Những người hùng sau siêu bão Katrina (phần cuối)

Tình trạng bạo lực không chỉ xảy ra tại các nơi tránh bão như trung tâm hội nghị hay khu Superdome mà còn lan ra cả thành phố, kể cả những khu vực không bị ngập như khu vực Algiers của New Orleans nằm bên bờ tây sông Mississippi.


Huy hiệu của cảnh sát New Orleans.


Trung úy Joe Meisch cùng ba đồng nghiệp phụ trách quận 4 đã tóm được 16 kẻ cướp phá tại một cửa hàng Wal-Mart. Họ hết còng tay và phải dùng đến băng dính lấy trong cửa hàng để dẫn giải tội phạm.


Trong khi đó, cảnh sát Kevin Thomas và đồng nghiệp đã đụng phải 4 tên cướp có súng tại một trạm xăng. Trong cuộc đấu súng, Thomas đã bị một tên bắn vào đầu nhưng may mắn sống sót. Cả bốn tên đều bị lực lượng an ninh bắt giữ sau đó.


Ở nhiều khu vực khác, cảnh sát đã mất kiểm soát hoàn toàn ở một số quận. Một trong số đó là quận 1. Chỉ vài giờ sau khi bão Katrina đi qua, một cuộc đấu súng đã nổ ra quanh đồn cảnh sát ở quận này. Trực thăng bay trên khu vực quận này cũng bị nã đạn. Trung sĩ Scanlan nói: “Cứ như là ở Somalia. Chúng tôi đêm nào cũng phải đấu súng”.


Phần lớn đạn được nã từ tòa nhà thuộc dự án Iberville của chính phủ cách đó vào đồn cảnh sát. Sau ba đêm liên tục, Scanlan cảm thấy mệt mỏi với các cuộc đấu súng. Anh quyết định làm một điều gì đó để chấm dứt tình trạng căng thẳng này. Scanlan trèo lên nóc một bệnh viện 5 tầng gần đồn cảnh sát, mang theo súng. Trời tối om, chỉ có ánh sáng mờ ảo từ mặt trăng và các tòa nhà đang bốc cháy phía xa.


Gần nửa đêm, Scanlan nghe thấy tiếng súng và anh chộp vội súng của mình. Khi phát hiện ra nơi nã súng, Scanlan đã chĩa súng về phía đó, bắn chừng 10 tràng liên tục. Hành động của anh đã có tác dụng. Sau đêm đón, đồn cảnh sát không còn phải hứng đạn từ tòa nhà Iberville.


Trong một vụ khác, các nhân viên thuộc Sở cảnh sát New Orleans đã đấu súng ác liệt để bảo vệ thuyền của đội tình nguyện viên cứu trợ bị một nhóm du côn tấn công trên cầu Danziger. Ba tên đã bị bắn chết, 4 tên bị thương sau cuộc rượt đuổi gay cấn.


New Orleans chìm trong biển nước sau bão Katrina.


Khi thông tin về vụ đấu súng truyền về trung tâm chỉ huy, mọi người đã rất hoan hỉ dù đang kiệt sức vì công việc. Họ coi đây là dấu hiệu cho thấy Sở cảnh sát New Orleans đang giành lại quyền kiểm soát thành phố.


Công việc Sở cảnh sát New Orleans đã làm để duy trì trật tự sau cơn bão quả thật phi thường, đặc biệt là trong bối cảnh 80% trong tổng số 1.500 nhân viên của sở mất nhà cửa do bão Katrina. Nhiều người không may đã mất toàn bộ những gì họ có, gia đình và tài sản, sau cơn bão. Hai nhân viên thậm chí còn tự sát vì không vượt qua được mất mát. Không có thảm họa nào lại gây nhiều đau thương cho Sở cảnh sát New Orleans như cơn bão Katrina khi có quá nhiều nhân viên cảnh sát mất nhà, ly tán người thân.


Tuy vậy, theo đánh giá của Sở cảnh sát New Orleans, khoảng 90% nhân viên sở đã không bỏ nhiệm vụ, thực hiện đúng chức trách của mình, thậm chí còn làm được nhiều việc ngoài bổn phận. Những nhân viên bám trụ với công việc sau cơn bão Katrina đã được trao tặng huy hiệu bão Katrina để cài trên đồng phục. Huy hiệu có hình ngôi sao và trăng lưỡi liềm, còn biểu tượng cơn bão Katrina nằm ở trung tâm ngôi sao.


Đại úy Robert Norton đã dành những lời ca ngợi tốt đẹp cho những nhân viên cảnh sát của sở. Anh nói: “Những cảnh sát không biết gia đình mình hiện ở đâu, không liên lạc được với người thân nhiều ngày nhưng họ vẫn gồng mình hoàn thành nhiệm vụ cứu người… Những hành động của họ thật anh hùng”.

 

Thùy Dương

Những người hùng sau siêu bão Katrina
Những người hùng sau siêu bão Katrina

Không chỉ nhân viên mà các chỉ huy trong Sở cảnh sát New Orleans cũng tham gia hoạt động cứu nạn bằng thuyền. Đại úy Tim Bayard, chỉ huy đội phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội của sở, đã cùng một nhóm cảnh sát đi tìm người sống sót sau cơn bão.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN