Nhiều thập kỷ qua, biên giới giữa hai nước chỉ là một đường tưởng tượng trên cát, thỉnh thoảng được đánh dấu bằng một cái cột xiêu vẹo trên sa mạc Sonoran. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu tràn lan, cuộc cách mạng Mexico và Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ đã khiến thị trấn vùng biên tách làm đôi, gieo rắc sợ hãi và căng thẳng.
Chiều một ngày tháng 8/1918, một người đàn ông bí ẩn tiếp cận biên giới Mỹ-Mexico ở khu vực thị trấn Nogales. Người đàn ông đi bộ về phía Mexico, nơi binh sĩ Mexico đang vẫy tay. Đột nhiên, một thanh tra Hải quan Mỹ yêu cầu người này dừng lại. Do nghi người này là buôn lậu hoặc gián điệp nên viên thanh tra và hai binh sĩ Mỹ rút súng ra. Cách đó vài mét, các quan chức Mexico cũng nâng súng trường lên. Khi một người bắn phát đầu tiên trúng mặt một binh sĩ Mỹ, cả hai bên đấu súng ác liệt. 12 người chết, kể cả Thị trưởng Nogales.
Hai giờ đấu súng đã chấm dứt thời kỳ đi lại dễ dàng ở khu vực biên giới hai nước. Mỹ và Mexico nhanh chóng đồng ý dựng hàng rào cao 1,8m chạy giữa thị trấn vùng biên. Ngày nay, hàng rào gồm một loạt cột thép cao 6m và mới được gia cố dây thép gai.
Trước khi người tị nạn từ Trung Mỹ bị coi là mối đe dọa ở biên giới, nước Mỹ đề phòng nhiều hơn những đối tượng như gián điệp Đức, các nhà cách mạng Mexico, gái mại dâm, người đa thê, người nhập cư Trung Quốc và gia súc nhiễm bệnh sốt ve.
Biên giới giữa Mexico và Mỹ không chỉ là một đường trên bản đồ. Trong trí tưởng tượng của người Mỹ, nó đã trở thành một ranh giới biểu tượng giữa Mỹ và một thế giới đầy đe dọa. Dù vậy, mãi tới năm 1821 mới có biên giới Mỹ-Mexico khi Mexico giành độc lập từ Tây Ban Nha. Mãi 30 năm sau, đường biên giới mới có hình thù như hiện nay.
Người Texas nổi dậy chống lại Mexico năm 1836 và gia nhập Mỹ năm 1845, dẫn tới cuộc chiến giữa Mỹ và Mexico. Sau đó, binh sĩ Mỹ chiếm đóng Mexico City. Trong tình hình nguy cấp, Mexico phải ký giấy bán các khu vực ngày nay là bang Arizona, California, Nevada, New Mexico, Utah và Colorado với giá 15 triệu USD. Năm 1853, Mỹ mua thêm hơn 77.000km2 với giá 10 triệu USD để xây đường sắt liên lục địa.
Hai vụ mua bán trên chỉ thay đổi biên giới Mexico-Mỹ trên bản đồ mà không làm rõ những thứ trên mặt đất.
Cuối thế kỷ 19, biên giới mờ nhạt không thể nhận ra. Các cột mốc đã bị phá hủy hoặc tháo bỏ. Các thị trấn mọc lên nhiều ở biên giới. Năm 1882, Mỹ và Mexico thành lập ủy ban chung để khảo sát lại, vẽ lại bản đồ và đánh dấu biên giới. Có một đoạn mà hơn 160km không có lấy một cột mốc. Tình trạng này gây nhiều tranh chấp giữa thợ mỏ, nông dân, người chăn gia súc ở hai bên, đồng thời tạo điều kiện cho buôn lậu.
Quan chức hai bên bắt đầu tìm cách áp đặt trật tự và thu phí. Khi một thanh tra Mỹ xác định trại gia súc của một người Mexico lấn biên giới, chủ trại bị bắt đóng thuế cho Mỹ. Khi không đóng thuế, người đó đã bị bắt.
Tổng thống Mỹ William McKinley đã ra lệnh giải tỏa dải đất rộng 18 mét dọc biên giới Nogales năm 1897. Các quán rượu bị phá bỏ hoặc di dời. Năm 1909, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật cấm nhập và sử dụng thuốc phiện ngoài mục đích y tế. Từ đó, tình trạng buôn lậu thuốc phiện bắt đầu tràn lan.
Cùng năm đó, hàng rào trên quy mô liên bang đầu tiên đã được dựng lên dọc biên giới để ngăn gia súc Mỹ nhiễm bệnh sốt ve. Từ đây, nhân viên hải quan bắt đầu ngăn chặn một số đối tượng vào Mỹ.
Theo bà Rachel St. John, Giáo sư lịch sử Đại học California, người Mỹ và Mexico di chuyển qua lại tự do ở khu vực biên giới, nhưng cuối thế kỷ 19, một loạt luật mới của Mỹ đã cấm người nhập cư vượt biên. Luật cấm nhập cư đầu tiên được thông qua nhằm vào đối tượng bị kết án và gái mại dâm năm 1875. Năm 1910, một luật nữa được thông qua nhằm vào người nhập cư Trung Quốc, người mất trí, lao động hợp đồng, người đa thê, người vô chính phủ và những đối tượng không được chào đón. Đạo luật đã khiến tình trạng nhập cư bất hợp pháp tăng dần.
Hệ thống buôn lậu phức tạp nhanh chóng hình thành dọc biên giới. Hệ thống này có những bác sĩ chuyên có nhiệm vụ xóa dấu vết bệnh tật hay các quan chức tham nhũng, toa tàu đầy người nhập cư Trung Quốc. Hàng rào biên giới có tác dụng với gia súc hơn là với người.
Khi Cách mạng Mexico bùng nổ năm 1910, những người tham gia cách mạng bàn bạc kế hoạch trong khách sạn bên Mỹ và các cuộc chiến tràn cả sang biên giới. Mỹ tìm cách duy trì quan điểm trung lập. Một số lính gác Mỹ bị chết vì đạn lạc. Người phía Mexico bắt đầu cướp phá thị trấn ở Mỹ. Trong cuộc chiến Sonora năm 1914, giao tranh sát biên giới tức mức binh sĩ Mỹ phải cắm cờ Mỹ dọc biên giới để ngăn các bên tràn qua biên giới.
Ngày 9/3/1916, khi Mỹ phá vỡ thế trung lập và ủng hộ một đối thủ của Pancho Villa, vị tướng Mexico này đã trả đũa bằng cách đột kích thị trấn vùng biên Columbus của Mỹ. Pancho Villa mất 100 người, Mỹ mất 17 người, khung cảnh như ngày diệt chủng.
Một tuần sau, Tướng Mỹ John “Black Jack” Pershing dẫn quân viễn chinh vũ trang vào Mexico bắt Pancho Villa. Cuộc truy lùng kéo dài gần 2 năm và khiến người Mexico lo sợ Mỹ định sáp nhập khu vực biên giới phía nam.
Khi Mỹ bị lôi kéo vào Chiến tranh Thế giới thứ nhất, người Mỹ lại lo lắng về gián điệp dọc biên giới. Theo một bức điện được Mỹ giải mật năm 2017, Bộ trưởng Ngoại giao Đức từng đề nghị hỗ trợ Mexico thu hồi lại lãnh thổ trước kia. Từng có Kế hoạch de San Diego để thực hiện điều đó nhưng bị đổ bể khi người đứng đầu bị bắt.
Theo cảnh báo của tờ Los Angeles Times năm 1917, nếu người dân Los Angeles biết điều gì đang xảy ra ở biên giới, họ sẽ không thể ngủ ban đêm. Nổi loạn, kế hoạch, mưu đồ khắp nơi. Đường dây điện thoại bị nghe lén, tổng đài viên điện thoại bị mua chuộc bằng vàng, điệp viên thì tự do đi lại.
Như vụ người đàn ông bị nghi ngờ nói trên, anh ta thực ra là một kỹ sư đến để xác định vị trí biên giới. Sau sự cố, hàng rào được dựng lên để đảm bảo binh sĩ Mỹ biết ai ở bên nào trước khi nổ súng.
Ngay cả sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất và Cách mạng Mexico kết thúc, một số hàng rào vẫn còn. Trong thế kỷ tiếp theo, các hàng rào gỗ và dây thép gai được nâng cấp thành lưới mắt cáo. Sau đó, trong những năm 1990, dưới thời Tổng thống George H.W. Bush và Bill Clinton, nó trở thành những tấm kim loại cao 3,6 mét.
Mặc dù những biện pháp dựng hàng rào này bị người dân địa phương phản đối nhưng được hai đảng ở Mỹ ủng hộ rộng rãi. Tổng thống George W. Bush ký Đạo luật Hàng rào an ninh năm 2006, cho phép xây dựng 1.126 mét hàng rào biên giới mới.
Tuy nhiên, bà St. John nhận định với tờ Washington Post, việc xây dựng hàng rào cách đây một thế kỷ khác với yêu cầu về bức tường biên giới hiện nay của Tổng thống Trump. Bà nói: “Khi họ xây hàng rào ở Nogales trong thời Cách mạng Mexico, đó là phản ứng với những gì đang xảy ra dọc biên giới. Đó không phải là điều đang diễn ra hiện nay. Yêu cầu xây bức tường này xuất phát từ trên xuống. Nó hoàn toàn khác với thực tế trên mặt đất”.