Theo đài CNN, Flying Whales - một công ty có trụ sở tại Pháp và Canada - đang lên kế hoạch chế tạo một phương tiện khí cầu được nâng bằng khí heli và động cơ điện kết hợp dài 200 m. Khinh khí cầu này có thể mang tới 60 tấn hàng hóa.
Flying Whales cho biết khí cầu của họ có thể vận chuyển hàng hóa nặng, cồng kềnh, chẳng hạn như tua-bin gió hoặc vật liệu xây dựng đến những địa điểm xa xôi chưa xây dựng đường bộ, đường sắt hoặc sân bay kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể giúp giảm lượng khí thải và tác động môi trường liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời là động lực chính để hồi sinh một công nghệ cũ nhưng hữu dụng.
Khí cầu đã tồn tại hơn 150 năm và trở nên phổ biến vào đầu những năm 1900, với mục đích vận chuyển hành khách và hàng hóa trên đất liền và đại dương. Tuy nhiên, khi máy bay trở nên nhanh hơn và tiên tiến hơn, khí cầu bắt đầu không còn được ưa chuộng.
Vào thời điểm đó, thành tích bay của khí cầu bị xếp vào mục kém an toàn. Nhiều chiếc bị rơi hoặc bốc cháy. Như một quả khí cầu R101 của Anh đã bị phá hủy trong một vụ tai nạn vào năm 1930, khiến 48 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. 7 năm sau, thảm họa khí cầu ở Hindenburg cũng cướp đi sinh mạng của 36 người, chính thức kết thúc thời kỳ hoàng kim của khí cầu.
Trong 90 năm qua, hầu hết các khí cầu di chuyển trên bầu trời đều được dùng để quảng cáo.
Khí cầu có lượng khí thải thấp và tác động tối thiểu đến cảnh quan môi trường vì chúng không yêu cầu cơ sở hạ tầng trên mặt đất. Đây là những lý do chính khiến các công ty như HAV có trụ sở tại Anh muốn đưa chúng trở lại.
HAV đang phát triển một loại khí cầu sử dụng khí nâng heli trong thân bơm hơi, kết hợp với công nghệ máy bay để tạo lực đẩy. Phương tiện Airlander 10 của hãng này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2016.
Tom Grundy, Giám đốc điều hành của HAV, cho biết Airlander 10 dự kiến đi vào hoạt động chở khách vào năm 2026, trước mắt là trên những cung đường ngắn. Ông nói thêm đây là bước tiền đề để mở rộng quy mô sản xuất khinh khí cầu thứ hai Airlander 50, có khả năng chở tới 60 tấn hàng hóa.
HAV hy vọng chiếc máy bay chở hàng lớn hơn này sẽ được đưa vào sử dụng vào đầu những năm 2030 và cho biết nó có thể giúp phục vụ các khu vực xa xô hẻo lánh.
Một công ty khác tham gia vào cuộc đua chế tạo khí cầu là Lighter Than Air đặt trụ sở tại California (Mỹ). Công ty này được thành lập bởi tỷ phú đồng sáng lập Google, ông Sergey Brin. Họ đang nghiên cứu chế tạo một khí cầu dài 120 m có tên gọi là Pathfinder 1.
Sau khi nhóm hoàn thành việc tiến hành các thử nghiệm trên mặt đất, Lighter Than Air có kế hoạch bay Pathfinder 1 vào cuối năm nay.
Trong khi hầu hết các công ty khí cầu hiện đại sử dụng khí heli để giúp khí cầu bay được trên trời, những công ty khác như H2 Clipper đang khám phá khí hydro. So sánh với khí heli đắt và có thể cạn kiệt, khí hydro rẻ hơn, có nhiều lực nâng hơn và là nguyên tố có thể tái tạo.
Một trong những thách thức chính của việc sử dụng hydro là xử lý đặc tính dễ cháy của khí này. H2 Clipper đang sử dụng công nghệ và vật liệu hiện đại để cố gắng làm cho khí nâng an toàn hơn.