Sông Nile rực rỡ ánh sáng thần Amun - Kỳ cuối

Những chất nhuộm được tìm thấy tại ngôi đền và khu vực của thần Amun chỉ ra rằng tại đây, các nghệ nhân xa xưa từng biến nơi đây thành một khung cảnh nổi bật giữa sa mạc khô cằn với các sắc màu xanh nước biển, màu đỏ và màu vàng.

LỊCH SỬ HUY HOÀNG

Bên trong khu vực linh thiêng của ngôi đền thờ thần Amun tại thành phố hoàng gia Dangeil (Nubia cổ đại), các nhà khoa học tìm thấy một chuỗi các cột đá, một số cột vẫn trong tư thế dựng thẳng, được trang trí bằng hình ảnh của những vị thần sông có thân hình đầy đặn với cây cối và hoa lá trên đầu. Cách trang trí này có dụng ý bảo đảm sông Nile sẽ có những trận lũ lớn. “Khi dòng sông Nile không dâng nước lũ, mọi người sẽ chết đói. Dòng sông Nile là tất cả mọi thứ, và lũ lụt là tất cả mọi thứ, và đó là lí do khiến hình dáng màu mỡ quan trọng đến vậy”, Julie Anderson, nhà nghiên cứu của Bảo tàng Anh, đồng giám đốc của cuộc khai quật tại thành phố Dangeil, cho hay. Ngay cả thần Amun cũng có mối liên hệ với sự màu mỡ tại Nubia cổ đại.

Hình ảnh thần Amun-Ra (giữa) ở ngôi đền Amada.

Cũng bên trong khu vực linh thiêng của đền thờ, các nhà khoa học tìm thấy nhiều bàn thờ, trong đó có một bàn thờ được khắc tinh xảo, làm từ đá sa thạch hồng. Trên những mảnh vỡ của bàn thờ này, các nhà khảo cổ học tìm thấy hình ovan có tên của nữ hoàng Amanitore. Chi tiết này chỉ ra rằng ngôi đền được xây dựng hoặc sửa chữa trong thời gian trị vì của bà trong thế kỉ thứ nhất sau Công nguyên. Hình ovan với tên của nữ hoàng Amanitore cũng được tìm thấy trên các mảnh vỡ của các bức tượng cừu, và kết quả kiểm tra phóng xạ carbon của dầm gỗ ngôi đền cũng chứng minh rằng việc xây dựng đã diễn ra trong thế kỉ thứ nhất sau Công nguyên.

Những chất nhuộm được tìm thấy tại ngôi đền và khu vực của thần Amun chỉ ra rằng tại đây, các nghệ nhân xa xưa từng biến nơi đây thành một khung cảnh nổi bật giữa sa mạc khô cằn với các sắc màu xanh nước biển, màu đỏ và màu vàng. Theo nhà nghiên cứu Anderson, “phần lớn các ngôi đền trong quá khứ sẽ được sơn hoặc tô màu theo một số phương cách”, và các nhà khoa học của cuộc khai quật này đã gặp may khi tìm thấy một số mảng màu được bảo quản tốt do điều kiện môi trường. Nhờ những phát hiện này, họ có thể phục dựng công trình gốc đến một mức độ nhất định, như việc hình dáng của khu vực thần Amun từng trông như thế nào, có sáng màu hay không...

Trong khi đó, tại khu vực đổ rác phía sau ngôi đền, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bằng chứng về việc đền thờ này từng là một địa điểm thu hút số lượng lớn người đến thờ cúng. Chỉ trong một rãnh nhỏ, các nhà khoa học đã tìm thấy trên một triệu mảnh vỡ của những chiếc bình hình chóp được sử dụng để dâng đồ lễ cho thần Amun và tính ra có ít nhất 77.000 bộ lễ được dâng lên thần Amun, con số ấn tượng chứng minh sức hút của ngôi đền này trong cuộc sống của người cổ xưa. “Dân thường quả thật có đến đây thờ cúng. Tín ngưỡng thờ thần Amun có ý nghĩa với họ cả về mặt văn hóa và tôn giáo. Ngôi đền ở Dangeil không chỉ là một công trình được một nhà cai trị dựng lên với những mục đích chính trị”, Janice Yellin, giáo sư lịch sử nghệ thuật, chuyên về Nubia cổ đại tại trường đại học Babson cho biết.

Tuy nhiên, cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, và ngôi đền thờ thần Amun cũng cùng chịu chung số phận. Dù từng có vẻ ngoài ấn tượng và thu hút được bước chân của nhiều người đến thờ cúng đến vậy, nhưng cuối cùng ngôi đền được xây dựng ở thế kỉ thứ nhất sau Công nguyên của thần Amun cũng bị phá hủy bởi một ngọn lửa hung tàn. Có kẻ đã đến ngôi đền này trộm cắp và phá vỡ các bàn thờ. “Những tên kẻ trộm đã đào một hố xuyên qua nền của khu vực linh thiêng, có thể là để tìm kiếm vàng hoặc kho báu. Những bức tượng cừu đực cũng bị phá hủy thành những mảnh nhỏ li ti, vì vậy có vẻ như đã có một nhóm đông người đến đây, trộm cướp trong ngôi đền, đập nát mọi thứ rồi sau đó rất có thể họ đã châm lửa”, Anderson cho biết.

Dù không tìm được bằng chứng nào về ngày tháng xảy ra vụ hỏa hoạn, nhưng các nhà khoa học dự đoán có nhiều khả năng vụ cháy diễn ra vào thời điểm gần cuối của vương quốc Meroitic Kush, tức thế kỷ thứ tư sau Công nguyên. Theo Anderson, dường như ngôi đền đã dần bị quên lãng và cuối cùng bị bỏ hoang trước khi vụ cháy xảy ra. “Điều này có thể chỉ ra rằng quyền lực trung ương tại Meroe cũng như các thầy tế đã giảm sút hay suy yếu”, bà cho biết. Tuy nhiên, Anderson cho rằng không có sự liên quan giữa việc phá hủy ngôi đền và việc mất lòng tin với thần Amun. Bởi theo bằng chứng các nhà khoa học có được, vị thần này vẫn tiếp tục được tôn thờ ở Nubia trong nhiều thế kỉ sau sự sụp đổ của vương quốc Meroitic đến tận thời điểm người Byzantine mang đạo Cơ đốc đến vào thế kỉ thứ 6 sau Công nguyên.
Anh Minh (Theo Archaeology)
Sông Nile rực rỡ ánh sáng thần Amun - Kỳ 2
Sông Nile rực rỡ ánh sáng thần Amun - Kỳ 2

Những vị pharaoh người Kush được xem là con trai của thần Amun, và thần Amun sẽ chọn vua mới thông qua các thầy tế. Lễ đăng quang thường diễn ra ở ngôi đền tại ngọn núi thiêng Jebel Barkal.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN