Tổng thống Mỹ Barack ObamaRõ ràng Tổng thống Mỹ Barack Obama là một nhân vật có ảnh hưởng mang tính quyết định trong các cuộc thương lượng hạt nhân với Iran.
Khác với những người tiền nhiệm, quan điểm của ông Obama về hồ sơ hạt nhân Iran có phần mềm dẻo hơn. Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 2009, ông đã gửi cho Lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei một loạt các mật thư đề cập tới những vấn đề mới, mang tính xây dựng hơn trong quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu với báo giới sau một cuộc họp tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington. Ảnh: AFP/TTXVN |
Như tờ Wall Street Journal mới đây tiết lộ, ông Khamenei và trợ lý đã trả lời ít nhất một trong số những mật thư này. Tuy nhiên, viện lý do rằng đây là những tài liệu mật nên giới chức hai bên không tiết lộ những vấn đề cụ thể được đề cập tới.
Tới nay, trước rất nhiều sự chỉ trích từ phe Cộng hòa và đồng minh Israel, Tổng thống Obama vẫn kiên quyết bảo vệ các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran và nếu thành công, đây sẽ là một dấu ấn quan trọng trong hai nhiệm kỳ dẫn dắt nước Mỹ của ông.
Mặc dù ông Obama đã rút khỏi các cuộc đàm phán với Iran vào các năm 2010 và 2011, rồi đưa ra một gói trừng phạt kinh tế khắt khe chống Tehran, nhưng ông cùng bộ máy tại Nhà Trắng đã nỗ lực rất nhiều để thuyết phục Tehran quay trở lại bàn đàm phán.
Tiếp đó, ông Obama đã tìm cách đưa Iran tới thỏa thuận khung với Nhóm P5+1 vào tháng 11/2014 thay vì để nước này phải hứng chịu thêm các lệnh trừng phạt mới.
Với hồ sơ hạt nhân Iran, ông Obama luôn nghiêng về một lựa chọn ngoại giao thay vì dùng sức mạnh quân sự. Vị tổng thống da màu này rất cứng rắn đối với những giải pháp quân sự, ngay cả với đồng minh số một tại Trung Đông là Israel.
Ngày 1/3, tờ Washington Post dẫn nguồn tin từ truyền thông Kuwait cho biết ông Obama từng lệnh cho Lầu Năm Góc bắn hạ máy bay của Israel nếu chúng có ý định tấn công các cơ sở hạt nhân Iran. Có lẽ điều này đã làm chùn bước ý định dùng sức mạnh quân sự để giải quyết “cái gai” hạt nhân Iran của Tel Aviv.
Nhưng ngay cả khi P5+1 đạt được thỏa thuận với Iran vào thời hạn chót cuối tháng 3 tới theo như kế hoạch, khó khăn vẫn chưa hết với Tổng thống Mỹ, nhất là sau khi có lời đe dọa của 47 nghị sĩ Cộng hòa rằng thỏa thuận với Iran trên sẽ chỉ “sống” được trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, tức là tới tháng 1/2017.
Do vậy, ngay khi thỏa thuận này được ký, ông Obama sẽ phải một lần nữa thuyết phục người dân Mỹ, những thành viên “thù địch” trong Quốc hội và đồng minh Israel, Arab về cách thức đảm bảo Iran tuân thủ thỏa thuận này.
Cựu Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Catherine AshtonCó thể bà đã rời cương vị mà nhiều người gọi là “Ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU)” nhưng Catherine Ashton vẫn là người điều phối các cuộc hội đàm hạt nhân với Iran. Trong suốt hai năm qua, nhà ngoại giao kỳ cựu này đã đóng một vai trò then chốt trong nỗ lực đàm phán với Iran. Chính bà Ashton là người giữ sợi dây liên kết, duy trì sự thống nhất về lập trường của Nhóm P5+1 phía sau các cuộc đàm phán căng thẳng.
Bà Catherine Ashton. Ảnh: THX-TTXVN |
Tờ Haaretz, nhật báo lâu đời nhất của Israel và tạp chí Foreign Policy đã mô tả bà Ashton là một nhân vật có đủ sự tín nhiệm để giữ chân được Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trong suốt những giai đoạn đàm phán nước rút trước khi thảo thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran được ký kết hồi năm ngoái.
Tuy vậy, vai trò của bà còn quan trọng hơn việc giữ chân các nhà đàm phán vì bà là quan chức cao cấp nhất của EU phụ trách hồ sơ hạt nhân Iran. Bà Ashton có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ cho toàn bộ liên minh ngoại giao của phương Tây về tiến trình đàm phán. Bà trao đổi với lãnh đạo hai bên, đảm bảo các lợi ích của châu Âu được truyền đi rõ ràng và giúp EU cập nhật với mọi thông tin của quá trình đàm phán.
Trong trường hợp Pháp, Anh và Đức không thống nhất về chiến lược đàm phán, bà Ashton phải “gộp” chúng vào làm một. Trước đây, các cuộc đàm phán cũng đã từng gặp trở ngại khi các nước phương Tây đưa ra nhiều lập trường khác nhau.
Nhưng nhờ có sự hiện diện của một người như bà Ashton, trên bàn đàm phán sẽ chỉ còn có hai lập trường: Một từ phía Iran và một từ Nhóm P5+1. Trong trường hợp Iran và P5+1 ký được thỏa thuận hạt nhân toàn diện, bà Ashton cũng có thể sẽ là người giúp cho thỏa thuận này được triển khai.
Thủ tướng Israel Benjamin NetanyahuNếu ông Obama và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là những nhà ngoại giao rất cởi mở trong việc tìm một lối thoát cho cuộc xung đột về vấn đề hạt nhân với Iran suốt hai thập kỷ qua, Thủ tướng Israel lại là người làm mọi điều có thể nhằm đảm bảo rằng năng lực hạt nhân của Tehran giới hạn ở mức tối thiểu.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. |
Từ việc đưa ra những bức vẽ biếm họa trước Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2012 tới những cáo buộc mà ông mới đưa ra hôm 4/3 vừa qua trước Quốc hội Mỹ, tất cả đều chỉ muốn truyền đi một thông điệp: Tehran quá nguy hiểm và không thể lường trước ngay cả khi chỉ được vận hành một chương trình làm giàu urani quy mô nhỏ.
Thậm chí văn phòng của ông Netanyahu còn chơi một chiến thuật phá hoại tiến trình đàm phán bằng cách tiết lộ những thông tin mật về tiến trình này cho giới truyền thông. Động thái khiến Nhà Trắng sau đó phải tuyên bố sẽ không chia sẻ thông tin liên quan tới quá trình thương lượng hạt nhân cho Israel nữa.
Sự xung đột giữa chính quyền ông Obama với chính phủ do ông Netanyahu đứng đầu liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran đã trở nên công khai kể từ khi nối lại đàm phán hạt nhân Iran. Các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ rất khó chịu với sự hiếu chiến và những bài diễn thuyết chỉ trích các cuộc thương lượng hạt nhân với Iran của ông Netanyahu trong suốt 6 tháng qua.
Các phát ngôn và hành động của ông bị cho là một sự xúc phạm đối với Nhà Trắng và chúng làm mối quan hệ Obama - Netanyahu trở nên căng thẳng. Nhưng với vị Thủ tướng của Nhà nước Do Thái, đó là cái giá có thể chấp nhận được nếu ông đạt được mục đích buộc Tehran phải chịu thua thiệt trong một thỏa thuận hạt nhân có thể được ký.
“Vào cuối tuần này (tức tuần đầu của tháng 2), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Zarif đã thông báo về ý định hoàn thành thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân Iran vào cuối tháng 3. Điều này đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương đẩy nhanh nỗ lực ngăn chặn thỏa thuận tồi và nguy hiểm này”.
Đó là những gì mà Thủ tướng Netanyahu phát biểu tại một cuộc họp của nội các nước này gồm các cố vấn an ninh quốc gia và quốc phòng. Ông nói tiếp: “Chúng ta sẽ tiếp tục hành động và đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm phản đối việc vũ trang vũ khí hạt nhân cho Iran và sẽ làm mọi cách để ngăn chặn một thỏa thuận tồi và nguy hiểm để xua tan đám mây đen phủ lên tương lai của Israel”.
Lời phát biểu này đã phản ánh rõ nhất lập trường của ông Netanyahu đối với Iran kể từ khi ông trở thành người đứng đầu chính phủ Israel lần thứ hai năm 2009.
Thái Nguyễn