Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 327 điểm cầu trên địa bàn thành phố tới các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy với hơn 11.000 đại biểu tham dự.
Tại đây, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chia sẻ những nội dung liên quan đến chương trình chuyển đổi số quốc gia, hoạt động chuyển đổi số và những “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số tại Hải Phòng, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thời gian tới.
Theo ý kiến của các đại biểu, khi triển khai chuyển đổi số, Hải Phòng sẽ gặp thách thức trong vấn đề hạ tầng và nhân lực. Để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp cần tạo cơ chế thuận lợi trong việc hợp tác; đồng thời cam kết cung cấp dịch vụ tốt nhất và phối hợp với Hải Phòng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số sẽ tác động toàn diện, sâu sắc đến hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.
Theo Bộ trưởng, muốn phát triển phải có đổi mới sáng tạo, muốn đổi mới sáng tạo nhanh, đỡ tốn kém và ai cũng có thể tham gia thì phải có môi trường số. Môi trường số sẽ giúp quá trình thiết kế, sáng tạo, thử nghiệm phát triển nhanh chóng với chi phí rất tiết kiệm. Phân tích dữ liệu trong thế giới số sẽ làm cho việc vận hành trong thế giới thực tối ưu nhất. Chuyển đổi số cũng tạo ra các xu hướng trong phát triển kinh tế như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang đề nghị thành phố và các đơn vị liên quan nghiên cứu thành lập các tổ chuyển đổi số, mời chuyên gia về lĩnh vực này tham vấn cho địa phương và tìm hướng để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ chuyển đổi số.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường, Nghị quyết số 03- NQ/TU, ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến 2025, tầm nhìn đến 2030 xác định chuyển đổi số là “động lực”, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị. Nghị quyết cũng xác định, nhận thức đóng vai trò quyết định, người đứng đầu có vai trò đặc biệt, dữ liệu số là nguồn tài nguyên, phải được mở, chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 với nhiều nội dung: Tư vấn, hỗ trợ xây dựng chính sách của thành phố; phát triển đô thị thông minh; phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số; phát triển xã hội số phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chuyển đổi số tại cấp huyện, cấp xã; triển khai bộ công cụ giám sát, quản lý trẻ em truy cập Internet...