Năm nhân vật quyết định đàm phán hạt nhân Iran

Các nhà đàm phán của Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đang chạy đua với thời gian để đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện vào ngày 31/3 tới. Song việc thành bại của thỏa thuận này không chỉ phụ thuộc vào tài thương lượng của các nhà đàm phán, mà số phận của nó đang nằm trong tay của 5 chính khách.

Sau 17 tháng ròng rã thương lượng, các nhà đàm phán của Nhóm P5+1 và Iran chỉ còn thời gian tính bằng tuần trước khi phải đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện vào hạn chót ngày 31/3 tới. Nếu mọi thứ được triển khai theo đúng kế hoạch, vào ngày 1/4, thế giới sẽ biết số lượng máy ly tâm mà Tehran được phép giữ lại; quy mô của kho dự trữ urani làm giàu; thời gian Mỹ và Phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt; cơ chế kiểm tra và giám sát của quốc tế đối với chương trình hạt nhân Iran.           

Các cuộc thương lượng trước đây đã không thể thống nhất được tất cả các vấn đề trên và nay cũng không có gì đảm bảo rằng sự cố tương tự sẽ không xảy đến trong vòng đàm phán then chốt đang diễn ra. Thực vậy, những thông tin rò rỉ từ các cuộc đàm phán cho biết Tehran đang muốn giữ lại số lượng máy ly tâm lớn hơn so với đề xuất từ Nhóm P5+1. Thực tế là việc gia hạn thêm 2 tháng các cuộc đàm phán là ví dụ cho thấy sự phức tạp của các cuộc thương lượng hiện nay giữa hai bên.

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei.


Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 2, ông Obama tuyên bố: “Hiện nay, các bất đồng đã được thu hẹp đáng kể và chúng ta đang ở thời điểm mà phía Iran cần phải đưa ra quyết định”.

Nói cách khác, sẽ không có thêm lần gia hạn đàm phán thứ 3 và số phận của các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, vốn đã kéo dài 1 năm rưỡi nay, sẽ được quyết định trong những ngày tới. Và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các hành động và quyết định của những “yếu nhân” của Iran, Mỹ, Liên minh châu Âu và Israel.

Thủ lĩnh tối cao Iran Ali Khamenei

Nếu nhà hoạch định chính sách ngoại giao hàng đầu này của Iran có đủ quyết tâm phá vỡ thế bế tắc, khả năng cao là thỏa thuận này sẽ được ký kết. Với vai trò là thủ lĩnh tối cao, ông Khamenei đang nắm giữ cương vị cao nhất trong hệ thống chính trị tại Nhà nước Hồi giáo Iran. Do vậy, những bình luận mà ông đưa ra đối với các cuộc đàm phán hiện nay là đặc biệt quan trọng vì nó thể hiện quan điểm của giới lãnh đạo Iran.

Tháng 7/2014, ông Khamenei tuyên bố Iran sẽ cần khoảng 190.000 máy ly tâm để phục vụ chương trình hạt nhân ở quy mô công nghiệp nhưng 7 tháng sau, ông nói với giới truyền thông Iran rằng sẽ “chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào” phục vụ cho lợi ích quốc gia Iran. Đó cũng là lúc các cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc ghi nhận những tiến bộ đáng kể.

 Có một tin không vui với các cuộc đàm phán đó là ngày 12/3, truyền thông Iran đưa tin Đại giáo chủ Ali Khamenei đã bày tỏ quan ngại về sự "dối trá" của Phương Tây trong các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra. Đây là phản ứng của ông Khamenei trước việc 47 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa gửi thư cho Iran cảnh báo rằng thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama rời nhiệm sở.

Nói  một cách dễ hiểu là Iran và P5+1 sẽ không thể ký được thỏa thuận lịch sử này mà không có sự đồng ý của ông Khamenei, lịch sử các cuộc đàm phán trước đây đã chứng minh điều này. Vào mùa thu năm 2009, Tổng thống Iran lúc đó là Mahmoud Ahmadinejad đã nhất trí về nguyên tắc sẽ chuyển toàn bộ kho urani làm giàu mức độ thấp sang nước thứ ba để chuyển đổi sang nhiên liệu cho các lò phản ứng của Tehran. Tuy nhiên, sau khi ông Ahmadinejad trở về nước, Thủ lĩnh Khamenei đã từ chối đề xuất này, một phần vì bị những nhân vật cứng rắn trong quốc hội Iran phản đối.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker

Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, có thể nói Thượng nghị sĩ (TNS) Bob Corker có tiếng nói trọng lượng nhất tại Quốc hội Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran. Mặc dù, các thành viên của Quốc hội Mỹ không có chân trong bàn đàm phán tại Geneva, các nhà lập pháp như TNS Corker có đủ thẩm quyền gây áp lực lên Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp đầy đủ các thông tin về tiến trình đàm phán. Quốc hội Mỹ, hiện đang do phe Cộng hòa kiểm soát, vốn có quan điểm cứng rắn đối với Iran, từng nhiều lần bày tỏ rằng “không có thỏa thuận nào tốt hơn là ký một thỏa thuận tồi” và  TNS Corker là nhân vật đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này.

Trên cương vị là chủ tịch một ủy ban then chốt của Thượng viện, giữ cho chính quyền Mỹ luôn cảnh giác về chính sách đối ngoại nói chung là điều mà TNS Corker luôn lưu tâm. Đặc biệt với hồ sơ hạt nhân của Iran, hồi năm ngoái, ông Corker đã đệ trình một dự luật theo đó yêu cầu Tổng thống Obama phải trình bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào với Iran ra trước Quốc hội để xem xét và bỏ phiếu thông qua.

Vài ngày trước khi Thủ tướng Netanyahu phát biểu trước Quốc hội Mỹ, TNS Corker cũng đã đề cập lại tới dự luật này, theo đó chính quyền Mỹ đương nhiệm sẽ phải cung cấp một loạt báo cáo cho Quốc hội về việc Iran tuân thủ thỏa thuận như thế nào. Đây là một cơ chế giúp Hạ viện và Thượng viện Mỹ nắm trong tay công cụ để kiểm soát việc ký kết thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Tehran.

TNS Corker tuyên bố tăng cường vai trò của Quốc hội trong định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ là một ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại. Do vậy, sẽ không ngạc nhiên khi TNS Corker sẽ tìm mọi cách để ngăn cản một thỏa thuận mà ông cho là “tồi” với Iran. Gần đây nhất, trong một động thái can dự bất thường vào hoạt động hoạch định chính sách ngoại giao của Mỹ, ngày 9/3, 47 TNS của Đảng Cộng hòa đã cảnh báo Iran rằng bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào với Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể chỉ kéo dài tới chừng nào ông Obama còn tại nhiệm.

Bức thư do 47 TNS này ký gửi Iran có đoạn: “Chúng tôi coi bất kỳ thỏa thuận nào liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Iran mà không được Quốc hội thông qua thì không khác gì một thỏa thuận riêng giữa Tổng thống Obama và ông Khamenei”. Bức thư được hãng Bloomberg News công bố sau khi trước đó một tuần, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ và cảnh báo Washington đang đàm phán một “thỏa thuận tồi” với Iran.


Thái Nguyễn

(Còn tiếp)




Tiến bộ mới trong cuộc đàm phán hạt nhân Iran-EU
Tiến bộ mới trong cuộc đàm phán hạt nhân Iran-EU

EU và Iran đã đạt được một số tiến bộ hướng tới việc ký kết thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN