Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, mối quan hệ giữa Cuba và Mỹ luôn ở tình trạng đối đầu căng thẳng. Một siêu cường có thể nhúng tay vào mọi vấn đề trên thế giới song dường như lại bất lực trước việc khuất phục một quốc đảo nhỏ bé chỉ nằm cách 150 km về phía Nam. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Tư lệnh Fidel Castro, cách mạng Cuba luôn kiên định lập trường về độc lập, bình đẳng và toàn vẹn lãnh thổ để vượt qua mọi khó khăn, thách thức trước sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đã lựa chọn. Mặc dù vậy, không phải trong thâm tâm các nhà lãnh đạo Cuba không mong muốn tìm kiếm một hướng đi hài hòa cho mối quan hệ phức tạp với Mỹ. Nếu có ai đó trong hơn 50 năm qua luôn trăn trở tìm kiếm phương thức chung sống bình đẳng với Mỹ thì đó chính là Tổng Tư lệnh Fidel Castro bởi ông hiểu hơn ai hết chỉ có môi trường hòa bình, ổn định mới giúp cho Cuba phát triển và thực hiện công cuộc xây dựng đất nước.
Chủ tịch Cuba Fidel Castro và cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trong một cuộc gặp năm 2002. |
Các tài liệu về quan hệ song phương của cả phía Cuba và Mỹ trong suốt nửa thế kỷ qua cho thấy Fidel Castro đã bỏ ra rất nhiều thời gian tiếp và trao đổi với các nghị sỹ, chính trị gia của Mỹ. Nếu ông không thực sự quan tâm và đánh giá đúng tầm quan trọng của những cuộc gặp này để tìm kiếm những biện pháp phù hợp thúc đẩy quan hệ song phương thì ông đã không bao giờ mất thời gian quí báu của mình vào những việc đó.
Bằng phương pháp ngoại giao bí mật, ông Fidel Castro là người đã thúc đẩy rất nhiều sáng kiến giúp hai nước xích lại gần nhau. Thông qua luật sư James Donovan, người đã thương lượng với Fidel về việc trả tự do cho những tên lính đánh thuê sau tấn công vào bãi biển Giron năm 1961, nhà báo Lisa Howard và một số hướng tiếp cận khác, lãnh tụ cách mạng Cuba đã gửi tới chính quyền Kennedy nhiều lần thông điệp sẵn sàng đối thoại để tìm giải pháp cho mối quan hệ giữa hai nước.
Tháng 8/1961, Ernesto Che Guevara, theo chỉ đạo của Fidel Castro, đã “chìa một cành oliu” cho chính phủ Mỹ trong cuộc gặp tại Montevideo (Uruguay) với cố vấn đặc biệt của Tổng thống Kennedy trong các vấn đề Mỹ Latinh, Richard Goodwin. Năm 1964, Fidel cũng đã chuyển một thông điệp miệng cho Tổng thống Lyndon Johnson thông qua nhà báo Lisa Howard với nội dung: “Hãy nói với ngài Tổng thống là tôi rất mong muốn Cuba và Mỹ có thể ngồi lại với nhau trong một bầu không khí thiện chí và tôn trọng lẫn nhau để giải quyết những bất đồng. Tôi nghĩ rằng không có bất kỳ sự khác biệt nào giữa hai bên là không thể thảo luận và tìm kiếm giải pháp nếu có được sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau”.
Tổng Tư lệnh Fidel Castro trong chuyến thăm Mỹ tháng 4/1959. |
Thậm chí một nhân vật có thái độ thù địch với cách mạng Cuba như Richard Nixon mà Fidel cũng đã từng tìm cách tiếp cận một cách bí mật. Một số tài liệu giải mật của Mỹ cho thấy vào tháng 3/1969 Đại sứ Thụy Sỹ tại La Habana Alfred Fischli, sau một cuộc nói chuyện với Fidel, đã có một cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Mỹ William P.Rogers để truyền đạt lại một thông điệp của Tổng Tư lệnh Fidel Castro bày tỏ thiện chí đàm phán về quan hệ giữa Cuba và Mỹ.
Giai đoạn Tổng thống Jimmy Carter nắm quyền, Fidel đã có nhiều hành động thể hiện mong muốn sẵn sàng cải thiện quan hệ song phương. Năm 1978, trong một động thái đơn phương không cần phải đàm phán với Mỹ, Cuba đã trả tự do cho hàng nghìn tên phản cách mạng được Mỹ hậu thuẫn. Quyết định này được coi là minh chứng rõ ràng nhất mong muốn Fidel và ban lãnh đạo Cuba trong việc hâm nóng lại quá trình bình thường hóa quan hệ song phương sau khi bị đóng băng vì Cuba gửi quân tình nguyện tham gia chiến đấu ở Ethiopia. Trước đó Tổng thống Carter đã từng nhiều lần ám chỉ rằng mấu chốt để hướng tới việc bình thường hóa quan hệ với Cuba là vấn đề nhân quyền, song sau đó thì chủ đề này đã bị gạt sang một bên khi mà quân đội Cuba bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Phi.
Các tác giả Peter Konbluh và William Leogrande, những người có nhiều năm nghiên cứu về mối quan hệ Mỹ - Cuba, trong một cuốn sách xuất bản mới đây không ngần ngại khẳng định “Fidel thực sự mong muốn một mối quan hệ bình thường với Washington”. Tuy nhiên, không ít lần các chính quyền Mỹ từng hứa hẹn một mối quan hệ tốt hơn để đổi lại những động thái hòa giải từ La Habana, song họ (Mỹ) thường không bao giờ thực hiện lời cam kết. Năm 1984, Washington từng ám chỉ rằng những nhượng bộ của Cuba trong vấn đề di cư có thể giúp cải thiện quan hệ và dẫn tới những cuộc đối thoại cởi mở hơn giữa hai bên, song ngay khi thỏa thuận về vấn đề di cư được ký kết thì phía Mỹ lập tức trở mặt. Năm 1988 Bộ Ngoại giao Mỹ từng cam kết một cách công khai rằng sự hợp tác của Cuba trong các cuộc đàm phán về các vấn đề ở phía Nam châu Phi sẽ mở ra một cuộc đối thoại sâu rộng về quan hệ song phương nhưng một lần nữa Washington lại bác bỏ lời nói của chính mình.
Có thể thấy lãnh tụ Fidel và ban lãnh đạo cao nhất của Cuba đã có rất nhiều hành động thể hiện mong muốn sẵn sàng đối thoại với người hàng xóm phương Bắc. Tuy nhiên, Fidel cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng những cuộc đối thoại và đàm phán về quan hệ song phương với Mỹ cần phải thực hiện trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Cuba đã và sẽ không bao giờ nhượng bộ nếu những điều đó vi phạm những nguyên tắc của cách mạng về chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của nhân dân Cuba. Sau khi Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Barack Obama hôm 17/12/2014 cùng tuyên bố về quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao và bắt đầu quá trình đàm phán hướng tới bình thường hóa quan hệ, hy vọng rằng đây sẽ là lần mà phía Mỹ thực sự mong muốn đi đến cùng trong việc tìm kiếm một mối quan hệ bình thường, bình đẳng với Cuba.
Xem Kỳ 4: Vai trò của Cuba tại châu Phi cản trở quan hệ với Mỹ?