Tên thật của ông là Nguyễn Văn Đồi. Tên Vương Thừa Vũ được ông kể lại là do khi lạc vào một bản người Mông sau khi phá ngục Nghĩa Lộ (tháng 3/1945), ông bị nghi là kẻ gian, bị bắt trói, định đem bắn. Đồng bào hỏi tên, ông buột miệng: Tên là Vương. Cái tên kỷ niệm sâu sắc đó trở thành tên tuổi một vị tướng uy dũng và đức độ sau này, gắn liền với một trang lịch sử kháng chiến hào hùng của Hà Nội.
Trung tướng Vương Thừa Vũ sinh năm 1910 tại làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. |
Theo cha sang Vân Nam (Trung Quốc) sinh sống từ nhỏ, ông tham gia quân đội Trung Quốc chống Nhật rồi học tại Trường võ bị Hoàng Phố. Tại đây, ông đã có những cuộc tiếp xúc đầu tiên và dần có cảm tình với những người Cộng sản Việt Nam. Lòng yêu nước thôi thúc ông trở về quê hương cũng đang chịu ách áp bức thực dân.
Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt giam và tù đày tại trại giam Bá Vân (Thái Nguyên). Tại đây, ông tham gia công tác binh vận, phụ trách huấn luyện quân sự trong tù và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1943. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Ông đang bị giam tại Nghĩa Lộ, Yên Bái) đã cùng các bạn tù phá ngục để về với cuộc đấu tranh.
Mùa đông năm 1946, lịch sử đặt Hà Nội trước thử thách mới. Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng… Nhưng chúng ta không ảo tưởng về hòa bình. Trước quyết tâm có mặt trở lại Đông Dương bằng những biện pháp quân sự của thế lực cầm quyền theo phái “diều hâu” ở Pháp, chúng ta không nao núng và đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.Trong tình huống nổ ra chiến tranh, quân và dân Hà Nội được trao nhiệm vụ tìm mọi cách giam chân quân địch cho hậu phương có thêm thời gian chuẩn bị và tổ chức lực lượng kháng chiến.
Đồng chí Vương Thừa Vũ được giao trọng trách Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội. Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ đã trình bày với Bộ Tổng tư lệnhphương án đánh du kích trong thành phố để kìm chân địch.Cách đánh này kết hợp trong đánh, ngoài vây, kìm giữ tiêu diệt địch trong từng căn nhà, ở từng góc phố, kết hợp phục kích của tổ, đội với bắn tỉa của từng cá nhân, tiêu hao, ngăn chặn địch từng bướclàm cho xe tăng và vũ khí hạng nặng của Pháp trở thành vô dụng.
Trong khoảng thời gian khẩn trương trước khi kháng chiến bùng nổ trong toàn quốc, ở Hà Nội đã hình thành những trận địa kỳ lạ. Những “con đường” mới xuất hiện trong lòng các ngôi nhà phố cổ qua những bức tường được đục xuyên thông. Những chiến lũy ngang các tuyến phố xung yếu được dựng nên bằng cột điện, cây cối và cả những đồ gia dụng.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Phó tổng Tham mưu trưởng (mặc áo trắng hàng trên) về thăm Trung đoàn Thủ Đô vào năm 19. |
Chiều ngày 19/12, đồng chí Vương Thừa Vũ đưa đồng chí Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy) và đồng chí Trần Quốc Hoàn (Phái viên đặc biệt của Trung ương cho mặt trận Hà Nội) tới phố Khâm Thiên, Ô Chợ dừa kiểm tra tình hình chuẩn bị chiến đấu. Đồng chí đến kiểm tra từng vị trí bắn, nói chuyện với các đồng chí tự vệ ở nhà dầu Sen. Cách đó chỉ mấy chục mét là vị trí của quân Pháp với đại liên và xe háp-tơ-rắc.
Suốt 60 ngày đêm mịt mù khói lửa ở Hà Nội, chỉ huy các đơn vị Vệ quốc đoàn vừa chặn, vừa đánh tiêu hao địch bằng chiến thuật hết sức sáng tạo trên tất cả các khu vực địa bàn phố cổ, phố Tây, các cửa ô và làng xã ngoại thành. Cả Trung đoàn thủ đô đã chủ động tấn công địch và chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Sau khi thực hiện cuộc rút lui thần kỳ đêm 17/2/1947, Tư lệnh Vương Thừa Vũ lại cùng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô gian khổ trên các nẻo đường kháng chiến trường kỳ. Trung đoàn Thủ đô lớn mạnh dần cùng với đà thắng lợi của cuộc kháng chiến. Ngày 28/8/1949, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia Việt Nam quyết định thành lập Đại đoàn chủ lực đầu tiên mang phiên hiệu Đại đoàn 308. Trung đoàn thủ đô (mang số hiệu 102) là một trong số những trung đoàn cấu thành “quả đấm thép” đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tá Vương Thừa Vũ là Đại đoàn trưởng kiêm Chính uỷ đầu tiên của Đại đoàn.
Năm 1954, Vương Thừa Vũ được thăng hàm Thiếu tướng và được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội cùng Đại đoàn 308 về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa chào đón. Hai sự kiện lớn trong lịch sử Thủ đô thời hiện đại đã ghi đậm dấu người chỉ huy tài năng Vương Thừa Vũ.
Ông là người từng trải, đi nhiều, hiểu rộng nhưng lại rất khiêm tốn khi thể hiện mình. Từ những ngày lưu lạc trên đất khách quê người, người thanh niên Nguyễn Văn Đồi giỏi võ nhưng lại rất điềm đạm, chỉn chu. Trong việc chỉ huy quân đội,Vương Thừa Vũ là vị tướng quyết đoán nhanh nhưng cẩn trọng xem xét mọi điều kiện trước khi đưa ra quyết định và quyết tâm thi hành.
Trong đời sống hàng ngày, Trung tướng Vương Thừa Vũ luôn khiêm nhường, giản dị. Khi về thăm quê ở Thanh Trì, ông đều dừng xe ở cuối làng rồi xuống đi bộ, băng qua cánh đồng để về nhà. Ông thân thiết với mọi người dân ở làng, chuyện vui chuyện buồn, ông biết và nếu có điều kiện ông đều đến sẻ chia.Ông sống bình dị giữa làng xóm quê hương. Nhiều người làng không biết ông là một vị tướng. Ở đơn vị mình phụ trách, Trung tướng Vương Thừa Vũ cũng luôn sống gần gũi, tình cảm với đồng chí, đồng đội.Buổi chiều ông thích chơi bóng bàn với các chiến sĩ cần vụ. Khi làm nhiệm vụ thì Quân lệnh như sơn nhưng lúc nghỉ ngơi thì ranh giới giữa một vị tướng và chiến sĩ bị ông chủ động xóa nhòa.
Sau khi ông mất năm 1980, tên Vương Thừa Vũ đã được đặt cho một đường phố ở Hà Nội. Phố Vương Thừa Vũ nối giữa đường Trường Chinh (mang tên người đã giao cho ông nhiệm vụ Tư lệnh mặt trận Hà Nội năm 1946) với phố Hoàng Văn Thái (mang tên người đồng chí, đồng đội thân thiết của ông).
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành cho Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội tài giỏi những đánh giá trân trọng: “Bao trùm lên trên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng; một vị tướng dũng, nhân, tín, liêm, trung, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy” (Trích lời phát biểu của Đại tướng trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày mất của trung tướng Vương Thừa Vũ năm 1995).
T.S. Ngô Vương Anh