Sự thật về những “đồn thổi” xung quanh quan hệ Cuba-Mỹ - Kỳ 4

Trong một tài liệu mới được giải mật, nguyên Trưởng Văn phòng Đại diện Quyền lợi Mỹ tại La Habana thời kỳ cuối của chính quyền Carter, ông Wayne Smith, cũng phải thừa nhận rằng Cuba không bao giờ gắn việc đưa quân tới châu Phi với tiến trình tìm kiếm giải pháp cho mối quan hệ với Mỹ.

VAI TRÒ CỦA CUBA TẠI CHÂU PHI ẢNH HƯỞNG TỚI QUAN HỆ VỚI MỸ?  

Vào những năm 1960, 1970 và 1980 của thế kỷ trước, trước đề nghị của các chính phủ và các phong trào cách mạng ở châu Phi, Tổng Tư lệnh Fidel Castro đã quyết định gửi quân tình nguyện đến Congo, Angola, Ethiopia để hỗ trợ các phong trào giải phóng dân tộc ở lục địa Đen trên tinh thần quốc tế vô sản và đoàn kết với các dân tộc mà chính phủ Cuba luôn theo đuổi. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Cuba không bao giờ gắn kết việc quân đội nước này tham chiến ở châu Phi với quá trình tìm kiếm giải pháp bình thường hóa quan hệ với Mỹ bởi vì đó là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt và đều có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với Cuba trên trường quốc tế.

Quân tình nguyện Cuba ở chiến trường Angola.

Trong một tài liệu mới được giải mật, nguyên Trưởng Văn phòng Đại diện Quyền lợi Mỹ tại La Habana thời kỳ cuối của chính quyền Carter, ông Wayne Smith, cũng phải thừa nhận rằng Cuba không bao giờ gắn việc đưa quân tới châu Phi với tiến trình tìm kiếm giải pháp cho mối quan hệ với Mỹ. Nhà ngoại giao này viết trong một cuốn sách rằng, việc Castro không quay lưng lại với Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola không phải là một biểu hiện không mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Nếu quả là như vậy (liên kết hai vấn đề với nhau) thì việc Mỹ ủng hộ quân đội Nam Phi và Zaire tấn công các đồng minh của Cuba ở châu Phi cũng có thể là cái cớ lớn hơn đề xóa bỏ mục tiêu xích lại gần Cuba của phía Mỹ. Trên thực tế Fidel Castro luôn tách bạch hai vấn đề và tiếp tục tìm kiếm các hướng đi giải quyết mối quan hệ với Mỹ.

Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế người Argentina Juan Gabriel Tokatlian đưa ra kết luận: “Thật đáng tiếc là chính Mỹ là bên phải chịu trách nhiệm về việc đưa một yếu tố gây xáo trộn mối quan hệ song phương; họ đã đặt điều kiện cho việc xích lại gần nhau giữa hai nước bằng các vấn đề và chính sách mang tính đa phương. Việc quân đội Cuba tham chiến tại Angola năm 1975 được suy diễn như một yếu tố cản trở sự hiểu biết mang tính xây dựng với Mỹ. Đó là một sai lầm đáng tiếc và đây là trách nhiệm của Washington”.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro chào Tổng thống Angola Agostino Neto (giữa) tại Hội nghị Thượng đỉnh Các nước không liên kết ở La Habana năm 1979.)

Trợ lý Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách các vấn đề Mỹ Latinh dưới thời chính quyền Carter, ông Robert Pastor là người đã nhận ra sai lầm trong chiến lược của Mỹ khi đàm phán với Cuba và liên kết việc bình thường hóa quan hệ với việc La Habana phải rút quân khỏi châu Phi. Chính ông cũng đã từng cảnh báo rằng nếu đặt vấn đề này lên bàn đàm phán thì tiến trình bình thường hóa sẽ đổ vỡ bởi lập trường cứng rắn của phía Cuba trong các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược này của họ. Trong một bức điện gửi cố vấn An ninh Quốc gia Zbignew Brzezisnki ngày 1/8/1977, ông Pastor giải thích rõ: “Chúng ta nhận thấy việc Cuba tăng cường các hoạt động tại châu Phi như một dấu hiệu về việc nước này giảm sự quan tâm trong vấn đề cải thiện quan hệ với Mỹ và Kissinger đã gắn kết hai vấn đề này – việc rút quân của Cuba khỏi Angola để tìm kiếm một mối quan hệ tốt hơn với Mỹ - khiến cho cả hai mục tiêu đặt ra đều thất bại. 

Đúng là hai vấn đề này có sự liên hệ với nhau nhưng đó là mối quan hệ ngược lại. Trong khi tìm kiếm mối quan hệ bình thường với các cường quốc tư bản trên thế giới, Castro cũng muốn khẳng định vai trò cách mạng quốc tế. Chúng ta không thể ngăn chặn mục đích gây ảnh hưởng tại châu Phi của Castro bằng cách đe dọa dừng quá trình tìm kiếm giải pháp bình thường hóa quan hệ song phương được. Đó là một công cụ sai lầm và nó sẽ khiến cho quá trình cải thiện quan hệ đổ vỡ, đồng thời loại bỏ khả năng của Mỹ tạo được những ảnh hưởng nhất định tại Cuba”.

Trong một khía cạnh khác, một số nhận định ban đầu cho rằng việc Cuba gửi quân đến châu Phi mà không quan tâm tới sự cần thiết phải cải thiện quan hệ với Mỹ là do chính sách đối ngoại của La Habana phụ thuộc vào những quyết định từ Liên Xô. Tuy nhiên, trên thực tế ban lãnh đạo Cuba, đặc biệt là Chủ tịch Fidel Castro chưa bao giờ phụ thuộc quá nhiều vào Liên Xô để đưa ra các quyết định của mình. Lập trường về tình hữu nghị với các nước thế giới thứ ba, tinh thần quốc tế vô sản, phong trào cách mạng vì độc lập dân tộc là những lý tưởng mà Fidel luôn theo đuổi và ủng hộ cho dù ở bất cứ đâu. Nguyên Trưởng Văn phòng Đại diện Quyền lợi Mỹ tại La Habana, Wayne Smith từng khẳng định: “Tôi luôn có quan điểm cho rằng Cuba chưa bao giờ là một quân bài của Liên Xô ở châu Phi. Họ (Cuba) có những mục đích và quyền lợi riêng. Nếu Brzezinski và Hội đồng An ninh Quốc gia nghĩ rằng Cuba chỉ làm theo những chỉ đạo của Moskva thì họ hoàn toàn sai lầm”.

Có thể thấy rằng chính Mỹ mới là nước coi trọng những lợi ích địa chính trị của họ ở châu Phi hơn là việc bình thường hóa quan hệ với Cuba. Cũng chính Washington là bên đã cố tình gắn kết hai vấn đề với nhau và đặt ra những ưu tiên để gây sức ép với La Habana. Chủ tịch Fidel Castro đã từng nhiều lần khẳng định vai trò của Cuba tại châu Phi và quá trình tìm kiếm giải pháp bình thường hóa quan hệ với Mỹ là hai vấn đề cần phải được xử lý độc lập. Cuba luôn mong muốn đạt được những tiến triển trong cả hai vấn đề này và không thể buộc Cuba phải lựa chọn một trong hai hướng đi.


Hoài Nam
Sự thật về những “đồn thổi” xung quanh quan hệ Cuba-Mỹ - Kỳ cuối
Sự thật về những “đồn thổi” xung quanh quan hệ Cuba-Mỹ - Kỳ cuối

Lực lượng cực hữu người Mỹ gốc Cuba có tầm ảnh hưởng lớn lao trong việc hoạch định và thực thi những chính sách của chính quyền Mỹ đối với Cuba. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng nhóm này nắm quyền kiểm soát đối với những chính sách với quốc đảo láng giềng thì không hẳn đúng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN