BÍ ẨN SỰ SỐNG TRÊN CÁT
Giữa vùng sa mạc Syria khô cằn, thành phố cổ đại Palmyra với 200.000 dân vẫn sinh sôi phát triển như một lời thách đố để nhiều thế hệ về sau, các nhà khảo cổ học vẫn đau đầu đi tìm lời lí giải đâu là “suối nguồn” của Palmyra.
Nền nông nghiệp sa mạc
Để khám phá bí ẩn của Palmyra, năm 2008, nhà khảo cổ học Jorgen Christian Meyer thuộc Đại học Bergen (Na Uy) đã bắt đầu hành trình đi tìm sự thật bị nắng, gió và cát sa mạc bao phủ qua nhiều thế kỷ. Cuộc khảo sát kéo dài bốn năm do ông đứng đầu diễn ra trên khu vực có diện tích 104 km2 ở phía bắc Palmyra, vùng đất với địa hình đồi núi có nguồn nước quý giá đổ vào các lòng suối, tạo tiền đề cho sự phát triển hơn của nông nghiệp so với những địa điểm khác.
Nơi từng là giếng nước của Palmyra cổ đại. Ảnh: National Geographic |
Kết hợp khảo sát thực địa và sử dụng ảnh chụp vệ tinh, các nhà khảo cổ học cuối cùng đã tìm thấy hơn 20 ngôi làng làm nông nghiệp nằm cách thành phố chỉ vài ngày đi bộ. Ở phía Tây Palmyra, các nhà khoa học trước đó cũng đã tìm thấy 15 điểm định cư có quy mô nhỏ hơn. Theo nhà khảo cổ học Meyer, phát hiện quan trọng nhất của các nhà nghiên cứu là việc tìm thấy dấu vết của mạng lưới các hồ chứa và kênh nhân tạo có quy mô lớn được người Palmyra cổ đại dùng để tích trữ nguồn nước mưa do các cơn bão mang đến.
Tỉ mẩn làm việc với đất cát sa mạc, các nhà khoa học cũng phát hiện thấy khu vực quanh thành phố có dấu hiệu về hoạt động canh tác quy củ và có khả năng các loại cây ô liu, sung, hạt dẻ cười từng được trồng nơi đây. Ghi ghép của người La Mã cũng từng nhắc đến những loại nông sản này và đây cũng là những loại cây vẫn được trồng phổ biến ở Syria ngày nay. Trong khi đó, qua nghiên cứu gạch bùn ở khu vực, các nhà khoa học còn phát hiện ra lúa mạch từng là một trong những loại cây được gieo trồng ở ốc đảo sa mạc này.
Lý giải việc người Palmyra cổ đại có thể trồng trọt trong môi trường sa mạc khô cằn, người ta thường cho rằng vào thời điểm đó, khí hậu ít khắc nghiệt hơn so với ngày nay. Tuy nhiên, nhà khảo cổ học Meyer không nghĩ như vậy mà ông cho rằng, cuộc tranh luận liên quan đến biến đổi khí hậu đã tồn tại từ thời cổ đại. Một số nhà nghiên cứu còn dùng sự thay đổi của khí hậu để giải thích nhiều vấn đề, trong đó có cả sự sụp đổ của các đế chế. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến đồng tình là nhìn chung kể từ thời cổ đại, khí hậu Trái Đất không có sự thay đổi đột biến nào. Do đó, sự khéo léo chính là yếu tố giúp người cổ đại thay đổi “cuộc chơi” nông nghiệp trên “bàn cờ” sa mạc khô hạn.
Nhà hát La Mã của thành cổ Palmyra. Ảnh: National Geographic |
Dù phía bắc Palmyra là một khu đồng hoang khô hạn, nhưng nếu nơi đây được con người đầu tư cả thời gian và công sức để kiểm soát các nguồn tài nguyên, vùng đất này hoàn toàn có tiềm năng lớn với nông nghiệp. Theo tính toán của nhà khảo cổ học Meyer, cư dân cổ đại ở đây đã tìm ra cách tích trữ lượng mưa trung bình hằng năm từ 12 - 15 cm và phân phối nguồn nước này phục vụ nông nghiệp. Những bằng chứng khảo cổ học chỉ ra rằng hệ thống này tồn tại đến khoảng năm 700, vào khoảng thời kì hậu La Mã. Đây cũng là thời điểm thành cổ Palmyra bắt đầu trở thành nơi hoang tàn.
Những kết quả thu được từ cuộc khảo sát do nhà khảo cổ học Meyer tiến hành đã làm giới học giả thay đổi cách nhìn về thành cổ Palmyra. Bức tranh về một Palmyra tự cung tự cấp cũng giúp lí giải vị trí quan trọng của thành phố cổ đại này, bất chấp nằm giữa sa mạc đầy bất lợi, vẫn là một trung tâm phân phối, giao thương. Nhà khảo cổ học Cynthia Finlayson, một học giả nghiên cứu về Palmyra tại đại học Brigham Young ở Utah (Mỹ), cho hay, trong bối cảnh các nhà khảo cổ học chỉ tập trung vào “những tòa nhà tinh xảo” và bỏ sót những câu chuyện khác của xã hội thì công việc của nhà khảo cổ học Meyer đã giúp “lấp đầy nhiều khoảng trống”.
“Thiên đường trốn thuế”
Băng qua Ấn Độ Dương hoặc Vịnh Ba Tư trong hành trình rời châu Á, một khối lượng không nhỏ các kiện hàng hướng đến châu Âu được chuyên chở trên dòng Euphrates, một trong hai dòng sông tạo nên vùng Lưỡng Hà trứ danh. Sau khi được bốc dỡ, hàng hóa được vận chuyển tiếp qua Syria trên con đường đi qua thành cổ Palmyra để đến hệ thống các cảng biển Địa Trung Hải.
Nếu không đi về hướng Palmyra, từ sông Euphrates, đoàn người và hàng có thể hướng lên phương Bắc đến khu vực ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ hoặc dọc theo Biển Đỏ hướng lên sông Nile. Mặc dù không phải là tuyến đường trực tiếp và thậm chí không nhanh bằng các ngả đường khác, nhưng lộ trình rong ruổi trên lưng lạc đà qua Palmyra vẫn là lựa chọn của các đoàn thương nhân cổ đại. Câu trả lời cho lựa chọn này, theo ông Meyer, nằm ở hai điểm: lợi nhuận và các nông trại quanh thành phố cổ đại này. 2.000 năm trước, Palmyra cổ đại nằm trong một khu vực hỗn loạn, phía Tây là lực lượng La Mã và phía đông là lực lượng của đế chế Parthia, Ba Tư. Trong bối cảnh các vương quốc nhỏ nằm dọc dòng Euphrates đều thu phí đi lại nhiều lần, tuyến đường Palmyra được giới thương nhân coi là điểm sáng với một chặng dừng duy nhất và chỉ phải trả phí một lần. Do đó, Palmyra có thể được coi là “thiên đường trốn thuế” thời cổ đại.
Bên cạnh đó, những cánh đồng nằm quanh Palmyra có khả năng cũng là lí do khiến tuyến đường này trở nên hấp dẫn hơn với các đoàn thương nhân. Theo giả thuyết của ông Meyer, vào giai đoạn này những người nông dân bản địa đã có giao kèo với những người chăn nuôi gia súc sống cuộc sống nay đây mai đó. Những con lạc đà khỏe mạnh, sẵn sàng tham gia hành trình vận chuyển hàng hóa cùng đàn cừu sẽ được mang đến Palmyra. Tại đây, họ được cung cấp nước, trong khi đàn gia súc kiếm ăn trên đồng sau thời điểm thu hoạch. Trên vùng đất sa mạc, đàn gia súc thể hiện sự biết ơn với Palmyra cổ đại bằng cách góp sức làm cho những cánh đồng trở nên màu mỡ hơn để những người nông dân bản địa chuẩn bị cho những mùa vụ mới.