Đại tướng Lê Trọng Tấn là vị tướng trận mạc. Ông luôn có mặt ở những chiến trường khó khăn, nóng bỏng nhất, có khả năng xoay chuyển cục diện của chiến tranh. Đội quân do ông chỉ huy luôn “biểu trưng cho những quả đấm thép của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Ông được cán bộ, chiến sĩ yêu mến gọi là “Zukov của Việt Nam”.
Tài năng quân sự sớm hé lộ
Đại tướng Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố, sinh ngày 1/-10/1914 ở làng Yên Nghĩa, thôn An Định, (nay thuộc xã Nghĩa Lộ, huyện Hoài Đức, Hà Nội). |
Thời niên thiếu, Lê Trọng Tố theo học trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) bằng sự tần tảo của người mẹ sau khi cha mất sớm. Cậu Tố học giỏi, say mê võ nghệ và bóng đá. Không quân Pháp ở Đông Dương thấy tài bóng đá của Lê Trọng Tố nên đã mời cậu vào đội bóng đá như một “cầu thủ ngoại”. Cũng vì thế nên Lê Trọng Tố buộc phải đăng lính “khố đỏ” và phục vụ tại đơn vị đồn trú gần sân bay Tông (Sơn Tây).
Từ năm 1944, Lê Trọng Tố hoạt động cách mạng với tên Lê Trọng Tấn. Tháng 8/1945, ông là Ủy viên quân sự của Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông và sau đó trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông đã dùng mưu kế, chỉ huy đội tự vệ chiếm đồn Đồng Quan trong vài phút chỉ với hai khẩu súng, không mất một viên đạn. Việc hạ đồn Đồng Quan thành công ngoài tác động gây thanh thế cho cách mạng, lấy thóc cứu đói cho dân cũng đã hé lộ phẩm chất của một tài năng quân sự lớn - Lê Trọng Tấn.
“Zukov của Việt Nam”
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Lê Trọng Tấn là trung đoàn phó rồi trung đoàn trưởng các trung đoàn: Sơn La, Sơn Tây, quyền khu trưởng Khu XIV, khu phó Liên khu X. Năm 1950, ở tuổi 36,Lê Trọng Tấnlà Đại đoàn trưởng đầu tiên của đại đoàn 312-đại đoàn Chiến thắng. Ở Điện Biện Phủ, đại đoàn 312 do ông chỉ huy đánh trận mở màn Him Lam (13/3/1954) thắng lợi.Kết thúc chiến dịch (7/5/1954), đơn vị của ông lại lập công bắt sống tướng De Castries và toàn bộ ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm.Năm 1959, Lê Trọng Tấn được phong quân hàm Đại tá. Tháng 9-1964, ông được đặc phái vào Nam nhận nhiệm vụ Phó tư lệnh Quân giải phóng miền nam với bí danh Ba Long.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Tư lệnh Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào Lê Trọng Tấn (ngoài cùng, bên phải) sau chiến thắng tháng 2/1971. Ảnh tư liệu |
Lê Trọng Tấn là vị tướng có sự nhạy cảm quân sự đặc biệt. Đầu năm 1971, địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, tiến ra Đường số 9 và Nam Lào, nhằm chặn phá đường Hồ Chí Minh. Bộ chỉ huy địch ngạo mạn tuyên bố: “Sẽ đón các nhà báo quốc tế tại Sê Pôn”. Ta chủ động mở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào do Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh và Lê Quang Đạo làm Chính ủy. Trong cuốn “Người lữ hành lặng lẽ”, nhà văn Hữu Mai thuật lại câu chuyện: Khi hai ông nghe Cục phó Cục tuyên huấn Hồng Cư báo cáo: Chính quyền Sài Gòn hủy bỏ kế hoạch đưa phóng viên báo chí phương Tây đến Sê Pôn. Lê Trọng Tấn suy nghĩ rồi khẳng định: “Địch sắp rút!”. Ông quyết đoán chỉ đạo: “Phải chuẩn bị đánh địch rút lui!”, chỉ huy bộ đội ta dồn dập tiến công. Đúng như nhận định của ông, 10 ngày sau đó (18/3/1971), địch bỏ Bản Đông tháo chạy. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 bị đập tan.
Trong cuộc Tổng tấn công Xuân 1975, tướng Lê Trọng Tấn là Tư lệnh chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ông đã chỉ huy tấn công và làm chủ Đà Nẵng, đánh tan Quân đoàn 1, Quân khu 1 của địch với 10 vạn quân và vũ khí hiện đại chỉ trong ba ngày. Với sự nhạy cảm đặc biệt của mình, ông đề nghị Bộ Tổng Tư lệnh thành lập cánh quân duyên hải. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, tướng Lê Trọng Tấn đã chỉ huy cuộc hành quân thần tốc đưa 4 vạn bộ đội, hàng nghìn xe pháo các loại, xuyên qua ba quân khu của địch, vượt 50 con sông, 600 cầu, tạo áp lực lớn trên hướng đông Sài Gòn. Lại một lần nữa, bằng óc phán đoán và phân tích chiến lược chính xác, ông đề nghị cho cánh quân của mình nổ súng trước giờ G làm cho đối phương không kịp co cụm hay phá hủy cầu. Những chiếc xe tăng đầu tiên thuộc Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 trong cánh quân của ông đã tiến vào cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập lúc 11h ngày 30/4/1975.
Đại tướng Lê Trọng Tấn được coi là một trong những tướng đánh trận giỏi nhất Việt Nam. Ông luôn được tin cậy giao các nhiệm vụ hệ trọng trên chiến trường, và nổi tiếng là con người tài năng, cương trực, quyết đoán. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Lê Trọng Tấn là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”.
Trái tim nhân nghĩa
Với sĩ quan thuộc cấp, ông chân thành thương yêu nhưng không cho phép sai sót. Với ông xương Đại tướng Lê Trọng Tấn còn là Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp (1976 - 1977), Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1978 - 1986), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1978 - 1986).
Ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IV và V (từ 1976 đến 1986), đại biểu Quốc hội khóa VII (1981 - 1987). |
máu của chiến sĩ là vô giá và ông luôn thận trọng tìm ra cách đánh ít tổn thất nhất. Ông không bao giờ chấp nhận câu nói: “Trận này ta thiệt hại không đáng kể”. Mỗi khi có thời gian và điều kiện, ông trở lại chiến trường, đến các nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ. Không ít lần, mắt ông đã đỏ hoe vì xúc động, thương tiếc đồng đội. Nhiều sĩ quan cao cấp dành những lời lẽ đẹp nhất cho ông: "trí-dũng-nhân-chính-liêm-trung", "rộng lượng và hào hiệp", "tài năng, cương trực", "đức độ, tài ba", "quyết đoán, nhân nghĩa".
Ngày 5/12/1986, Đại tướng Lê Trọng Tấn đột ngột từ trần. Đồng chí, đồng đội và bạn bè quốc tế bàng hoàng, thương tiếc một vị tướng tài ba, đức độ.
Báo Granma của Đảng Cộng sản Cuba đăng trên trang nhất tin buồn với dòng chữ lớn: “Việt Nam mất một người anh hùng”.