Chuyện về người phế binh ngày đầu giải phóng

Trưa ngày 30/4/1975, Tây Ninh giải phóng. Ngày đầu giải phóng khá bận rộn. Khoảng 4 giờ chiều hôm sau, 1/5, tôi và Hoàng Dũng, rủ nhau sang huyện Phú Khương - nơi trung tâm của đạo Cao Đài, cách thị xã khoảng 5 km - để nắm tình hình lính ngụy ra trình diện, nộp vũ khí. Nhưng mới đi được nửa đường thì trời đổ mưa, chúng tôi phải trú nhờ một tiệm sửa xe bên đường. Khi mưa ngớt, cũng là lúc trời tối, chúng tôi đành phải quay về.

Khi vừa dắt xe đạp ra đến đường thì chúng tôi gặp một thanh niên nhỏ bé, mặc quần áo rằn ri, chống nạng, xin đi nhờ xe. Dũng đi trước không nói gì, tôi thấy anh ta cụt một chân, trời lại mưa nhỏ, nên đã nhận lời.

Phóng viên GP 10 đi chiến dịch năm 1974.



Ngồi trên xe, anh ta vừa thút thít khóc vừa kể: “Cháu mới đi lính được 3 tháng và bị thương cụt giò, nằm ở bệnh viện Mỹ Tho mười ngày nay. Hôm qua, khi quân giải phóng tiến vào thị xã, thì từ Đốc tờ đến những binh lính bị thương nhẹ đều bỏ chạy hết. Thằng nằm cạnh cháu đã lấy cắp cả túi đồ của cháu trốn luôn. Cháu mệt quá, không đi nổi. Cháu nghĩ, chạy ra ngoài cũng sẽ chết vì sự cướp phá, bắn giết nhau của tàn quân “quốc gia”, ở lại may ra các chú giải phóng thương tình. Một lát sau, cháu thấy một chú giải phóng vào, cháu và một số người bị thương nặng hoảng quá, nhưng chú giải phóng nói luôn: “Ai ở đâu, cứ ở đấy, tôi sẽ tìm bác sĩ điều trị tiếp cho các anh”.

Nhưng suốt đêm hôm qua, cháu không ngủ được vì cả thị xã xôn xao, náo nhiệt, tiếng xe chạy, tiếng súng đạn nổ khắp nơi và cả tiếng người reo hò ầm ĩ. Cháu nhớ nhà quá và lo lắng cho gia đình nên gần sáng, cháu bỏ trốn ra bến xe. Lo nhất là trong túi cháu không còn một đồng nào, may mà ông lái xe đang vui vì đất nước giải phóng, nên cháu xin đi nhờ, “ổng” cho đi luôn. Nhưng đến Sài Gòn, cháu lại lo đoạn đường từ Sài Gòn đi Tây Ninh. Thấy một chú giải phóng đeo băng đỏ đang đứng gác ở ngã tư đường, cháu đánh bạo ra xin tiền. Cháu nghĩ rằng: “Thử xem mấy chú giải phóng có tốt thiệt như lời mấy đứa bạn nói không”. Có lẽ, nhìn thấy cháu mặc quần áo lính, nên chú ấy do dự, nhìn cháu thăm dò, khi thấy cháu chống nạng, chú vội móc hết các túi, dồn được một trăm đồng đưa cho cháu.

Khi xe chở cháu tới địa phận Tây Ninh, qua chợ Long Hoa một đoạn, thì xe bị hỏng. Cháu phải đi bộ gần một cây số mới gặp chú. Cũng may gặp chú, nếu không, cháu phải đi bộ mấy cây số nữa, dưới trời mưa, bằng cái chân cụt này, không biết có đi nổi không!” Ngừng một lát, anh ta lại thút thít: “Chỉ tại cháu không nghe lời má cháu. Giá cháu cứ trốn quân dịch thêm mấy tháng nữa thì đâu đến nỗi. Mới 18 tuổi đầu đã thành phế binh!...”

Đến ngã ba đầu thị xã, anh ta xin xuống xe để đi bộ về nhà. Thấy hoàn cảnh anh ta cũng tội, tôi bảo Hoàng Dũng đi trước để tôi chở anh ta đến nhà. Đường quẹo vừa dốc, tối lại lởm chởm sỏi, đá nên chở anh ta khá vất vả. Khi tới nhà anh, biết anh đã về, cả nhà phấn khởi, reo to: “A thằng Út zề”, “Thắng Út còn sống zề nè”, “Có cả chú giải phóng zô nữa nè!”. Nhưng khi thấy anh ta cắp đôi nạng thì họ kêu lên: “Ủa, bị thương à?”, “Bị thương hồi nào?”. Rồi, người thì bế anh ta vào, người thì khóc, có người lại xẵng giọng trách mắng anh ta “Thế mới sướng! Đã bảo chịu khó trốn đi thì không nghe, thằng anh mày trốn mấy năm liền, giờ giải phóng, nên có việc gì đâu...”!

Không muốn chứng kiến cảnh đau buồn đó, tôi lặng lẽ đạp xe đi. Bỗng có tiếng súng nổ liên hồi, ánh lửa chớp lòe cách chỗ tôi không xa, tôi mới giật mình, “sởn gai ốc”, lo sợ thực sự, vì đường tối, vắng vẻ, đường đi mới lạ, không biết có tìm được nơi đơn vị đóng quân không! Vả lại, mới giải phóng được một ngày, an ninh chưa được đảm bảo, biết đâu, đạn lạc, tên rơi… Sau đó, tôi càng sợ hơn khi về đến đơn vị, Dũng bảo: “Anh liều thật, mới giải phóng mà đã chở lính ngụy trong đêm tối. Lỡ nó cho anh một nhát dao vào cạnh sườn thì sao?”. Lời nói của một người từng ăn học ở đây và có kinh nghiệm sống trong vùng căn cứ như Dũng, quả là điều đáng lưu ý!

Tôi thấy mình quá mất cảnh giác và liều thật! Nhưng dù sao, trong lòng vẫn thấy vui vui…

Đoàn Việt

'Đất thép Thành đồng' Củ Chi 40 năm sau giải phóng
'Đất thép Thành đồng' Củ Chi 40 năm sau giải phóng

Vùng đất thép Củ Chi anh hùng - giờ đây là một huyện ngoại thành, TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân Củ Chi đã trực tiếp đương đầu với lực lượng quân đội của quân khu 3 chế độ Sài Gòn và Sư đoàn 25 Mỹ mệnh danh tia chớp nhiệt đới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN