Ngày 5/5/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị nữ thông tin và nữ quân y đã tham gia Lễ duyệt binh ngày 1/5/1973. Ảnh: Vũ Tạo/TTXVN |
Một “mảnh ghép” quan trọng vẫn còn ít được biết trong chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một Nhà báo cách mạng xuất sắc đã có nhiều cống hiến với nền báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 80 năm. Chúng ta đã biết một “Tướng Giáp - Anh Văn” song toàn văn võ. Chúng ta còn được biết một nhà báo cách mạng xuất sắc Võ Nguyên Giáp.
Chặng đường đầu tiên: Đầy nhiệt huyết và nhạy bénChặng đường viết báo - làm báo đầu tiên của người thanh niên sinh viên Võ Nguyên bắt đầu từ ngày 28/9/1929 với bài Vũ trụ và tấn hóa đăng trên báo Tiếng dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập với bút danh Hải Thanh. Khi đó Võ Nguyên Giáp mới 18 tuổi, đang làm biên dịch viên cho báo Tiếng dân.
Đến nay, tìm theo những bút danh trên báo Tiếng dân, đã thống kê được 27 bài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên 36 số báo. Ký tên Vân Đình ở mục Thế giới thời đàm, ông nghiên cứu và đưa ra nhiều ý kiến bình luận sắc sảo về kinh tế chính trị, tình hình thế giới và các nước.
Sau khi bị bắt, bị tù hơn một năm (1930 - 1931) và bị cấm làm báo ở Huế, Võ Nguyên Giáp “ngưng bút” trong khoảng gần 6 năm rồi xuất hiện chói sáng trở lại trên mặt trận báo chí cách mạng trong phong trào Mặt trận bình dân sôi nổi những năm 1936 - 1939.
Ngay khi Mặt trận bình dân thắng cử, nhạy bén tranh thủ cơ hội, Võ Nguyên Giáp bàn với giáo sư Đặng Thai Mai và các giáo sư Trường Thăng Long cùng nhau ra tờ Hồn trẻ (tập mới) ngày 6/6/1936. Báo được bạn đọc rất hoan nghênh, in không đủ bán.
Học sinh trường Thăng Long tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo. Thấy rõ sự “nguy hại” của Hồn trẻ, các nhà cai trị thực dân vội vã đóng cửa báo sau khi ra được 12 số.
Báo tiếng Việt bị hạn chế bởi những điều khoản xin cấp phép phức tạp, Võ Nguyên Giáp cùng với Nguyễn Thế Rục và một số đồng chí quyết định cho ra báo Le Travaill (Lao động) bằng tiếng Pháp. Võ Nguyên Giáp là biên tập viên chính cùng với Phan Thanh, Phan Tử Nghĩa, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Công Truyền...
Trên mặt báo, Võ Nguyên Giáp có nhiều bài về các chủ đề đời sống và bãi công của công nhân, tình cảnh của nông dân, về tự do của các tổ chức chính trị... Một điểm nhấn quan trọng (sau này hay được nhắc đến) là tờ Notre Voix - mà Võ Nguyên Giáp như một “linh hồn”, là cây bút chủ lực, đã đăng tải loạt bài gửi về từ Trung Quốc với bút danh P.C. Lin (trong các số ra ngày 9/4, 16/4, 30/4, 21/5/1939).
Ngày nay, nhiều người đã biết P.C. Lin là bí danh của Nguyễn Ái Quốc nhưng thời đó điều này tuyệt đối bí mật. Tháng 7/1939, Nguyễn Ái Quốc còn nhấn mạnh trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản:: “Qua tờ Notre Voix và tờ Đời nay - một tờ tuần báo công khai khác của Đảng xuất bản bằng tiếng Việt ở Hà Nội - tôi có thể tóm tắt tình hình trong nước”[1].
Trong suốt thời kỳ Mặt trận bình dân, nhà báo Võ Nguyên Giáp đã đảm nhiệm hầu hết các khâu của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung... cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morrasse và không ít khi đảm nhiệm cả việc phát hành báo. Võ Nguyên Giáp xem viết báo như một nghĩa vụ và trách nhiệm. Không có nhuận bút và phụ cấp, ông sống thanh bạch nhờ lương nghề giáo.
Làm báo đánh Pháp đuổi NhậtTháng 5/1940, trước những biến động của tình hình, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được Xứ ủy Bắc kỳ “điều” sang Vân Nam (Trung Quốc). Cũng từ đây, nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp được gặp, được hoạt động, được làm báo cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Trên chặng cuối của cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc những năm 1941 - 1945, Võ Nguyên Giáp đảm nhận nhiều công việc chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc Tổng khởi nghĩa đang đến gần nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc những công việc tuyên truyền của một nhà báo cách mạng. Ngay sau chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Võ Nguyên Giáp cho ra tờ báo viết tay lấy tên là Tiếng súng reo.
Thật tiếc, đến nay tờ báo “nóng hổi” sau chiến thắng chỉ còn trong ký ức của những nhân chứng, không còn bản nào được lưu. Ông viết nhiều bài cho báo Việt Nam độc lập của Mặt trận Việt Minh. Võ Nguyên Giáp còn làm chủ bút, chỉ đạo biên tập từ số 1 (ra ngày 20/6/1945) đến số 5 (ra ngày 5/8/1945) báo Nước Nam mới của Khu giải phóng. Ông còn đảm nhiệm báo Quân giải phóng của Việt Nam giải phóng quân.
Dù chỉ ra được 1 số (ngày 5/8/1945) trong đêm trước của cuộc Tổng khởi nghĩa nhưng Quân giải phóng đã có ý nghĩa động viên tích cực đấu tranh vũ trang trong cao trào tiến tới Tổng khởi nghĩa. Trong số 1, có bài quan trọng của Võ Nguyên Giáp ký tên TRÍ DŨNG, phê bình các cuộc chiến đấu vừa qua, trong đó tác giả biểu dương nhưng rút kinh nghiệm cho các cuộc chiến đấu và nhấn mạnh: “... Phải làm thế nào mỗi lần đánh là một lần thắng cả về chính trị lẫn quân sự”[2].
Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổng kết lại kinh nghiệm và trao đổi ý kiến trong bài Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám[3]: “Tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương, phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị, yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì. Tính thời gian rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng đã khó.
Ngày 28/8/1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm TTXVN nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập TTXVN (15/9/1945 - 15/9/1995). Ảnh: Minh Điền/TTXVN |
Nhưng khó hơn nhiều là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc, tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội. Nội dung đương nhiên cần được bảo đảm chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số báo có nhiều bài hay.
Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hòa như những màu sắc của một tác phẩm hội họa, mới mang lại hứng thú cho người đọc. Đặt tên cho một bài báo rất khó. Tôi thường mất nhiều thời gian cân nhắc tìm những kiểu chữ thích hợp cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể.
Những kiểu chữ lớn, nhỏ, béo, gầy, đứng hoặc nghiêng - đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới. Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ, nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.
Những người làm báo hôm nay còn học được nhiều điều từ những dòng tâm huyết đó của người thày, người anh Võ Nguyên Giáp.
Những bài báo chỉ đạo hai cuộc kháng chiến và công cuộc dựng xây sau chiến tranhSau ngày 2/9/1945, từng bước, Võ Nguyên Giáp đảm nhận những trọng trách trong quân đội. Việc viết báo, chỉ đạo báo chí của ông cũng dần nghiêng sang hướng quân sự.
Những bài viết của Võ Nguyên Giáp đăng trên các báo và tạp chí xuất bản ở chiến khu trong kháng chiến trường kỳ đã truyền đạt đường lối, chỉ đạo chiến lược và chiến thuật, tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra phương châm tác chiến cũng như xây dựng cho lực lượng vũ trang cách mạng từng bước phát triển, càng đánh càng thắng lớn, càng đánh càng vững mạnh...
Trong trận quyết chiến Điện Biên Phủ, là “tướng quân tại ngoại”, giữa bộn bề công tác chỉ huy chiến dịch nhưng Đại tướng vẫn trực tiếp chỉ đạo báo Quân đội nhân dân “xuất bản ở mặt trận” viết những bài bình luận có tính chỉ đạo. Những bài này (do Hoàng Xuân Tùy chấp bút) ký tên Chính Nghĩa, được kịp thời phát thanh qua Đài tiếng nói Việt Nam. Các chiến trường khác theo đó mà phối hợp hành động. Nhiều nhà nghiên cứu coi Võ Nguyên Giáp là đồng tác giả của những bài báo quan trọng đó.