Vào một trong những ngày nắng nóng kỷ lục của mùa hè năm 2019, người dân tại ngôi làng Kulusuk thuộc hòn đảo Greenland thuộc Đan Mạch đã nghe thấy một âm thanh lớn phát ra giống như một vụ nổ - đó là âm thanh những khối băng khổng lồ vỡ vụn.
Theo CNN, băng tan khiến hòn đảo Greenland mất đi 12,5 tỷ tấn băng chỉ trong một ngày, đây là sự mất mát lớn nhất trong lịch sử và cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang diễn ra rất khó lường.
Làng Kulusuk cũng là nơi đặt cơ sở nghiên cứu cho chương trình OMG (Oceans Melting Greenland) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Các nhà khoa học OMG đã đi đến hòn đảo lớn nhất thế giới sau đợt nắng nóng khắc nghiệt thiêu đốt Mỹ, châu Âu mới đây, phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ và gây ra sự tan chảy hàng loạt của những tảng băng khổng lồ.
Nhà hải dương học của NASA, ông Josh Willis cùng nhóm nghiên cứu của ông đã tiến hành điều tra và phát hiện ra những khối băng bị tan chảy không chỉ do nhiệt độ cao mà còn vì dòng nước bên dưới đại dương cũng đang nóng lên, “gặm nhấm” những tảng băng.
Chiếc phi cơ DC-3 đã đưa nhóm các nhà nghiên cứu OMG đi quanh bờ biển Greenland. Từ trên không, phi hành đoàn phóng các tàu thăm dò đặc biệt xuống những tầng băng, sau đó truyền dữ liệu về nhiệt độ và độ mặn để xác định mực nước biển tăng và ý nghĩa của chúng đối với nhân loại trong tương lai.
“Băng ở Greenland tan ra có thể làm mực nước biển dâng cao thêm 7,5 mét, lượng băng tan khổng lồ này sẽ tàn phá các bờ biển trên khắp hành tinh. Chúng ta nên sơ tán khỏi các khu vực quanh bờ biển vì nhiểu khối băng sẽ tiếp tục tan chảy trong những thế kỷ tiếp theo”, ông Willis nói.
Trong một chuyến bay qua Helheim, NASA đã chứng kiến cảnh tượng vô cùng kỳ lạ, một trong những dòng sông băng lớn nhất ở rìa phía Đông của hòn đảo Greenland đang tan chảy nhanh chóng. Khi máy bay đến gần Helheim, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hồ nước không có băng ở ngay phía trước sông băng. Hiện tượng này chưa từng xảy ra trước đó. Các tàu thăm dò cũng phát những dữ liệu rất đáng lo ngại, nằm bên dưới bề mặt của hòn đảo băng Helheim khoảng 700 mét là một nguồn nước ấm.
“Rất hiếm khi hành tinh này chứng kiến nhiệt độ nước ở độ sâu 700 mét mà không có sự biến đổi, bởi thông thường nước sẽ lạnh dần ở độ cao hàng trăm mét”, ông Ian Fenty, nhà khoa học khí hậu tại NASA cho biết. “Những vùng nước ấm này có thể tiếp xúc trực tiếp với lớp băng trên toàn bộ bề mặt của nó và dễ làm băng tan chảy hơn”, ông cho biết thêm.
Trong những năm gần đây, hòn đảo Helheim đã trở nên nổi tiếng hơn khi lượng băng đang tan chảy với tốc độ đáng kinh ngạc. Từ năm 2017, các sông băng khổng lồ dần dần biết mất, và sự tan chảy dường như không có dấu hiệu chậm lại trong năm nay.
Các sông băng như Helheim và thậm chí rất nhiều những con sông nhỏ hơn xung quanh ngôi làng Kukusuk đang tan chảy với tốc độ rất nhanh đủ khiến mực nước biển toàn cầu tăng thêm nửa milimet chỉ trong một tháng.
“Greenland đã tác động đến toàn cầu. Một tỷ tấn băng tan chảy tại hòn đảo này làm mực nước biển ở Australia, Đông Nam Á, Mỹ và Châu Âu ngày càng tăng cao. Tất cả chúng ta rất có thể sẽ cùng bị nhấn chìm vào đại dương”, ông Willis nói.
Theo một nghiên cứu gần đây từ Trung tâm nghiên cứu Pew, phần lớn người Mỹ hiện nay nghĩ rằng ưu tiên hàng đầu của NASA là giám sát các mục tiêu quan trọng của hệ thống khí hậu Trái Đất thay vì đưa con người lên sao Hỏa. Trong đó, chương trình OMG chỉ là một trong những dự án mà NASA đã phát triển mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua.
Khi ngân sách cho Phòng Khoa học Trái Đất của NASA tăng lên, cơ quan này đang xem xét ít nhất hai vệ tinh và chương trình thám hiểm mới để theo dõi các mối nguy hiểm sẽ diễn ra trong tự nhiên.