Người Yazidi tại Iraq sẽ đi về đâu?

Cuối cùng thì Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh tiến hành các cuộc không kích và thả hàng cứu trợ nhân đạo quy mô lớn giải cứu những người dân Yazidi bị vây hãm ở núi Sinjar, miền Bắc Iraq. Tuy nhiên, tương lai của cộng đồng này vẫn rất mong manh. Sau nhiều thế kỷ bị bức hại, cộng đồng người thiểu số Yazidi đang rơi vào một thảm kịch tồi tệ mới trong vòng xoáy bạo lực tại Iraq.

         

Trong vài tháng qua, nhóm Hồi giáo cực đoan tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS), tên gọi mới của nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL), đã kiểm soát các khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq, nơi chúng tuyên bố thành lập một “Vương quốc Hồi giáo”. Nhưng lý do thực sự khiến thế giới và ngay cả mạng lưới khủng bố Al-Qaeda phải lo ngại IS không phải do tham vọng quyền lực của nhóm này, mà là con đường đi có hệ thống và rất đẫm máu mà các thành viên của nó đã lựa chọn để tàn phá nền văn hóa, xã hội và nhân khẩu của vùng Trung Đông.

            

Chỉ trong vòng vài tuần, IS đã loại bỏ gần như hoàn toàn cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite và Thiên chúa giáo khỏi các vùng đất mà chúng kiểm soát. Thành phố Mosul, quê hương của một trong những cộng đồng Thiên chúa giáo cổ xưa nhất trên thế giới nay đã không còn bóng một người theo đạo Thiên chúa nào. Các di sản văn hóa hết sức quý giá của người Assyrian cũng đã bị phá hủy công khai trong một chiến dịch mang đậm màu sắc tôn giáo.

           

Phụ nữ và trẻ em Yazidi tại trại tị nạn Bajid Kandala ở tỉnh Dohuk ngày 13/8, sau khi chạy trốn khỏi sự vây hãm của phiến quân IS. Ảnh: AFP-TTXVN


IS thậm chí còn không nương tay với cả các đồng đạo Sunni, những người không đồng tình với các diễn giải cực đoan của chúng về đạo Hồi. Rất nhiều ngôi đền, nơi thờ tự đã bị phá hủy, trong đó có cả ngôi mộ của Jonah.

            

Nhưng khủng khiếp nhất trong các tội ác của IS đó là sự khủng bố mà nhóm này nhắm vào người Yazidi, một nhóm tôn giáo lâu đời sinh sống cùng cộng đồng người Kurd. Số lượng của người Yazidi chỉ chưa tới nửa triệu và 2/3 trong số đó sống quanh khu vực thành phố Mosul, phía Bắc Iraq. Số còn lại sống rải rác ở các nước láng giềng như Syria, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, ở Đức và Mỹ có một số cộng đồng người Yazidi nhập cư.

 

Trong nhiều thế kỷ, bất chấp ảnh hưởng của đạo Cơ đốc và đạo Hồi, tôn giáo Yazidi đã có cội rễ không tin vào các tôn giáo khác (nên bị gọi là “Pagan”) ít nhất từ thời kỳ đồ đồng. Đáng chú ý hơn là tín ngưỡng của người Yazidi có rất nhiều điểm tương đồng với đạo Hindu. Chẳng hạn như, họ tin vào thuyết tái sinh, họ cầu nguyện vào mỗi buổi bình minh và khi mặt trời lặn và cũng có một hệ thống các đẳng cấp trong cộng đồng. Người Yazidi cũng thờ phụng Tawûsê-Melek, con công trống – một loài chim sinh sống ở vùng Nam Ấn và không hiện diện ở các vùng đất của người Yazidi.

 

Mặc dù nguồn gốc của người Yazidi còn chưa được khẳng định nhưng bằng chứng tôn giáo và di truyền học cho thấy rằng họ có thể là các tàn dư của những bộ tộc người Ấn di cư sang phía Tây trong thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Hiện có rất nhiều bằng chứng về mối liên hệ của người Ấn với khu vực Trung Đông trong thời kỳ đồ đồng. Chẳng hạn như đạo thờ lửa, một tôn giáo của người Iran cổ xưa - mà các tín ngưỡng của tôn giáo Yezidi có mối liên hệ chặt chẽ, lại rất gần gũi với Hindu giáo.

 

Trong nhiều thế kỷ, cả người Thiên chúa giáo và Hồi giáo đều gọi Yazidi là “những kẻ ngoại đạo tà giáo” và bức hại họ một cách tàn nhẫn, đặc biệt là dưới thời của đế chế Ottoman vào thế kỷ thứ 8, 9. Hàng loạt các vụ thảm sát gây nên cái chết của hàng trăm nghìn người và gần như đã đẩy cộng đồng người này vào sự diệt chủng. Dưới chế độ của tổng thống Saddam Hussein tại Iraq, người Yazidi không bị bức hại công khai về mặt tôn giáo, song vẫn sống dưới áp lực của nền văn hóa Arab. Vấn đề này đã đẩy họ vào một ngã rẽ nguy hiểm khi phải đối mặt với lực lượng Hồi giáo cực đoan. Hồi tháng 4/2007, các tay súng đã lôi 23 người đàn ông Yazidi ra khỏi một chiếc xe buýt và bắn chết họ. Bốn tháng sau, một loạt các vụ tấn công bằng bom xe đã giết chết ít nhất 300 người, trong đó có trẻ em và phụ nữ.

 

Nhưng đó chưa phải là điều khủng khiếp nhất với cộng đồng này. Hiện nay, người Yazidi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước tới nay khi IS buộc người Thiên chúa giáo tại Mosul phải lựa chọn chuyển đạo, trả jizya (một loại thuế đặc biệt theo đạo luật Sharia đánh vào những người không phải là Hồi giáo) hoặc phải rời bỏ quê hương. Tuy nhiên, người Yazidi không có may mắn đó, họ bị xử tử vì bị coi là “những kẻ ngoại giáo tà đạo”.

 

Cộng đồng người Yazidi trở về Iraq khi đi dọc biên giới trên cây cầu Fishkhabur bắc qua sông Tigris, qua cửa khẩu Fishkhabur ngày 11/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Còn quê hương của người Yazidi quanh Mosul nay đã nằm dưới quyền kiểm soát của IS. Thị trấn nhỏ bé Sinjar, nơi duy nhất trên thế giới có cộng đồng đa số người Yazidi đã rơi vào tay của IS trong những ngày đầu của tháng 8 khi các chiến binh người Kurd đã buộc phải rút lui khỏi đây. Các thông tin về những vụ thảm sát quy mô đang dần lộ ra. Rất nhiều người tị nạn đã trốn chạy lên các ngọn núi, nơi họ bị vây hãm tại các vùng đất biệt lập. Hàng trăm người được cho là đã chết vì đói và khát. Khu vực linh thiêng nhất của người Yazidi tại Lalish có nguy cơ bị phá hủy.

 

Đối mặt với thực trạng đó đáng buồn trên nhưng rất ít hãng truyền thông đề cập tới thảm kịch của người Yazidi. Có thực tế là mặc dù các vụ không kích vào lực lượng IS hay các chuyến hàng nhân đạo và sự can dự được hứa hẹn của các quốc gia Phương Tây, cùng một chiến dịch phối hợp giữa các lực lượng người Kurd (được Mỹ trang bị vũ khí) có thể cứu được những người Yazidi còn sống sót, nhưng dường như rất khó để họ có thể sớm quay trở về quê hương của mình.

 

Hàng thế kỷ trước, những tín đồ thờ lửa đã chạy trốn sang Ấn Độ để tránh sự bức hại ở Iran, những hậu duệ của các tín đồ này nay vẫn sống ở Ấn Độ trong một cộng đồng người Parsi nhỏ bé. Nhưng ngày nay, đâu sẽ là nơi trú chân mới cho những người Yazidi cuối cùng tại Iraq?

 

 

Thái Nguyễn

Liên hợp quốc trừng phạt phiến quân Iraq
Liên hợp quốc trừng phạt phiến quân Iraq

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết trừng phạt và đóng băng tài sản của các thủ lĩnh nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tại Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN