Năm 1909, nhà thám hiểm địa cực người Đan Mạch Ejnar Mikkelsen bắt đầu thực hiện sứ mệnh tìm lại các bản đồ và bản ghi chép quan trọng về vùng lãnh thổ ở bờ Đông Bắc của Greenland. Nhưng ông không ngờ mình sẽ phải chờ đến ba năm mới có thể về nhà.
Trước đó, năm 1891, nhà thám hiểm Robert Peary đã phác thảo bờ biển phía Đông của Greenland và lập bản đồ về một con kênh ngăn cách hòn đảo mà ông gọi là Peary Land với đất liền, cho phép Mỹ đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này.
Động thái trên đã thôi thúc các nhà thám hiểm Đan Mạch thực hiện một chuyến thực địa đầy hiểm nguy nhằm bác bỏ yêu sách đó vào năm 1907. Tuy nhiên, đoàn thám hiểm của họ đã gặp nạn và làm thất lạc toàn bộ tư liệu quan trọng. Và hai năm sau, Ejnar Mikkelsen đã lên đường tìm kiếm chúng.
Tuy nhiên, tháng 8/1909, con tàu của Mikkelsen đã đâm phải băng và mắc kẹt giữa vùng biển lạnh cóng của Bắc Cực, cách nơi ông tin rằng những người tiền nhiệm của mình đã tử nạn khoảng 300km. Theo cuốn tự truyện “Two Against the Ice”, Mikkelsen bắt đầu cuộc hành trình cùng 5 người đàn ông khác, nhưng họ lại bỏ rơi ông và một người mới vào nghề ở vùng đất này hơn hai năm.
Kể từ khi được chuyển thể thành bộ phim “Against the Ice” của Netflix, tự truyện của Mikkelsen đã truyền tải được nỗi khó khăn trên chặng đường khám phá Bắc Cực vào đầu những năm 1900. Từ tê cóng, bệnh còi xương cho đến thú hoang dã săn mồi, Ejnar Mikkelsen và Iver Iversen đã phải vượt qua những thử thách kinh hoàng để tồn tại.
Tuổi trẻ phiêu lưu
Sinh năm 1880 tại Vester-Brønderslev, Đan Mạch, ông Ejnar Mikkelsen đã say mê biển từ khi còn là một đứa trẻ. Được nuôi dưỡng bởi những thế hệ từng liều mạng sống trong những chuyến thám hiểm gian khổ, tuổi thơ ông gắn liền với những câu chuyện về cuộc phiêu lưu ở Bắc Cực và những khám phá chưa từng có. Thám hiểm sớm trở thành một niềm đam mê mãnh liệt của Mikkelsen.
Mikkelsen tự ra khơi năm 14 tuổi nhưng vùng biển quanh đó không thể thoả mãn ônng. Hai năm sau, ông đi bộ 500km từ Stockholm đến Gothenburg để thuyết phục nhà thám hiểm người Thụy Điển Salomon August Andrée cho phép ông cùng tham gia chuyến bay khinh khí cầu đến Bắc Cực.
Mặc dù bị từ chối nhưng điều đó lại là may mắn của chàng trai trẻ Mikkelsen. Cuộc hành trình đầy hiểm nguy của Andrée đã kết thúc thảm khốc vào tháng 10/1897 khi khinh khí cầu của ông không đến được Bắc Cực. Cả ba người trên khí cầu đều thiệt mạng. Tuy nhiên, năm 1900, Mikkelsen đã được chào đón trên chuyến thám hiểm của Sir George Carl Amdrup đến miền Đông Greenland.
Mikkelsen và bốn người khác, trong đó có nhà địa chất học người Mỹ Ernest de Koven Leffingwell, đã kết thúc chuyến đi dài 800km vào năm 1902 bằng cách khảo sát một đường bờ biển nổi tiếng là khó tiếp cận. Năm sau đó, ông là người vẽ bản đồ trong chuyến thám hiểm của Evelyn Baldwin đến Franz Josef Land, một quần đảo Bắc Cực hiện được quân đội Nga sử dụng.
Năm 1906, cha của Leffingwell đã tài trợ cho một cuộc thám hiểm Bắc Cực để lập bản đồ về vùng đất mà những người săn cá voi đã phát hiện ở Biển Beaufort nằm phía Bắc Point Barrow, Alaska. Với kinh phí 5.000 USD và một chiếc thuyền buồm không động cơ, họ lên đường tìm vùng đất bí ẩn trên, song buộc phải dừng lại ở Đảo Flaxman cách mục tiêu chừng 350km.
Làm quen với những người Inuk Sachawachiak bản địa, họ học được cách lùa chó chạy trên băng và tiếp tục hành trình vào tháng 2 năm 1907. Sau khi vượt qua 300km trong vòng 60 ngày, bộ đôi tin rằng tuyến đường này quá nguy hiểm và quay trở lại. Lúc đó, con tàu của họ đã bị chìm. Trong khi Leffingwell ở lại nghiên cứu băng, Mikkelsen có những kế hoạch khác.
Tận dụng mọi cơ hội để trở về nhà, Mikkelsen đã vượt qua chặng đường 2.300km bằng việc đi bộ và sử dụng xe trượt tuyết. Ngày trở về của ông năm đó là lời báo trước cho sự xuất hiện của một nhà thám hiểm thực sự dày dạn kinh nghiệm, mặc dù thử thách lớn nhất của Ejnar Mikkelsen vẫn chưa đến.
Sứ mệnh tìm lại bản đồ đã mất ở Greenland
Đoàn thám hiểm người Đan Mạch xấu số năm 1907 - có sự tham gia của Ludvig Mylius-Erichsen, Niels Peter Hoeg-Hagen và Jorgen Bronlund - nhằm chứng minh rằng Greenland là một hòn đảo thống nhất duy nhất thuộc về Đan Mạch.
Nhưng trên đường đi, họ lại dựa vào bản đồ của Robert E. Peary về phía Đông Bắc Greenland, trong đó có giả thuyết "Kênh Peary" chia khu vực này thành hai. Bị nhầm lẫn bởi các bản đồ chưa hoàn thiện, những người đàn ông này đã bị lạc ở Bắc Cực và mắc kẹt trong băng.
Trong khi thi thể của Bronlund được tìm thấy vào năm 1908 cùng với bản đồ và nhật ký của ông thì thi thể của hai người đồng hành Mylius-Erichsen và Hoeg-Hagen không bao giờ được tìm thấy. Là một nhà thám hiểm đồng hương, Ejnar Mikkelsen không thể phớt lờ lời đề nghị tài trợ của ông trùm báo chí Anh Lord Northcliffe về một cuộc thám hiểm xác định vị trí của họ.
Tuy nhiên, vì lòng yêu nước, Mikkelsen yêu cầu chuyến đi phải được tài trợ bằng tiền của Đan Mạch. Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ một nửa chi phí và để công chúng quyên góp phần còn lại. Mikkelsen đã chọn một thủy thủ đoàn gồm sáu người và một chiếc thuyền buồm nặng 45 tấn mang tên Alabama chạy động cơ 15 mã lực. Con thuyền rời Copenhagen vào ngày 20/6/1909. Trên đường đến Greenland, thuyền Alabama dừng lại ở Iceland để đón người thợ máy trẻ tuổi tên Iver Iversen, thế chỗ cho một thành viên trong đoàn.
Khi đến quần đảo Faroe, đoàn thám hiểm gặp phải trở ngại đầu tiên. Họ dự định dùng chó lái xe để vượt qua những vùng băng ở Greenland, nhưng những con vật họ có lại bị nhiễm bệnh dại. Lịch trình đến Greenland bị trì hoãn cho đến cuối tháng 8.
Vào cuối mùa hè năm đó, thuyền gỗ Alabama đâm trúng băng ở gần đảo Shannon và không thể hoạt động được nữa. Vào ngày 27/8/1909, Mikkelsen buộc phải cho thủy thủ đoàn của mình trú tạm trên đất liền, cách địa điểm Mylius-Erichsen báo cáo đã trú đông trước khi chết hơn 300km.
Vào ngày 25/9, Ejnar Mikkelsen và Iver Iversen lên đường thăm dò trong khi các thành viên còn lại ở lại. Sau khi tìm thấy thông tin rằng đoàn của Mylius-Erichsen đã đi xa hơn thế về phía Bắc, họ quay trở lại vị trí của tàu Alabama vào mùa Đông, quyết tâm lên đường vào mùa Xuân năm sau.
Đương đầu với băng giá
Như lời kể cuốn sách “Lost in the Arctic” năm 1913 của mình, Ejnar Mikkelsen và Iver Iversen rời tàu một lần nữa vào tháng 3/1910. Đến tháng 5, bộ đôi này đã tìm thấy nhật ký của Mylius-Erichsen và xác nhận rằng kênh Peary không tồn tại. Tuy vậy, cuộc đấu tranh sinh tồn của họ lại vừa mới bắt đầu.
Mùa hè đã đến, và lớp băng mà họ từng băng qua bằng xe trượt tuyết đang tan nhanh. Họ mất 8 tháng mới quay lại được con tàu. Trên đường đi, họ đã phải ăn thịt những con chó kéo xe để tồn tại và bị ảo giác mỗi ngày.
Đáng buồn khi quay trở lại Alabama, họ phát hiện mình đã bị những người bạn cùng tàu bỏ rơi. Họ rời đi khi gặp tàu khác ngang qua. Ejnar Mikkelsen và Iver Iversen buộc phải chịu đựng thêm hai mùa đông nữa ở Greenland, sống sót bằng những phần ăn mà họ nhặt được từ các đoàn thám hiểm trước và trốn tránh thú săn mồi.
Họ đã tháo ván gỗ của thuyền Alabama để xây dựng một ngôi nhà nhỏ trên đảo Shannon. Khi dường như mọi niềm hy vọng đều biến mất, hai người đàn ông đã được tàu hơi nước Na Uy Sjoblimsten giải cứu vào ngày 19/7/1912.
Không nản lòng với những cuộc phiêu lưu, nhà thám hiểm người Đan Mạch này lại dẫn đầu một cuộc thám hiểm đến vùng Sermersooq ở phía Đông Greenland năm 1924 và định cư lại. Đây là một trong những nơi có người sống xa xôi nhất trên Trái đất và có không quá 345 cư dân.
Năm 1932, ông dẫn đầu một thủy thủ đoàn gồm 8 người thực hiện chuyến thám hiểm Đông Greenland lần thứ hai để làm rõ khu vực địa chất giữa Cape Dalton và Kangerdlugsuak.
Và bất cứ nơi nào Mikkelsen đến, ông đều kể lại cuộc phiêu lưu gian khổ của mình vào những trang sách. Một trong số đó hiện đã được dựng thành bộ phim “Against the Ice” công chiếu ngày 2/3/2022.
Vào sinh nhật lần thứ 90 của Ejnar Mikkelsen năm 1970, ông đã được Chính phủ Đan Mạch trao tặng huân chương quốc gia. Ông qua đời chỉ vài tháng sau đó. Với việc một tàu tuần tra của Đan Mạch và dãy núi ở Greenland được đặt tên theo ông, Mikkelsen thực sự đã trở thành hình tượng nhà thám hiểm lừng danh mà ông hằng mơ ước khi còn nhỏ.