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc và virus SARS-CoV-2 sẽ trở thành bệnh đặc hữu. Điều này đồng nghĩa với việc virus có thể không bao giờ bị xóa sổ hoàn toàn, nhưng khi ngày càng có nhiều người có kháng thể nhờ tiêm vaccine hoặc bị nhiễm, tỷ lệ mắc mới cuối cùng sẽ tăng ở mức thấp ổn định và tỷ lệ người gặp biến chứng nặng sẽ giảm. Khu vực có tỷ lệ hoàn thành hai liều vaccine và tiêm liều bổ sung cao sẽ có thể chứng kiến “đặc hữu hóa” sớm hơn.
Quá trình chuyển dịch từ đại dịch sang đặc hữu
Về mặt thực tiễn, sẽ có thông báo chính thức về vấn đề này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng các cơ quan y tế địa phương sẽ ra tuyên bố kết thúc đại dịch toàn cầu khi tình hình dịch bệnh đáp ứng các tiêu chuẩn thống kê và sinh học nhất định, trong đó có khả năng lây lan của virus, tỷ lệ tử vong và nhập viện.
Theo tờ The Guardian, tại một số khu vực như Mỹ và các quốc gia giàu có luôn sẵn nguồn cung vaccine và biện pháp điều trị kháng virus, khi COVID-19 chuyển thành đặc hữu có thể rất giống với tình trạng hiện nay: Người dân thoát khỏi tình cảnh tuyệt vọng, nhà hàng chật kín thực khách, kiểm tra nghiêm ngặt giấy chứng nhận tiêm chủng. Nhưng cũng có thể xuất hiện những thay đổi về mặt xã hội sâu sắc hơn.
Để hiểu cuộc sống hàng ngày sẽ thay đổi như thế nào nếu đại dịch COVID-19 trở thành đặc hữu, chúng ta có thể lật lại lịch sử để tìm kiếm những thông tin hữu ích.
Sự thay đổi trong thái độ và hành vi
Nhìn chung, mọi người phản ứng với dịch bệnh bằng nỗi sợ hãi ở cấp độ cá nhân và cấp độ toàn thể xã hội. Theo ông Charles Kenny, Giám đốc tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu và là tác giả của cuốn sách “The Plague Cycle” (tạm dịch: Chu kỳ Dịch bệnh), những phản ứng này hình thành dựa trên một số cách có thể nhận biết được: đóng cửa biên giới, cách ly người bệnh và hạn chế hoạt động xã hội.
Cho đến khi y học hiện đại ra đời, tất cả những gì mọi người có thể làm là hy vọng và cầu nguyện cho các đợt bùng phát tự giảm bớt. Khi xác định rõ ràng rằng một căn bệnh là không thể tránh khỏi - hay là đặc hữu - xã hội thường sẽ có những bước tiến để điều trị bệnh như một phần thường xuyên của cuộc sống. Điều này cũng có thể trở thành sự thật đối với COVID-19 trong thời gian sắp tới.
Cuốn “The Plague Cycle” là một manh mối tiềm năng. Ở các thành phố của Nhật Bản hồi thế kỷ 17, thái độ của người dân đối với bệnh đậu mùa đã chuyển sang đặc hữu. Tại thời điểm đó, phần lớn đều từng nhiễm đậu mùa khi còn nhỏ và sau đó đã hồi phục. Ông Charles Kenny nói rằng khi mọi người chấp nhận rằng ai cũng sẽ mắc bệnh đậu mùa, họ bình thường hóa nó như một cột mốc thời thơ ấu, biến nó thành một phần của “câu chuyện lớn lên”.
Còn quá sớm để nói quá trình bình thường hóa này sẽ diễn ra như thế nào đối với COVID-19. Tuy nhiên, nếu nhiễm virus SARS-CoV-2 trở thành một việc bình thường vào mùa Đông, nó có thể chỉ đơn giản như cảm lạnh và cúm mùa. Cũng giống như bệnh đậu mùa ở các thành phố của Nhật Bản, sự thay đổi đó sẽ được phản ánh trong ngôn ngữ của người dân và những kỳ vọng thường ngày. Hiện tại, nhiều người bắt đầu sử dụng thuật ngữ “mùa COVID-19”.
Các biện pháp can thiệp y tế hiệu quả cũng giúp xã hội dễ dàng chấp nhận suy nghĩ sống chung với bệnh tật. Bà Nancy Tomes, Giáo sư lịch sử tại Đại học Stony Brook và là tác giả của cuốn “The Gospel of Germs” chia sẻ bản thân thuộc thế hệ trẻ em từng được uống vaccine phòng bại liệt đại trà ngay tại trường học địa phương. “Bố mẹ chúng tôi từng rất kinh hãi về bại liệt. Nhưng sau khi uống vaccine, chúng tôi đã không còn lo lắng về căn bệnh này nữa”, bà Tomes kể lại.
Mặc dù COVID-19 vẫn còn phổ biến nhưng sự ra đời của các loại vaccine hiệu quả đã nhanh chóng thay đổi phạm vi mối đe dọa của nó. Vào tháng 3, khi chỉ có 9,2% người Mỹ được tiêm phòng đầy đủ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã nới lỏng quy định giãn cách xã hội để cho phép những người đã tiêm chủng được tụ tập trong nhà kín. Và vào Lễ Tạ ơn, Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng Mỹ đã “trở lại” sau khi “ngủ đông” vì đại dịch, cho dù vẫn ghi nhận gần 100.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Thông tin sai lệch và đổ lỗi
Không may, lịch sử còn cho thấy một số hành vi tiêu cực liên quan đến đại dịch có xu hướng tồn tại sau khi một căn bệnh trở thành đặc hữu hoặc bị loại bỏ. Một trong số đó là việc nhắm mục tiêu không cân đối vào các nhóm được coi là “người ngoài cuộc” so với phần lớn xã hội. Ông Kenny nói khi đại dịch lắng xuống, các hạn chế xã hội có thể vẫn ảnh hưởng đến các nhóm thiểu số.
Năm 1987, Mỹ đã ban bố lệnh cấm đi lại đầy tính phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV và quy định này đã kéo dài 22 năm. Ngày nay, những người bị quy chụp gắn với nguồn gốc của COVID-19, chẳng hạn như người châu Á hoặc châu Phi, vẫn bị quấy rối và cô lập, bất chấp sự thật rằng virus SARS-CoV-2 không phân biệt chủng tộc.
Theo Giáo sư sử học Nancy Tomes, xu hướng thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu là một di sản xuất hiện trong mọi dịch bệnh từng được ghi chép. Một số sai lầm đã gây tác động lâu dài. Bà nói: “Vẫn có những người không tin rằng virus HIV gây ra AIDS.
Trong các thời kỳ đại dịch, các nhóm người cũng dễ phát triển quan điểm cực đoan về những chủ đề gây xôn xao dư luận như tiêm chủng và tự do cá nhân. Ngay cả khi đại dịch đã kết thúc, hiện tượng “phân cực nhóm” đó vẫn có thể tồn tại và sẽ nhen nhóm trở lại khi gặp kịch bản tương tự.
Hiểu về những điều ta chưa biết
Quan trọng là, việc quay trở lại với trạng thái bình thường sẽ không xảy ra đồng đều trên toàn cầu. Sau khi các quốc gia giàu dễ đi đến tình trạng đặc hữu hơn, những quốc gia khác có thể tiếp tục vật lộn với virus SARS-CoV-2 trong một thời gian dài, giống như một loạt bệnh nhiệt đới đã bị lãng quên tại các khu vực giống Mỹ.
Giống như tất cả các bệnh truyền nhiễm đã xảy ra trên thế giới trước đó, COVID-19 có hy vọng sẽ mờ dần vào ký ức. Sự lãng quên này có thể mang lại tinh thần nhẹ nhõm cho người dân, tăng trưởng và phục hồi cho nền kinh tế, nhưng nó cũng có thể khiến chúng ta chủ quan đối với đại dịch tiếp theo. Ông Charles Kenny nhấn mạnh dịch cúm năm 1918 đã dạy chúng ta rằng đeo khẩu trang và giãn cách xã hội có thể làm giảm tỷ lệ tử vong - một bài học mà chúng ta đã rút ra quá muộn vào năm 2020.