Kể từ khi phát triển lực lượng nhanh chóng ở Iraq và Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có vẻ coi trọng việc tuyên truyền nhằm lôi kéo những người phụ nữ vào hoạt động thánh chiến. Vậy những phụ nữ này là ai? Họ có vai trò gì? Động cơ nào đã thúc đẩy họ tham gia thánh chiến? Đó là việc giải mã một hiện tượng có ảnh hưởng vượt ra ngoài thế giới Arập.
1. Vai trò làm vợ và làm mẹ Tất nhiên, hiện tượng người phụ nữ thánh chiến được nói tới nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, song hiện tượng này từng xuất hiện ở Palestine trong khoảng thời gian 2002 - 2006 và ở Iraq trong khoảng thời gian 2005 - 2008. Trước kia, những chiến dịch liều chết đầu tiên do phụ nữ thực hiện đã diễn ra ở Liban vào năm 1985, ví dụ như trường hợp của Sanaa Mehaidli và Loula Abboud, song không có bất cứ người phụ nữ nào trong số họ là thành viên của các tổ chức thánh chiến. Họ chỉ kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của Israel và chỉ để giành lại phần lãnh thổ bị chiếm đóng.
Nguyên nhân của hiện tượng mang tính khác biệt và không mang yếu tố tôn giáo. Những phụ nữ tham gia thánh chiến trước hết đảm nhiệm vai trò làm vợ và làm mẹ. Hành động thánh chiến của họ phụ thuộc vào tính chất của nhóm chiến binh mà họ tham gia. Một nhóm có xu hướng thế tục sẽ không quan niệm cần phải phân biệt giới và vai trò của phụ nữ như trong nhóm tôn giáo, và như vậy người phụ nữ sẽ dễ dàng thực hiện vai trò chiến đấu hoặc xuất hiện ở tuyến đầu của chiến tuyến.
Buổi luyện tập bắn súng ngoài trời của các nữ chiến binh IS. |
Trường hợp của bà Sanaa Mehaidli, cũng giống như người phụ nữ Palestine Wafaa Idris, là một điển hình: Cả hai đều đã trở thành những kẻ đánh bom liều chết của các nhóm chính trị thế tục và theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Việc các nhóm tôn giáo sử dụng phụ nữ để đánh bom liều chết xuất hiện muộn hơn thế và đặc biệt vì những ý đồ chiến lược.
2. Quá trình trở thành phụ nữ thánh chiếnNăm 2014, IS đã tuyên bố thành lập hai lữ đoàn binh lính nữ, gồm "Al-Khansa" và "Umm al-Rayan", hoạt động trước tiên tại Raqqa (Syria) và tại tỉnh Al-Anbar của Iraq. Những lữ đoàn này dường như được thành lập trước hết nhằm bổ sung các chức năng cảnh sát mà nam giới không thể đảm nhiệm vì lý do phân biệt giới tính trong một số lĩnh vực. Mỗi lữ đoàn có khoảng từ 50 - 100 phụ nữ, mỗi người được lĩnh khoảng 200 USD/tháng. Sau đó, con số này đã gia tăng do sự phát triển lực lượng tương đối nhanh cùng với việc tuyển mộ liên tục.
Điều mới là nhiều phụ nữ phương Tây quyết tâm tham gia thánh chiến và sẵn sàng tới Iraq và Syria. Tại Iraq, trong khoảng thời gian từ năm 2005 - 2008, có ít phụ nữ phương Tây tham gia chiến đấu. Chỉ có thể kể ra trường hợp đánh bom liều chết của người phụ nữ có tên Muriel Degauque. Các nguồn tin cho biết có khoảng 10% đối tượng rời châu Âu, Mỹ và Australia để gia nhập hàng ngũ thánh chiến là phụ nữ và những cô gái trẻ, trong đó có khoảng 50 phụ nữ Pháp. Đa số những phụ nữ này là người Anh, và họ thường được coi là những người bị thuyết phục nhiều nhất bởi lý tưởng thánh chiến.
Học viện Đối thoại Chiến lược (ISD), cơ quan nghiên cứu chung của Anh, Pháp và Đức, mới đây cho biết có 550 phụ nữ có nguồn gốc từ các nước phương Tây tham gia thánh chiến. Quyền lợi của những phụ nữ nước ngoài có lẽ được gắn với những điều kiện khi tham gia các lữ đoàn nêu trên, trong đó có yếu tố độc thân, chưa chồng - một tình trạng hôn nhân không mang tính phổ biến và không phải là đa số đối với người phụ nữ trong xã hội IS. Có thể nói không có người phụ nữ thánh chiến nào ngay lập tức trở một chiến binh nữ, thân phận của họ có thể sẽ thay đổi vì những nhu cầu chiến thuật, ví dụ như trong trường hợp thiếu chiến binh nam.
Vai trò chủ đạo của người phụ nữ trong xã hội IS về nguyên tắc vẫn là người vợ và người mẹ. Đó là một vai trò tuy không hoàn toàn dễ nhận thấy ở nơi công cộng vì nó núp bóng đàn ông, song với danh nghĩa là sự bổ trợ giới tính, vai trò này của người phụ nữ được đánh giá rất cao trong tư tưởng thánh chiến. Một vai trò nữa của người phụ nữ là sinh con và nuôi dạy con trong tình yêu thánh chiến nhằm đảm bảo sự kế tục sự nghiệp. Ngoài ra, những phụ nữ thánh chiến còn là những người đi tuyển mộ lực lượng. Nguy hiểm mà họ tạo ra, tuy có khác so với chiến binh nam, song là điều không thể làm ngơ.
Trong bản báo cáo đánh giá về hàng trăm phụ nữ thánh chiến và bằng việc phân tích kỹ về quá trình hoạt động của 11 đối tượng trong số này (gồm phụ nữ gốc Áo, Pháp, Canađa, Anh và Hà Lan), ISD nhấn mạnh rằng sự thô tục trong ngôn ngữ và sự tận tụy vì sự nghiệp của những đối tượng này cũng mạnh mẽ không kém đàn ông. Những phụ nữ thánh chiến đang đóng vai trò quảng bá tuyên truyền cho những cuộc tấn công khủng bố tại quê hương đất nước của chính họ. Hơn thế nữa, số đối tượng này còn phô trương khả năng sẵn sàng tham gia bạo loạn và thậm chí thực hiện những cuộc tấn công liều chết nếu có điều kiện.
Một số phụ nữ thánh chiến có thể đóng vai trò tuyển mộ với thủ đoạn đặc biệt xấu xa, họ tìm kiếm và xác định những đồng loại bị cô lập hoặc bị rơi vào hoàn cảnh nguy khốn để thể hiện sự giúp đỡ che chở. Tiếp theo, họ bố trí các cuộc cưỡng hiếp và sau đó thuyết phục nạn nhân thực hiện một hành động tấn công tự sát như một biện pháp để rửa sạch danh dự. Trong số những kẻ tuyển mộ này, có Ibtissam Adwane (biệt danh Oum Fatima) và Samira Ahmad Jassim (biệt danh Oum al-Mumenin), cả hai đều là thành viên của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Iraq.
Vì sao hiện nay sự thu hút phụ nữ tham gia thánh chiến trở nên mạnh hơn? Phụ nữ Arập và phương Tây có chung động cơ tham gia thánh chiến hay không? Thánh chiến ở Syria và Iraq là một hiện tượng mang tính toàn cầu, nó thu hút các đối tượng từ khắp bốn phương trời. Sai lầm khi nghĩ rằng một lý tưởng tôn giáo, kèm theo phương án chính trị nhằm thành lập một xã hội lý tưởng mà người ta so sánh với một hình ảnh tuy hấp dẫn nhưng không mấy vinh quang của phương Tây, sẽ không có sức lôi cuốn phụ nữ như đối với đàn ông, ngay cả khi số phụ nữ này chỉ chiếm thiểu số so với số lượng đàn ông lên đường tham gia thánh chiến.
Nguyễn Quang Hồng(Theo “L'Orient-Le Jour”)(Còn tiếp)