NGƯỜI PHỤ NỮ ÍT HẠNH PHÚC NHẤT
Gia đình Hetty theo đạo Quaker (còn gọi là Hiệp hội tôn giáo các tín hữu) và bà được nuôi dưỡng trong niềm tin về giá trị sống tằn tiện và tiết kiệm.
Hetty theo học một trường nội trú dành cho các cô gái Quaker, cả xuất thân giàu và nghèo. Nhà trường về cơ bản đã sử dụng các cô gái nhà giàu có để trợ cấp cho các cô gái nghèo, nhưng dành sự chăm sóc tương tự cho cả hai với hy vọng dạy cho các cô gái giàu có lòng từ thiện và khiêm tốn. Nhưng với trường hợp của Hetty, họ chỉ dạy được cô một điều rằng, người ta có thể sống chỉ cần một chút ít vật chất, và số còn lại là để dành.
Bủn xỉn đến mức nhẫn tâm
Tính cách bủn xỉn đến mức bần tiện của Hetty đã bộc lộ từ rất sớm. Khi người cô là Sylvia Howland qua đời năm 18, di chúc tặng 2 triệu USD cho quỹ từ thiện, Hetty vô cùng tức giận. Bà làm giả di chúc và kiện ra tòa, cho rằng mình sở hữu một bản di chúc người cô viết trước đó để lại toàn bộ gia sản cho mình. Tuy nhiên, tòa án sau đó xác định di chúc có chữ ký của Sylvia là giả và Hetty thua kiện. Nhưng đó chỉ là một trong rất ít lần thua thiệt mà bà cho phép xảy ra trong đời mình.
Tính hà tiện còn biến Hetty Green trở thành con người nhẫn tâm đến độc ác. Là tỉ phú giàu nhất nước Mỹ, nhưng hai đứa con của bà phải sống “nghèo khổ” cùng mẹ. Sylvia không phải là một cô gái xinh đẹp, cô bé chỉ được mặc quần áo cũ và có rất ít bạn. Cô ngủ cạnh mẹ trên chiếc giường nhỏ chật chội.
Còn cậu con trai Ned thì trở thành nạn nhân bi thảm của mẹ. Ở tuổi thiếu niên, Ned bị xe trượt tuyết cán phải chân. Người mẹ giàu có đã không cho con đi chữa chạy ở bệnh viện tốt nhất mà đưa cậu bé đến một bệnh viện miễn phí dành cho người nghèo để đỡ tốn tiền. Hetty bị bác sĩ nhận ra và họ đòi bà phải thanh toán chi phí. Với thói bủn xỉn đến nhẫn tâm, Hetty quyết định rằng chân của con trai có thể tự khỏi, chỉ cần có thời gian cộng thêm liệu pháp chữa trị tại gia bằng "dầu hành biển" mà bà thường dùng. Chân của Ned ngày càng nặng hơn, và sau lần câu bé bị ngã ở cầu thang khi đến thăm bố, ông Edward nhận ra mức độ nghiêm trọng của chấn thương và lập tức gọi bác sĩ. Cậu bé khi đó đã bị nhiễm trùng nặng đến mức phải cưa chân, và chính người cha của cậu đã trả tiền chứ không phải bà mẹ bủn xỉn Hetty.
Tình duyên trắc trở
Tình yêu không phải là thứ có thể kiểm đếm trong văn phòng, và Hetty khá chật vật với nó. Cho rằng vây quanh mình toàn là những kẻ đào mỏ, Hetty không bao giờ tin tưởng ở những người đàn ông bày tỏ tình cảm với bà. Tới năm Hetty 33 tuổi, một doanh nhân có gia sản khiêm tốn đã ngỏ lời cầu hôn bà. Đó là Edward Henry Green, một đối tác kinh doanh của cha Hetty, hơn bà 12 tuổi. Cô gái đồng ý kết hôn sau khi đã ký một bản hợp đồng tiền hôn nhân ghi rõ người chồng không có quyền thừa hưởng tài sản của vợ. Vợ chồng Hetty chuyển tới Anh sống vài năm và có với nhau hai người con là Ned và Sylvia.
Lấy một người vợ giàu có nhưng ông Edward không được hưởng một điều kiện gì sung túc hơn trước. Hetty tìm mọi cách duy trì độc lập tài chính giữa hai vợ chồng và căng thẳng đã khiến Edward phải chuyển ra khỏi nhà. Ông nhanh chóng làm ăn sa sút. Trong khi đó Hetty từ chối mọi sự giúp đỡ, và chỉ chu cấp cho chồng trong những tháng ông hấp hối cuối đời. Sau cái chết của ông Edward, Hetty chỉ mặc duy nhất một chiếc váy đen của phụ nữ góa trong suốt những năm còn lại, khiến sự xuất hiện của bà ở Phố Wall trông thật đáng sợ và bà bị gán cho biệt danh “phù thủy Phố Wall” kể từ đó.
"Một lũ cướp"
Công bằng mà nói, tính keo kiệt của Hetty áp đặt lên chính bản thân bà. Ngay từ những năm từ Anh trở về Mỹ, Hetty đã nổi tiếng với thói hà tiện, bủn xỉn. Bà luôn mặc cả từng xu mọi món đồ mua ở cửa hàng. Vào mùa đông rét mướt, thay vì mua áo ấm, Hetty lót nhiều lớp báo bên trong váy để giữ ấm. Bà dùng lại những phong bì thư cũ và chây ì trả tiền thù lao cho các luật sư, bác sĩ.
Sau 20 năm chịu đựng chứng thoát vị, cuối cùng bà mới để bác sĩ Henry Pascal khám cho mình vào năm 1915. Khi bệnh nhân tụt váy để lộ đồ lót “cũ và bẩn”, ông Pascal mới nhận ra bà thực sự bị thoát vị quá nặng. Bác sĩ Pascal thông báo với bệnh nhân rằng chứng thoát vị nghiêm trọng của bà cần phải phẫu thuật khẩn cấp. Khi được thông báo chi phí là 150 đôla, bà quắc mắt lên quát bác sĩ: “Ông cũng vậy thôi! Một lũ kẻ cướp!”, rồi bỏ ra khỏi phòng khám.
Tính keo kiệt một cách quái đản của Hetty càng trở nên nặng hơn theo tuổi tác. Bà liên tục thay đổi chỗ ở, tới những căn hộ chật chội, không lò sưởi. Việc di chuyển chỗ ở thường xuyên là nhằm tránh khỏi “tai mắt” của cả báo chí lẫn những nhân viên thu thuế. Hetty tin rằng, nhờ di chuyển nhà, thay đổi hành trình đến chỗ làm liên tục, bọn cướp hoặc những kẻ bắt cóc sẽ khó gây chuyện với bà. Hetty đặc biệt cảm thấy bất an khi ngủ ở một nơi lạ. Lúc nào bà cũng đeo đủ loại chìa khóa tủ tiền ở các ngân hàng khác nhau thành một chuỗi quanh cổ, và đặt một khẩu colt xoay bên canh khi ngủ.
Khi về già, Hetty Green trở nên thích thú với việc phát ngôn trước công chúng. Những cuộc trả lời phỏng vấn là cơ hội để thế giới nghe những lời biện bạch của “phù thủy Phố Wall” trước những chỉ trích của thế gian. “Tôi không phải là một phụ nữ khó khăn gì”, bà nói với một phóng viên. “Nhưng vì tôi không có một thư ký để thông báo mọi hành động mà tôi thực hiện, tôi bị coi là khép kín, nhỏ mọn và bủn xỉn. Tôi là một tín đồ Quaker, và tôi đang cố gắng sống theo đức tin của đạo. Đó là lý do tôi ăn mặc đơn giản và sống kín tiếng. Không một cách sống nào khác làm tôi hài lòng”.
Dù vậy, tạp chí Broadway Magazine đã bình chọn bà là “người phụ nữ ít hạnh phúc nhất”.
Hetty qua đời vào năm 1916, khi bà 81 tuổi. Cậu con trai Ned đã cố gắng làm cho hình ảnh của mẹ tốt đẹp hơn khi nhắc đến nhiều quỹ từ thiện mà bà lập ra, dù trên thực tế không có một quỹ nào như vậy.
Những đứa con nổi loạn
Ned và Sylvia đi theo hai con đường khác nhau khi họ nhận được những di sản của mẹ. Sylvia, sau khi cưới một người chồng cũng sống tằn tiện, thì không có nhiều thay đổi. Nhưng Ned thì cưới một cô gái làng chơi tên là Mabel mà mẹ anh từng rất ghét. Họ sống xa hoa, tiêu xài hoang phí tiền bạc như để bù lại cả tuổi xuân bị người mẹ kìm kẹp. Hai người xây biệt thự lớn, mua cả một hòn đảo riêng, thậm chí còn đóng một du thuyền lớn nhất thời đó.
Ned còn mở một kênh phát thanh khoa học tại điền trang của mình ở Round Hill, cho phép trường MIT (Viện Công nghệ Massachusetts) sử dụng thiết bị để nghiên cứu. Khi qua đời năm 1936, Ned vẫn giữ được tài sản gia đình còn khá tươm tất, và để lại phần lớn cho người em gái Sylvia.
Nhưng một phụ nữ kém hấp dẫn, sống khép mình như Sylvia thì biết làm gì khi trở thành một trong những người giàu nhất hành tinh? Bà đã thực hiện một hành động có lẽ là nổi loạn nhất và duy nhất trong đời: Đó là tặng toàn bộ gia sản, trị giá khoảng 443 triệu USD cho quỹ từ thiện khi qua đời vào năm 1951.
Xem Kỳ 1: Xây dựng gia tài tỉ đô