Đến nay, hiệp định này vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng tới những sự kiện chính trị, tôn giáo ở vùng “nóng” Trung Đông.
Lòng tham của đế quốc Anh và Pháp
Anh và Pháp vốn đã nhòm ngó vùng đất nằm giữa Biển Địa Trung Hải và Vịnh Ba Tư từ lâu nhưng phải chờ đến khi đạt được nhiều bước tiến trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất khiến đế chế Ottoman suy tàn thì hai nước này mới có thêm cơ hội để thực hiện ý đồ của mình.
Trong những năm đầu thế kỷ 20, Anh ở trong thời kỳ “khát dầu” do vậy xứ sở sương mù có nhu cầu đặc biệt tiếp cận với những nơi có trữ lượng dầu mỏ dồi dào. Ngoài ra Trung Đông còn có vị trí quan trọng với London bởi khu vực này nằm ngay giữa Anh và Ấn Độ.
Hai nhà đàm phán Mark Sykes (trái) và Francois Georges-Picot. |
Còn Pháp lại có mối quan hệ giao thương kinh tế đầy lợi ích với các thành phố cảng của Địa Trung Hải như Beirut, Sidon và Tyrus (Lebanon) khiến việc đảm bảo một vị thế của Paris ở Trung Đông là vô cùng cấp thiết.
Từ tháng 11/1915 tới tháng 3/1916, đại diện của Anh và Pháp đã bàn thảo sơ bộ về thỏa thuận Sykes-Picot với sự chấp thuận của Nga. Ở thời điểm này, Đế chế Ottoman bao phủ khu vực rộng lớn của Trung Đông dưới sự trị vì của khalip (quốc vương nước Hồi giáo) là nhà vua Sultan Mehmed V (trị vì từ 1908-1918) sau đó được kế nhiệm bởi Mehmed VI (trị vì từ 1918-1922).
Quyền hạn của khalip Ottoman đã phai mờ từ tháng 11/1922 do sự kiện thành lập nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng Kemal Ataturk. Đến tháng 3/1924 thì quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chính thức từ bỏ chức danh khalip.
Tấm bản đồ được thống nhất trong Hiệp định Sykes-Picot. |
Ngày 19/5/1916, đại diện của Vương quốc Anh là ông Mark Sykes và Pháp là ông Francois Georges-Picot dưới sự tán thành của Nga đã bí mật thống nhất về bản thỏa thuận phân chia lãnh thổ của Đế chế Ottoman thành nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của hai quốc gia thuộc “lục địa già” này. Cả Pháp và Anh đều tự cho rằng Trung Đông cần nằm dưới sự kiểm soát của các đế quốc châu Âu do vậy đường biên như trên đã được ra đời.
Theo đó Anh sẽ đảm nhận các vùng màu đỏ trên bản đồ là Transjordan, Iraq, Palestine đến ngày nay lần lượt là phần lãnh thổ thuộc Jordan, nam Iraq và Haifa ở Israel. Còn Pháp được đảm nhận những vùng màu xanh đến nay là lãnh thổ của Syria, Lebanon, bắc Iraq, Mosul và đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Còn lại vùng màu vàng của Palestine trong tấm bản đồ sẽ là khu vực nằm dưới quản lý của quốc tế.
Vấn đề phát sinh
Tuy nhiên đã có 3 vấn đề nảy sinh sau khi hiệp định Sykes-Picot ra đời.
Thứ nhất, hiệp định Sykes-Picot được thực hiện bí mật nhằm tránh sự phát giác của Arập. Điều này đi ngược lại hứa hẹn Anh đã đưa ra với Arập trong những năm 1910 rằng nếu họ đứng lên lật đổ được đế chế Ottoman thì độc lập sẽ về tay họ.
Ngay cả sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, trong những thập niên 20, 30 và 40 của thế kỷ trước, các nước đế quốc châu Âu vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng tới Arập. Chính điều này đã dẫn đến việc thay đổi sang nhà nước hoạt động theo hiến pháp (như Ai Cập, Syria và Iraq trong những thập kỷ đầu thế kỷ 20) với nỗ lực từ bỏ ảnh hưởng của các nước đế quốc. Đây cũng là nhân tố hình thành chính quyền theo chủ nghĩa quân phiệt tại một số nước Arập kể từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước.
Vấn đề thứ hai là mặc dù hiệp định Sykes-Picot được phân chia có phần dựa vào sự khác biệt các tôn giáo tại Trung Đông nhưng những đường kẻ đơn giản trên bản đồ không thể làm giảm được thực chất chia rẽ đã hằn sâu trong khu vực. Theo hiệp định Sykes-Picot, Lebanon được kỳ vọng trở thành “thiên đường” của người Cơ Đốc giáo đặc biệt là người Maronite và người Druze. Palestine là vùng lãnh thổ của cộng đồng người Do Thái còn thung lũng Bekaa giữa Palestine và Lebanon được để dành cho người Hồi giáo theo dòng Shiite. Syria lại là nơi chủ yếu cho người Hồi giáo theo dòng Sunni.
Nhưng những dự định được ấp ủ trong Sykes-Picot đã không thể chuyển hóa thành thực tế. Điều đó có nghĩa là đường biên giới mới không tương ứng với sự hiện diện trên các vùng đất của những bộ lạc, tộc người ở Trung Đông. Điển hình như trường hợp của cộng đồng người Kurd sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Syria đến nay chưa có nhà nước dành riêng của họ nhưng họ vẫn bền bỉ nuôi dưỡng ước mơ này dẫn đến việc nảy sinh nhiều vấn đề giữa người Kurd với chính quyền sở tại nơi họ sinh sống.
Vấn đề thứ ba là hệ thống nhà nước được thành lập từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất đã dẫn đến băn khoăn về danh tính đối với thế hệ trẻ tại Trung Đông. Trong vòng 4 thập kỷ gần đây, các nước Trung Đông đã tăng gấp đôi dân số lên hơn 330 triệu người, 2/3 trong số đó dưới 35 tuổi. Họ là thế hệ sống trong những vấn đề chính trị, kinh tế xã hội mang hệ quả của lịch sử. Nhiều chuyên gia cho rằng làn sóng “mùa xuân” tại Arập từ đầu năm 2011 là nỗ lực của thế hệ này để thay đổi hậu quả của trật tự được tạo dựng từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất tại Trung Đông.