Chân dung trung tá Seagrim. |
Thế là, trọng trách lại được trao cho Thiếu tá Pendred. Ông thuật lại “quân Đức bắn tỉa và nã súng cối vào chúng tôi. Tôi chỉ còn cách liều mình băng qua khu vực trống trải rộng khoảng 100 mét. Tôi bị trúng đạn nhưng vẫn đến được nơi và báo cáo tình hình cho Trung tá Seagrim”.
Trung tá Seagrim vẫn hết sức thản nhiên trước cơn nguy khốn, điềm tĩnh ngồi trên một trong những chiến hào vừa chiếm được của địch. Sau khi thoáng nhận ra tình hình, ông bảo người sứ giả bị thương ở nguyên vị trí, trong khi những binh sĩ sống sót của Đại đội A phải tiếp tục oằn mình chiến đấu và bám trụ vị trí. Pendred thừa nhận Trung tá Seagrim khó có thể làm gì khác. “Chúng tôi nằm rạp xuống, đạn súng cối thì nã dồn dập xung quanh, có khi còn rơi trúng bờ công sự và các tay súng bắn tỉa thì lăm le hạ gục bất cứ kẻ dại dột nào ngóc đầu lên”, ông nói.
Cũng may mà đối phương đã bị tổn thất nghiêm trọng đến mức đòn phản công của họ mất uy lực và không thể phá vỡ các phòng ngự của Tiểu đoàn số 7. Trong thời gian còn lại của ngày hôm đó, Tiểu đoàn số 7 “gần như bị giam hãm trong công sự Bastion”. Bị cô lập với thế giới bên ngoài do hệ thống liên lạc không dây bị lỗi và một bức màn lửa ngăn cản bước tiến của viện binh, nhóm của Seagrim buộc phải ngồi đợi trong cảnh đạn pháo và súng cối nổ liên hồi trước khi quân tiếp viện đến vào nửa đêm.
Tấm bia mộ bằng gỗ ban đầu ở nơi chôn cất Seagrim. |
Cuộc rút lui sau đó không lấy gì làm suôn sẻ. Vị trí mà họ phải nhọc nhằn chiến đấu để kiểm soát và cố thủ đang bị bắn phá liên tục trong khi họ rút về đoạn hào chống tăng ngổn ngang đất đá nơi cuộc đột kích hơn 24 tiếng trước đó gần như thất bại. Bị oanh tạc cấp tập vào một khu vực, các binh sĩ rút lui buộc phải bò trườn sát mặt đất.
Tuy nhiên trong thử thách ấy, Seagrim đã tỏ ra là nguồn cảm hứng cho hành động của binh lính. Theo nhà sử học đi theo đơn vị, trong “nỗ lực” rút quân này, thái độ hăng hái và sự có mặt đầy tính khích lệ của ông đã giúp “các binh sĩ sức cùng lực kiệt thực hiện một nỗ lực cuối cùng”. Với sự thôi thúc của vị chỉ huy đáng kính, cuối cùng họ đã rút được về các vị trí ban đầu vào lúc 3 giờ sáng 22/3/1943, dù rã rời nhưng vẫn vui nhờ thành công ngoài sức tưởng tượng.
Ở những nơi khác, chiến trận không diễn ra như ý muốn. Lữ đoàn Durham đã chiếm được một đầu cầu trên sông cạn Zigzaou, nhưng tiếp viện đến muộn và khi đến thì lại không hiệu quả. Xe tăng Valentine (của Anh) không phát huy mấy tác dụng trước những chiếc xe tăng bọc thép “khủng” hơn nhiều của Đức đang ra đòn phản công, đẩy bộ binh Anh lùi về rìa của con sông cạn này. Cuối cùng, một cuộc tháo lui ê chề chỉ được ngăn chặn nhờ thành công của chiến thuật đánh vòng sang mé trái của tướng Montgomery, buộc những kẻ phòng thủ trong tuyến Mareth phải từ bỏ các công sự.
Đến cuối tháng 3/1943, cuộc chiến gian khó này kết thúc với phần thắng thuộc về người Anh. Đây là một chiến thắng mong manh, trong đó Trung đoàn số 8 suýt nữa đã thất bại thay vì những thừa nhận của tướng Montgomery. Mặc dù vậy, bất chấp tất cả những nhân tố may rủi, người ta cũng không thể phủ nhận lòng can đảm phi thường của các binh sĩ Tiểu đoàn số 7 Green Howards.
Trong cuộc đột kích công sự Bastion, họ đã xả thân chiến đấu và có đóng góp quan trọng sống còn cho cuộc tấn công chính và thành quả của họ được công nhận bằng một danh sách dài các huân huy chương. Trong số đó có bốn Huân chương Chữ thập Quân đội, hai Huy chương vì sự chỉ huy xuất sắc và ba Huy chương Quân đội cộng với nhiều phần thưởng nữa cho thành tích giành quyền kiểm soát ban đầu khu vực tiền đồn. Đứng đầu danh sách là huân chương cao nhất trao tặng những chỉ huy chiến đấu anh dũng nhất. “Tấm gương chói lọi, can đảm quên mình” của Trung tá Seagrim đã “truyền lửa” cho tiểu đoàn của ông chiếm giữ mục tiêu, qua đó đảm bảo rằng cuộc tấn công nhằm vào tuyến Mareth có thể tiếp tục.
Huân chương Chữ thập Vitoria, phần thưởng cao quý được Nữ hoàng Anh trao tặng hai tháng sau đó không khiến các binh sĩ của Trung tá Seagrim ngạc nhiên. Hiếm khi nào sự chỉ huy của một cá nhân đơn lẻ lại tác động lớn đến vậy lên kết quả của một cuộc chiến có sự tham gia của hàng chục ngàn binh sĩ.
Bi thảm thay, đó là phần thưởng mà vị chỉ huy nhỏ bé nhưng phi thường của Tiểu đoàn Green Howards không bao giờ được hưởng. Trong cuộc tấn công vượt một con suối cạn khác trong trận Wadi Akarit (từ ngày 6 - 7/4/1943 ở Tuynidi), Seagrim bị một mảnh bom găm vào người khi cố gắng tập hợp binh lính trong một hành động xả thân tương tự những gì ông đã thể hiện trước đó không lâu ở tuyến Mareth. Ông được nhanh chóng đưa đi cấp cứu trên một chiếc xe jeep nhưng đã qua đời tại một quân y viện do vết thương quá nặng.
Như vậy, người anh hùng chinh phục công sự Bastion, một chỉ huy xuất sắc được binh sĩ trong Tiểu đoàn Green Howards mô tả “như một tượng đài sừng sững”, chỉ được hưởng chiến thắng lớn nhất của mình vẻn vẹn 16 ngày.
Ông được an táng tại Nghĩa trang Chiến tranh Sfax, Tuynidi. Hiện nay các huân huy chương của Derek Anthony Seagrim được trưng bày tại Phòng Lord Ashcroft trong Bảo tàng Chiến tranh ở Luân Đôn.
Huy Lê