“Vua du kích” graffiti: Kỳ cuối: Vị thánh bảo hộ Bristol

Thứ Sáu ngày 15/9/2006 là ngày mở màn cuộc triển lãm có tên gọi “Vẫn hợp pháp” của Banksy ở Los Angeles. Địa điểm của nó không được tiết lộ cho tới tận buổi sáng hôm đó. Cái nhà kho này chẳng dễ tìm chút nào. Thế nhưng, cả các ngôi sao điện ảnh lừng danh Hollywood như Keanu Reeves và Jude Law cũng xuất hiện ở buổi giới thiệu các VIP xem triển lãm, cũng như đôi vợ chồng Angelina Jolie và Brad Pitt (thậm chí còn đặt mua vài bức tranh).


“Thời buổi này, ai cũng tìm cách được nổi tiếng, nhưng anh ta vẫn chỉ thích ẩn danh”, nam tài tử Pitt phát biểu với các phóng viên, “Tôi nghĩ điều đó thật tuyệt”. Đó chắc chắn là sự tương phản giữa Pitt và Banksy. Thật trớ trêu là chính các nhân viên PR của Banksy lại mời Pitt dự cuộc triển lãm. Chỉ một ngày sau, những nhà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã ở Los Angeles đã bày tỏ sự bất bình. Banksy trưng bày cả con voi nặng hơn 4 tấn với toàn thân của nó được sơn đỏ quạch, tô điểm đầy những bông hoa diên vĩ (biểu tượng của Hoàng gia Pháp) để hợp với hoa văn giấy dán tường trong căn phòng mà anh ta tự sắp đặt. Các nhà hoạt động khẳng định lớp sơn trên mình con voi là rất độc hại. Giám đốc cơ quan bảo vệ thú hoang dã Los Angeles - Ed Boks nói rằng ông lấy làm tiếc vì đã cấp phép cho triển lãm này, đồng thời ra lệnh những người tổ chức phải rửa sạch sơn trên mình con voi. Tờ “Thời báo Los Angeles”, vốn ban đầu không định đưa tin về cuộc trình diễn, nhưng sau đó đăng liền tới 2 bài. Kênh truyền hình Al Jazeera làm hẳn một chương trình tranh luận về cuộc triển lãm. Những người khác thì nổi giận về bức chân dung Mẹ Teresa được phủ đầy bằng dòng chữ: “Tôi đã có được bài học giá trị từ người phụ nữ này. Hãy xoa kem dưỡng da hàng ngày”. Và tới một ngày sau nữa, khoảng 30.000 người đã tới xem triển lãm.


 

Con voi sống sơn toàn thân trong cuộc triển lãm của Banksy ở Los Angeles.

 

“Giới trẻ giờ đây coi Banksy như người hùng, theo đúng cách mà thanh niên mê bóng đá tôn sùng David Beckham”, Denise James – Chủ tịch tổ chức Bristol Clean & Green – nhận định. Clean & Green là tổ chức chuyên trách đi xóa các tranh graffiti gây mất mỹ quan đô thị, vốn tiêu tốn của thành phố Bristol mỗi năm tới 151.000 bảng Anh. Chủ tịch James tâm sự: “Nó gây khó chịu kinh khủng và khiến mọi người bực mình vì chúng quá xấu”.


Nhưng những người đam mê graffiti tới cuồng nhiệt thì cho rằng giá trị của hình thức nghệ thuật này có nguồn gốc cổ đại, như kiểu các bức họa trong hang động từ thời con người còn ăn lông ở lỗ. Và chính Banksy cũng có một góc nhìn hết sức lãng mạn: “Hãy thử hình dung một thành phố, nơi vẽ graffiti không bị pháp luật cấm đoán, một thành phố nơi tất cả mọi người có thể vẽ ở bất cứ đâu mà họ thích. Nơi các khu phố ngập tràn hàng triệu thứ màu sắc và những thành ngữ ngắn mà dí dỏm... Một thành phố tạo cảm giác như một bữa tiệc, nơi tất cả mọi người đều được mời tới dự, chứ không chỉ những tay trùm bất động sản hoặc các nhà tài phiệt giàu sụ”.


