Kỳ III: Liệu có cần thiết?
Trong Chiến tranh thế giới thứ II, hầu hết các binh sĩ vẫn mặc đồng phục một màu, điển hình là kaki, xanh lá cây hay xanh xám. Người Nhật Bản không mặc đồ ngụy trang nhưng có sử dụng cành lá trong chiến tranh du kích. Trong khi đó, các lực lượng của Mỹ, Anh, Đức lại chỉ sử dụng kỹ thuật ngụy trang trong các đơn vị tinh nhuệ, như lính thủy đánh bộ, lính đặc nhiệm… Cuối những năm 1930, Văn phòng Bằng sáng chế Đế chế Đức đã cấp hẳn bản quyền cho những kiểu ngụy trang nhất định chỉ được áp dụng đối với Waffen-SS (Lực lượng Vũ trang SS), còn Lực lượng Vệ quốc (tên thống nhất của các lực lượng vũ trang Đức Quốc Xã từ năm 1935 - 1945) thì không thể sử dụng những kiểu ngụy trang này.
Pháo được ngụy trang bằng lều bạt, cành lá. |
Nhiều binh sĩ lục quân Mỹ không thích ngụy trang trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, cho rằng chính điều đó khiến họ dễ bị phát hiện hơn, đặc biệt khi họ hay xe của họ di chuyển. Các nghiên cứu đã chứng tỏ có thể họ đúng và từ năm 1943 trở đi thì ngụy trang không còn được chú trọng nữa.
Do môi trường xung quanh hết sức đa dạng nên khi di chuyển thì không một kiểu ngụy trang nào có thể làm thay đổi hình dạng để tạo hiệu ứng “tàng hình”. Thuật ngụy trang tinh vi của quân đội trên thực tế đã sử dụng các kiểu “phá nét”, thường là bằng những tông màu sáng và tối đặt liền kề nhau để phá vỡ hình dạng hay nét ngoài của vật thể, bởi não người không thể kịp thời xử lý thông tin từ những hình dạng không rõ nét đó.
Máy bay chiến đấu ngụy trang của Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. |
Cũng giống như sự xuất hiện của súng trường buộc quân đội phải từ bỏ các kiểu đồng phục sặc sỡ, thì sự ra đời của máy bay đã khiến người ta phải hết sức coi trọng việc ngụy trang cho các cơ sở quân sự trên mặt đất. Trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, chức năng chính của máy bay không phải là chiến đấu mà là trinh sát, tức xác định các vị trí tập trung quân hay trang thiết bị. Do đó, các chuyên gia ngụy trang trên mặt đất rất vất vả. Những ống kính camera chất lượng cao, mà tốt nhất là của người Đức, chụp lại mọi hình ảnh dưới mặt đất. Và vì các camera này chỉ chụp đen trắng nên việc lựa chọn kỹ càng màu sắc trong ngụy trang đã không còn phát huy tác dụng trong “phá nét” vật thể.
Do đó các chuyên gia ngụy trang đã phải sử dụng tới vải màn và lều bạt, rồi ngụy trang cẩn thận bằng cành lá và sơn lại cho phù hợp với thời tiết từng mùa. Họa sĩ theo trường phái ấn tượng Franz Marc, một người tiên phong trong lĩnh vực ngụy trang của Đức, đã trang trí những tấm bạt che pháo bằng các dạng chấm li ti giống như một sự pha trộn màu, mang lại tác dụng phá nét hiệu quả khi quan sát từ trên cao. Marc đã từng tạo ra một loạt chín kiểu bạt như vậy được sơn theo các phong cách của những họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như Edouard Manet, Wassily Kaninsky… Mặc dù vậy, ngụy trang cho các khẩu pháo trên chiến trường bằng vải màn và lều bạt khó hơn người ta tưởng. Vì khi khai hỏa từ một vị trí cố định, sức ép từ nòng pháo tạo ra một luồng hơi đặc thù dạng cánh quạt trên mặt đất ngay trước họng pháo. Đây là một dấu hiệu có thể dễ dàng nhận biết từ trên không.
Các tàu chiến sơn màu vằn trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất (tức toàn bộ tàu được bao phủ bằng những vệt và mảng màu trắng đen xen kẽ) dường như tạo hiệu ứng phản trực giác nhất trong kỹ thuật ngụy trang, khiến chúng trông nổi bật chẳng khác nào những con ngựa vằn trên đồng cỏ hơn là lẫn vào đại dương hay bầu trời. Tuy nhiên sơn màu vằn trên thực tế lại là một ví dụ hết sức rõ rệt về kiểu ngụy trang phá nét. Khi chỉ huy một tàu ngầm đời đầu của Đức quan sát mục tiêu qua kính tiềm vọng, thì kiểu sơn màu vằn sẽ tạo hiệu ứng thị giác biến mũi tàu thành đuôi tàu, làm nghiêng ngả các ống khói theo những phương hướng đối lập nhau, khiến một con tàu lớn trông giống hai con tàu nhỏ hơn hoặc một tàu tuần dương có vẻ giống một tàu vận tải. Màu vằn cũng che đậy các cấu trúc dọc của tàu, vốn là những đặc điểm cho phép đối phương tính toán khoảng cách.
Để tấn công, tàu ngầm chiến đấu cần xác định phương hướng di chuyển của mục tiêu, nhưng để làm được điều đó nhờ quan sát qua kính tiềm vọng bằng một bên mắt ở vùng biển động sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì diễn ra trong các bộ phim của Hollywood. Nhưng liệu ngụy trang bằng màu vằn có thực sự phát huy tác dụng? Trên thực tế, lợi ích lớn nhất của việc sơn màu vằn có vẻ là một yếu tố tâm linh đối với các tàu buôn. Nhiều người trong số họ coi ngụy trang là một lá bùa hộ mệnh tránh bị tàu ngầm tấn công. Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, các tàu chiến của Anh và Mỹ cũng có lúc sử dụng cách ngụy trang này, nhưng thực sự đó chỉ là một sự lãng phí sơn khi rađa và các oanh tạc cơ tuần tra tầm xa đã được sử dụng phổ biến vào thời kỳ đó.
Máy bay chiến đấu là nơi thuật ngụy trang được thể hiện rõ nét nhất trong nhiều thập kỷ liền, và các nhà tạo mẫu ngày nay ngồi hàng giờ đồng hồ để dùng súng sơn tạo ra vô số những mô hình và hình vẽ ba chiều được ứng dụng cho máy bay. Nhưng khi không quân giành được ưu thế trên không thì ngụy trang lại trở nên không phù hợp và chính sơn có thể khiến khung máy bay nặng thêm hàng trăm ký.
Trong những năm 1970, nghệ sĩ hàng không Keith Ferris, người nổi tiếng với tấm bích họa “Fortress Under Fire” (pháo đài dưới làn đạn) tại Bảo tàng hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ, đã được cấp bản quyền cho một hình vẽ ngụy trang đơn giản cho máy bay. Ông vẽ vòm kính khoang lái trên đuôi một chiếc máy bay chiến đấu. Về mặt lý thuyết, hình vẽ này sẽ đánh lừa phi công địch khiến hắn nghĩ rằng máy bay đang tiến về phía mình chứ không phải đang bay đi. Hiện chỉ có một số máy bay huấn luyện tác chiến của Không quân Mỹ và các máy bay McDonnell Douglas CF-18 Hornet của Không quân Canađa vẫn sử dụng kiểu vẽ này.
Huy Lê
Đón đọc kỳ cuối: Công nghệ của tương lai