Thảm họa kinh khí cầu R101 - Kỳ 2: Thất bại được báo trước

Ngày 29/7/1930, 7 năm sau khi Vickers lần đầu tiên đề xuất dự án khinh khí cầu khổng lồ, chiếc R100 khởi hành đi Canada. Nó hoàn thành chuyến đi hai chiều thành công mà không gặp bất kỳ sự cố nào.


Khi ngày dự kiến cho chuyến đi Ấn Độ của R101 tới gần, đội Cardington trở nên sợ hãi trong khi các nhà thiết kế thì chia rẽ vì những bất đồng xung quanh dự án. Bộ Không quân được khuyên nên tạm ngừng chuyến đi của R101.

 

Cảnh chế tạo chiếc R101.


Tuy nhiên, sự điên rồ và tham vọng của Bộ trưởng Lord Thomson đã biến chuyến bay của R101 thành thảm họa. Trong quá trình chế tạo và thử nghiệm R101, đằng sau hậu trường, Thomson liên tục thúc đẩy quảng cáo dự án này. Ông muốn tạo một ấn tượng mạnh mẽ khi chiếc khí cầu tới Karachi. Tham vọng của ông là làm Tổng đốc Ấn Độ và việc này sẽ giúp ông đạt được mục tiêu của mình.


Nevil Shute đã viết: “Quyết định cho chiếc R101 bay tới Ấn Độ mùa thu năm 1930 dường như hoàn toàn là điều điên rồ”. Về Thomson, Shute nói: “Ông ấy là người chịu trách nhiệm chính vì đã gây ra thảm họa đó. Dưới sự chỉ đạo của ông ta, gần như mọi nguyên tắc an toàn hàng không đều bị từ bỏ”.

 

Chiếc R101.


Một hội nghị cuối cùng về chuyến bay của R101 được tổ chức ở Bộ Không quân vào ngày 2/10. Thomson nói ông muốn bay đến Ấn Độ ngay hôm sau. Các nhân viên của ông phản đối nhưng Thomson không chùn bước. Cuối cùng, họ đã đồng ý khởi hành vào tối 4/10.


Thomson phát biểu trước hội nghị: “Các ngài không được cho phép sự mất kiên nhẫn hay nỗi lo sợ của tôi tác động đến các ngài theo bất cứ cách nào”. Nhưng không ai tin sự thận trọng trong tuyên bố của Thomson là thành thật. Sau cùng, ông ta đã ra một chỉ đạo chính thức cho tất cả những ai liên quan đến dự án này: “Tôi phải nhấn mạnh rằng chương trình cho chuyến bay tới Ấn Độ phải được tôn trọng, vì tôi đã có kế hoạch phù hợp”. Ông cũng tuyên bố: “R101 an toàn như một ngôi nhà”.


Cho tới ngày 4/10, việc bay thử chưa bao giờ được hoàn thành. Chiếc R101 chưa được cấp chứng chỉ bay, vì thế Bộ Không quân tự viết ra một chứng chỉ cho chính mình. Các cuộc thử nghiệm trong điều kiện thời tiết xấu cũng chưa bao giờ được thực hiện. Chiếc khinh khí cầu này cũng chưa bao giờ được hoạt động hết công suất.


Thiếu tá G. H. Scott, người đã điều khiển thành công chiếc R100 qua Đại Tây Dương đến Canada, là một thành viên cấp cao của đội bay chiếc R101. Ông đã biết được hầu hết lời cảnh báo về R101. Ông biết nó không đủ công suất và thiếu ổn định, nhưng vẫn quyết định đi cùng.


Một vị khách VIP trên chuyến bay là Thiếu tướng Sefton Brancker. Ông đặc biệt hoài nghi và cũng đã xem các báo cáo về những chuyến thử nghiệm của R101. Ông biết chiếc khí cầu đã bổ nhào ở Hendon và gần như hỏng phần sau. Ông cũng biết hydro thường xuyên chảy ra khỏi các lỗ vì các túi khí chà vào nhau và với thân khí cầu.


Thomson đã nói với ông: “Nếu ông sợ thì đừng đi!” nhưng Sefton đã quyết định đi.


6 rưỡi tối 4/10, Thomson và người hầu của mình đặt chân lên khoang chiếc R101. Có 4 hành khách khác, cộng với 48 nhân viên tổ bay. Đó là một đêm ẩm ướt. Chiếc khí cầu đã quá tải và phải bỏ lại 4 tấn nước đối trọng để có thể bay được.


Lúc 8 giờ, khi đang bay trên bầu trời London, chiếc khí cầu nhận được dự báo thời tiết mới qua radio. Dự đoán có gió ngược 40 dặm/giờ ở phía bắc nước Pháp, với mây thấp và mưa. Thiếu tá Scott giờ có lý do chính đáng để cho nỗi lo sợ của mình bởi chiếc R101 chưa bao giờ bay trong điều kiện thời tiết xấu. Scott thảo luận với Thomson và chiếc khí cầu tiếp tục hành trình của mình.


Lúc 2 giờ chiều, chiếc R101 đang ở trên bầu trời Beauvais, đông bắc Pháp. Nó đã đi 200 dặm trong gần 7 giờ đồng hồ và bay chậm một cách nguy hiểm, chao đảo và liệng rất mạnh.


Bên trong khí cầu, các nhân viên và hành khách đang ngủ. Cabin gồm những chiếc giường đôi và tạo thành boong trên môđun 2 tầng biệt lập với tiếng gầm của động cơ và thời tiết. Ở boong dưới là một quán rượu lớn với ghế sô pha bằng liễu gai và những chậu cây giả làm cột nhà. Bên ngoài quán rượu là boong đi dạo với những cánh cửa sổ quan sát khổng lồ. Cũng tại khoang dưới có một phòng ăn trang trí lộng lẫy, một phòng hút thuốc, các phòng bếp và cầu thang dẫn đến phòng điều khiển.


Việt Anh


Đón đọc kỳ cuối: Kết cục bi thảm

Thảm họa khinh khí cầu R101- Kỳ 1: Cuộc cạnh tranh điên rồ
Thảm họa khinh khí cầu R101- Kỳ 1: Cuộc cạnh tranh điên rồ

Đây là thảm họa không đáng có lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không. Bi kịch của chiếc khinh khí cầu R101 không chỉ cướp đi 48 sinh mạng, nó còn là một câu chuyện ly kỳ về đối đầu chính trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN