Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 10

Lập trường kiên quyết của Cuba

Kỳ thực, trong ván cờ tên lửa Cuba, bước đầu, Kennedy đã ghi điểm trước Khrushchev. Tại sao lại nói vậy? Đó là bởi, ông chủ Nhà Trắng chỉ bảo đảm: sau khi Liên Xô rút vũ khí tiến công khỏi Cuba, sẽ nhanh chóng dỡ bỏ lệnh phong toả và không xâm phạm đảo quốc này, tuyệt nhiên không đả động tới việc đóng cửa căn cứ hải quân Mỹ ở Guantanamo - vấn đề vô cùng quan trọng đối với Cuba.


Kennedy cũng khéo léo lấy việc giải quyết vấn đề căn cứ quân sự của mình tại Thổ Nhĩ Kỳ (thiết thân nhất đối với Liên Xô) làm "mồi dụ", buộc Khrushchev phải đồng ý với những yêu cầu của phía Mỹ. Thay vì công khai đề cập trong bức thư hồi âm gửi Khrushchev ngày 27/10/1962, Kennedy đã bí mật chìa cành ô liu về phía Khrushchev, cam kết nếu Liên Xô rút tên lửa khỏi Cuba, Mỹ sẽ xem xét việc rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Sơ đồ của CIA mô tả tầm bắn của tên lửa tầm trung của Liên Xô đặt tại Cuba có thể vươn tới Oxford, Mississippi.

Theo tiết lộ của Anatoly Dobrynin, ngày 26/10/1962, vị Đại sứ Liên Xô tại Mỹ này đã có cuộc gặp gỡ bí mật với em trai Tổng thống John Kennedy, Bộ trưởng Tư pháp, Robert Kennedy, ngay trong Đại sứ quán Liên Xô ở Oasinhtơn. Robert đã nói với Dobrynin rằng Tổng thống Kennedy đang xem xét việc rút từng bước tên lửa của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những quả tên lửa này được bố trí theo quyết định của NATO, do đó, nó không thể trở thành một phần trong hiệp định Mỹ-Xô. Kennedy hy vọng Khrushchev có thể hiểu được điều này. Nhận thấy hai bên cũng đã xây dựng được sự tin tưởng cho dù mới ở chừng mực thấp và sau khi có được lời cam kết ngầm của Kennedy, ngày 27/10/1962, Khrushchev quyết định rút tên lửa khỏi Cuba. Nhưng thực tế sau này chứng minh, Kennedy đã lừa Khrushchev bởi tên lửa của Liên Xô rời Cuba, nhưng tên lửa của Mỹ vẫn ở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Về phần mình, bị kẹp giữa cuộc đấu giữa hai siêu cường, đối mặt với sự uy hiếp của Mỹ và những bức thư công khai của Khrushchev, người Cuba không chỉ bất bình, mà còn có cảm giác "bị đem ra bán". Tuy vậy, người Cuba vẫn rất bình tĩnh và kiên định khí thế cách mạng hừng hực. Trong khi đó, người Mỹ hoảng hốt xây hầm hào, tích trữ lương thực, nước uống phòng khi xảy ra chiến tranh hạt nhân, thậm chí tác giả Chuck West còn cho ra đời cả cuốn sách hướng dẫn xây dựng hầm trú ẩn chống phóng xạ. Trưa 28/10, lãnh tụ Fidel có bài phát biểu rất dài ở La Habana, đưa ra 5 điều kiện với Mỹ: 1/ Dỡ bỏ phong toả kinh tế; 2/ Không được tiếp tục sử dụng đường hàng không tiếp tế vũ khí, đưa gián điệp và các phần tử phá hoại thâm nhập Cuba tiến hành các hoạt động lật đổ; 3/ Máy bay thuộc các căn cứ Mỹ không được tiếp tục tiến hành tập kích Cuba; 4/ Máy bay Mỹ không được xâm phạm vùng trời Cuba; 5/ Người Mỹ phải rút khỏi Guantanamo của Cuba. Không chỉ có vậy, Fidel còn kiên quyết phản đối việc LHQ cử đoàn giám sát đến Cuba giám sát việc Liên Xô rút tên lửa khỏi nước này vì đó là hành động chà đạp lên chủ quyền của Cuba.

 

Bìa cuốn sách hướng dẫn xây dựng hầm trú ẩn chống phóng xạ của Chuck West.

Thái độ cứng rắn của Fidel đã gây ra trở ngại lớn đối với việc thực thi thỏa thuận Xô-Mỹ, nhưng lại nhận được sự ủng hộ của nhân dân Cuba cũng như bạn bè quốc tế. Trước tình hình đó, Khrushchev năm lần bảy lượt khuyên người Cuba không nên xử trí công việc theo tình cảm, cần phải kiềm chế ở mức cao nhất: "Chúng tôi, với thành ý sâu sắc, rất muốn khuyên các bạn phải nhẫn nại, nhẫn nại hơn nữa, phải kiềm chế, kiềm chế hơn nữa. Đương nhiên, nếu kẻ địch thực sự xâm phạm đường biên giới thì phải sử dụng mọi biện pháp đánh trả quân xâm lược". Khrushchev còn nói với Fidel: "Tôi cho rằng kiến nghị của đồng chí là không thỏa đáng. Chúng ta đang ở giai đoạn bước ngoặt trong việc loại bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang rất nóng bỏng. Đương nhiên, tấn công hạt nhân sẽ khiến Mỹ chịu tổn thất rất lớn. Nhưng Liên Xô và cả phe xã hội chủ nghĩa cũng bị tổn hại nghiêm trọng. Đặc biệt, tổn thất của Cuba và nhân dân Cuba lại càng không thể tưởng tượng được".

 

Sau khi Liên Xô và Mỹ đạt được thỏa thuận miệng liên quan đến việc Liên Xô rút tên lửa khỏi Cuba và Mỹ rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, người Cuba càng có cảm giác "bị đem ra bán". Sau này, Khrushchev nhớ lại: "Khi quan hệ Xô-Mỹ bắt đầu được khôi phục thì quan hệ giữa Liên Xô và Cuba lại xấu đi. Thậm chí, Fidel còn đình chỉ việc tiếp Đại sứ của chúng tôi. Trong con mắt người Cuba, việc chúng tôi rút tên lửa đi đã chuốc phải thất bại về mặt đạo nghĩa".

 

Quan hệ Liên Xô-Cuba căng thẳng. Không thể thuyết phục được Fidel chấp nhận sự giám sát của LHQ, Khrushchev đành phải nhờ tới Tổng Thư ký U Thant. Ngày 27/10, U Thant gửi điện cho Fidel, kêu gọi Cuba đình chỉ việc xây dựng và phát triển thiết bị cũng như hạ tầng quân sự quan trọng trong thời gian diễn ra đàm phán. Fidel trả lời rằng Cuba sẵn sàng chấp nhận đề nghị của U Thant với điều kiện Mỹ không được tiến hành uy hiếp và xâm nhập Cuba. Fidel cũng mời U Thant thăm Cuba, thảo luận tình hình Cuba, bao gồm cả việc Cuba bị phong tỏa.

 

Ngày 30/10, Tổng Thư ký Liên hợp U Thant đến La Habana, bắt đầu chuyến thăm Cuba. Trong hội đàm, Fidel nhắc lại lập trường và quan điểm của Cuba, kiên quyết từ chối mọi kiến nghị của U Thant liên quan tới việc giám sát quá trình Liên Xô rút tên lửa khỏi nước này. Ngay ngày hôm đó, Cuba ra thông báo: "Sau hai giờ trao đổi ý kiến, đoàn đại biểu LHQ do Tổng Thư ký U Thant dẫn đầu và đoàn đại biểu Cuba do đồng chí Fidel làm trưởng đoàn đã quyết định tiếp tục hội đàm vào sáng thứ 4, không đạt được bất cứ thỏa thuận nào". Ba giờ chiều ngày hôm sau, U Thant và Fidel lại cùng nhau tham gia cuộc hội đàm kéo dài 1 tiếng 40 phút. Tuy nhiên, hai bên không đạt được tiến triển thực chất. Sứ mệnh hòa bình của U Thant đã hết cửa hy vọng.

 

Minh Thành(Tổng hợp)

Đón đọc kỳ sau: Sóng gió từ những chiếc Il-28

Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 9
Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 9

Ngày 25/10, U Thant lại viết gửi thư cho Kennedy và Khrushchev. Trong thư gửi Khrushchev, U Thant chỉ rõ việc tàu Liên Xô tiến về Cuba càng làm cho người Mỹ cảm thấy bị khiêu khích hơn. U Thant hy vọng Khrushchev có thể chỉ thị cho những chiếc tàu Liên Xô...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN