Trong năm đầu tiên đưa vào hoạt động, máy bay Dreamliner đã gặp phải những vấn đề với hệ thống điện và rò rỉ nhiên liệu. Mặc dù các sự cố xuất hiện trong năm đầu tiên đối với một mẫu máy bay mới được xem là điều bình thường, song Cơ quan hàng không liên bang của Mỹ đã ra lệnh điều tra quá trình thiết kế và chế tạo Boeing 787 Dreamliner. Toàn bộ phi đội Boeing 787 trên toàn thế giới cũng ngừng hoạt động.
Kỳ 1: Tham vọng và những sự cố
Một chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không Nhật Bản (JAL) bị rò rỉ nhiên liệu hôm 8/1/2013 và chuyến bay từ Boston (Mỹ) đã bị hủy. Hôm 9/1/2013, hãng hàng không United Airlines thông báo sự cố với một trong sáu chiếc 787 của hãng này. Sự cố diễn ra tương tự như vụ cháy pin xảy ra trên chiếc 787 của JAL. Sau đó, hôm 11/1/2013, một máy bay Boeing 787 Dreamliner khác cũng bị phát hiện rò rỉ nhiên liệu.
Loại máy bay phản lực mới này được cho là tiết kiệm được 20% nhiên liệu và dễ điều khiển hơn. |
Hôm 13/1/2013, một chiếc 787 của JAL ở sân bay quốc tế Narita cũng bị phát hiện rò rỉ 100 lít nhiên liệu trong một cuộc kiểm tra, lần rò rỉ nhiên liệu thứ ba bị phát hiện chỉ trong một tuần. Sự cố này diễn ra giống như vụ rò rỉ nhiên liệu ở Boston hôm 8/1. Tuy nhiên, các nguyên nhân gây rò rỉ nguyên liệu vẫn chưa được xác định. Bộ Vận tải Nhật Bản cũng đang tiến hành một cuộc điều tra về các sự cố này.
Hôm 16/1/2013, cả hai hãng hàng không của Nhật Bản là Hãng hàng không All Nippon Airlines (ANA) và JAL tuyên bố ngừng các chuyến bay của phi đội 787 sau một loạt những sự cố xảy ra, trong đó có cả những vụ hạ cánh khẩn cấp. Lúc đó, hai hãng hàng không này đang vận hành 24 trong tổng số 50 chiếc Dreamliners. Theo tính toán, việc tạm ngừng các chuyến bay này có thể khiến ANA mất hơn 1,1 triệu USD/ngày.
Chiếc Boeing 787 của hãng hàng không All Nippon Airways thực hiện cú hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Laredo, bang Texas sau khi phát hiện thấy khói bốc ra từ cabin. |
Hôm 28/2/2013, ANA và JAL tuyên bố kéo dài thời hạn ngừng bay phi đội 787 của họ cho đến tận cuối tháng 5/2013.
Vì sao những chiếc Boeing 787 Dreamliner lại liên tiếp gặp phải sự cố như trên?
Công ty Boeing mong muốn tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chế tạo máy bay với việc cho ra đời Dreamliner, loại máy bay được chế tạo theo phương pháp lắp ghép các môđun với nhau. Nhưng Boeing đã đi quá xa trong việc giao khoán các hợp đồng sản xuất cho các nhà thầu. Và đây có lẽ là nguyên nhân sâu xa khiến loại máy bay này liên tục gặp phải những trục trặc do khâu sản xuất. Việc chuyển giao máy bay cho bạn hàng giờ đây đã chậm hơn so với kế hoạch và điều này có thể khiến cho công ty Boeing mất hàng tỉ USD.
Mười hai năm trước, các nhà quản lý của hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing nảy ra một ý tưởng mới: Chế tạo máy bay theo như cách mà ngành công nghiệp ô tô sản xuất ra các sản phẩm của họ: Giao cho các nhà thầu sản xuất các bộ phận khác nhau, sau đó chúng sẽ được lắp ráp trong khâu cuối cùng. Giấc mơ đó dẫn đến sự ra đời của loại máy bay tầm xa mới Boeing 787, kiểu máy bay đầu tiên được chế tạo bằng cách sử dụng nguyên tắc môđun này. Và có lẽ hướng đi đó được thể hiện qua tên gọi của loại máy bay này: Dreamliner (Giấc mơ bay).
Dây chuyền sản xuất Boeing 787 Dreamliner ở thành phố Everett, bang Washington. |
Thực tế diễn ra tại nhà máy của Boeing ở thành phố Everett, bang Washington cho thấy rõ tham vọng vội vàng của công ty này. Ở đây, những thân máy bay sáng bóng nằm nối tiếp nhau trên nền nhà xưởng như thể đang trên một dây chuyền lắp ráp. Hầu hết trong số chúng đã được phủ lớp sơn cuối cùng, với biểu trưng của các hãng như hàng không Ấn Độ và hàng không Nhật Bản.
Hiếm có loại máy bay nào, ngoại trừ loại máy bay phản lực khổng lồ A0 của công ty Airbus, khêu gợi trí tưởng tượng của các chuyên gia hàng không và những người hâm mộ trên khắp thế giới bằng mẫu máy bay phản lực siêu hiện đại của Boeing.
Việc dự án chính thức được khởi động năm 2003 như sắp sửa mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Các nhà quản lý của Boeing hứa hẹn mang lại cho khách hàng khoảng không gian rộng rãi hơn, chất lượng không khí trên khoang máy bay tốt hơn và các cửa sổ rộng hơn được làm từ “kính thông minh” mà có thể được điều chỉnh để đón nhận lượng ánh sáng khác nhau. Tất cả những điều hứa hẹn này có thể thực hiện được bởi việc sử dụng ngày càng nhiều loại vật liệu composite mới có tên gọi là nhựa gia cố bằng sợi carbon (CFRP), thay thế cho chất liệu nhôm truyền thống. Loại máy bay phản lực mới này được cho là tiết kiệm được 20% nhiên liệu và dễ điều khiển hơn.
Tiếp đến, quy trình sản xuất dường như còn khiến người ta phải thán phục hơn phần công nghệ. Theo kế hoạch của Boeing, giai đoạn lắp ráp cuối cùng của loại máy bay phản lực mới này sẽ chỉ diễn ra trong ba ngày. Để thực hiện được mục tiêu đó, công ty thậm chí đã gạt bỏ những quy tắc công nghiệp truyền thống quy định, việc chế tạo những máy bay hiện đại tốt nhất là giao cho đội ngũ kỹ sư kinh nghiệm và rằng các bộ phận quan trọng nên được làm tại cơ sở sản xuất chính.
Thay vào đó, Boeing thuê khoảng 50 nhà thầu phụ trên khắp thế giới sản xuất các bộ phận linh kiện của máy bay này, kể cả các bộ phận quan trọng như phần cánh và thân. Tổng Giám đốc điều hành Boeing James McNerney cho rằng, công ty vẫn chịu trách nhiệm thiết kế, phát triển, lắp ráp và chăm sóc khách hàng. “Mức đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và phương thức chia sẻ rủi ro với các nhà cung cấp dường như hợp lý tại thời điểm đó”, người phát ngôn của Boeing giải thích.
Nhưng các cuộc cách mạng luôn đòi hỏi phải có những hy sinh. Đó là một bài học mà Boeing đã rút ra được. Gần 60 khách hàng trên khắp thế giới đang chờ nhận Boeing 787, song công ty này liên tiếp phải trì hoãn giao hàng, trong đó có đơn hàng đã phải trì hoãn đến lần thứ bảy.
Khánh Chi (tổng hợp)
Đón đọc kỳ cuối: Bỏ ngoài tai lời cảnh báo