Tuy nhiên, những người ghét graffiti vẫn truy lùng sự lây lan của nó một cách cần mẫn chẳng kém gì các nhân viên vệ sinh dịch tễ đi khoanh vùng ổ bùng phát bệnh bạch hầu. Colin Saysell, một quan chức chống graffiti, giải thích rằng thứ “bệnh bạch hầu” này xuất hiện ở Vương quốc Anh khoảng cùng thời với “Rock Steady Crew”, nhóm hip - hop khu Bronx (New York - Mỹ) năm 1983: “Họ đi lưu diễn châu Âu và mang theo những tay vẽ graffiti nổi tiếng như kiểu những cổ động viên quá khích”. Vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, một vụ trấn áp đã xóa sổ nền văn hóa graffiti bản địa trong một thời gian. Nhưng kể từ năm 2003, nó đã bùng phát trở lại một cách điên rồ.


 

Một bức họa hóm hỉnh của Banksy ở phố Bottom of Park (Bristol - Anh).

 

Như lời Chủ tịch James nhận định, “nếu Bristol là thủ đô graffiti của nước Anh”, thì Banksy sẽ được coi là một vị thánh bảo hộ thành phố này. Một buổi sáng tháng sáu năm ngoái, cư dân Bristol thức dậy và hết thảy đều sửng sốt khi nhìn thấy một bức bích họa ở trung tâm thành phố, trên bức tường của một phòng mạch tình dục. Nó vẽ một chiếc cửa sổ, mô phỏng hệt như những chiếc cửa sổ khác gần đó. Một người đàn ông khỏa thân người đu đưa, một tay bám vào bậu cửa sổ. Phía bên trong là một người đàn ông bận y phục đàng hoàng, mắt hướng về phía đường chân trời, và cạnh ông ta là một phụ nữ trong bộ đồ tắm hai mảnh. Thật trớ trêu vì cửa sổ này hướng trực diện về phía văn phòng Hội đồng thành phố Bristol. Điều ngạc nhiên là Hội đồng thành phố tổ chức hẳn một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định về số phận của bức tranh trên tường này. Khoảng 1.000 cư dân thành phố bỏ phiếu với tỷ lệ 93% tán thành giữ lại bức bích họa. Hồi cuối tháng 4/2012, nhà chức trách thành phố Luân Đôn đã cho sơn trắng cả bức tranh nổi tiếng của Banksy nhái theo bộ phim “Pulp Fiction” (của đạo diễn Quentin Tarantino, đoạt giải Cannes 1995), trong đó mô tả các diễn viên John Travolta và Samuel L. Jackson đang cầm những quả chuối, thay vì súng ngắn.


Phải cho tới gần đây, Banksy mới đồng ý trả lời phỏng vấn phóng viên GQ, nhưng là qua e - mail. “Cái trò chơi nặc danh này đôi khi cũng có sự phản tác dụng”, Banksy thú nhận, “Tôi đã từng tặng tranh cho một quán rượu yêu thích của mình để thanh toán... nợ. Nhưng họ đem treo béng lên quầy bar. Thế là có quá nhiều người cứ liên tục đến đó để đặt ra vô số câu hỏi, tới mức tôi chẳng dám quay lại quán rượu này suốt 2 năm sau đó. Làm việc với báo chí lại càng phải như câm như điếc, nếu như bạn vẫn muốn ẩn danh. Brat Pitt từng nói với một tay nhà báo: "Tôi nghĩ rằng thật tuyệt vời khi chẳng một ai biết anh ta là ai". Như bị kích động, chỉ một tuần sau, đã có cả tá phóng viên tờ Daily Mail lảng vảng đến nhà bố tôi để dò la. Quá nhiều sự chú ý tức là tôi cũng mất đi vài cảm hứng sáng tác bất ngờ của mình. Vài ngày sau, trong cuộc triển lãm ở Los Angeles, khi tôi đang ngồi vẽ thì bất ngờ có một người đàn ông vô gia cư xông đến hỏi, ‘Này, anh có phải là Binksy đấy không? ’. Thế là ngày hôm sau tôi phải cuốn gói ngay”.

 

Trà My (Theo GQ)

“Vua du kích” graffit-Kỳ 1: “Phá hoại chấp nhận được”
“Vua du kích” graffit-Kỳ 1: “Phá hoại chấp nhận được”

Một nhân vật nặc danh, kẻ ưa đùa dai nhưng cũng là một thiên tài trào phúng. Nghệ nhân với những bình sơn xịt này là họa sĩ bị săn lùng gắt gao nhất thế giới. Còn tại nước Anh, Banksy được gọi là “Vua du kích” thoắt ẩn thoắt hiện với những tác phẩm tranh tường graffiti có một không hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN