Văn kiện Đại hội XIII của Đảng coi phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất. Đồng thời yêu cầu: "Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo". Trong năm 2022, dự báo bối cảnh trong nước và trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, trước tình hình trên phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn được coi là nhân tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là yếu tố thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tạo điểm nhấn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Định hướng các nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: ngành Khoa học và Công nghệ phải có cơ chế mạnh mẽ, tạo điểm nhấn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như là một bộ phận trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ phải là nơi tập hợp, chủ động đề xuất rất cụ thể, làm việc với Bộ Tài chính về cơ chế tài chính cho doanh nghiệp; Triển khai nhanh hơn nữa mô hình nghiên cứu khoa học trong các trường đại học theo hướng các trường là đầu mối nhận nhiệm vụ khoa học trực tiếp từ Bộ Khoa học và Công nghệ; Quyết liệt quy hoạch lại toàn bộ các cơ sở nghiên cứu khoa học, bao gồm cả các viện nghiên cứu trong doanh nghiệp, trường đại học, đồng thời tính đến mạng lưới liên kết với các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài. Từ quá trình triển khai thí điểm mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần tháo gỡ các vướng mắc để củng cố mô hình mới trong quản trị khoa học và lan tỏa các kết quả nghiên cứu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt yêu cầu, toàn ngành trong năm 2022 tập trung triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, trong đó chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Theo thống kê, năm 2020, Việt Nam có gần 135.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đã có khoảng 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo. Bộ trưởng kỳ vọng trong năm 2022, công ty khởi nghiệp sáng tạo sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và tạo được điểm nhấn trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Cũng trong năm 2022, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off); gắn kết hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang diễn ra rất sôi động và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ với hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm ba hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, đứng sau Indonesia và Singapore. Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á-Tiếng gầm thập kỷ 20: Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á” do Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 10/11/2021 cho thấy dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021, đạt mức cao kỷ lục, xấp xỉ 1,37 tỷ USD, tập trung ở các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, sức khỏe và giáo dục. Vì thế, cần tiếp tục thúc đẩy xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, đây là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm sáng tạo hấp dẫn, “vườn ươm” của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia với mục tiêu thúc đẩy tính đổi mới sáng tạo, tính mở và tính liên kết sẽ mang lại nhiều lợi ích, đồng thời tạo động lực phát triển nền kinh tế. Để làm được điều này, không chỉ cần phát huy nội lực trong nước mà còn cần thúc đẩy kết nối các nguồn lực dồi dào từ đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân... ở nước ngoài. Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Việt Nam hiện có khoảng 50 hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước; hơn 500 nghìn chuyên gia, trí thức làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học nước ngoài, ở hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn. Nhiều bạn trẻ, doanh nhân trẻ người Việt, các du học sinh tại nước ngoài cũng đã có bước đầu thành công ở các hệ sinh thái khởi nghiệp lớn của thế giới.
Đây là những nguồn lực có giá trị quý báu, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong vấn đề mở rộng thị trường, hỗ trợ vốn, gọi vốn và đặc biệt là sự cộng hưởng nguồn trí tuệ toàn cầu. Ngoài ra, từ đội ngũ trí thức, doanh nhân người Việt ở nước ngoài có thể hình thành mạng lưới chuyên gia cố vấn toàn cầu, hỗ trợ các startup Việt giải quyết các vấn đề khó khăn đang gặp phải.
Quản lý khoa học minh bạch, công khai
Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo; chấp nhận rủi ro, độ trễ trong khoa học; dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học và công nghệ… là những giải pháp quan trọng để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, là động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: Năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ phải tiên phong trong quản lý khoa học một cách thật "khoa học", trên cơ sở hình thành cơ sở dữ liệu về quản lý khoa học, được minh bạch hóa, công khai hoàn toàn, tăng cường sự giám sát đồng đẳng trong giới khoa học; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ gắn với những vấn đề thiết thực ở cơ sở, qua đó nâng lên vai trò của các sở khoa học và công nghệ trong sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; thúc đẩy hơn nữa các khoa học xã hội, khoa học chính trị với nhiều nghiên cứu lớn đang được triển khai.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mặc dù cơ chế quản lý khoa học thời gian qua đã có những bước tiến dài nhưng vẫn chưa có tư duy chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, nên rất nhiều quy định, quy trình phức tạp. Trong nghiên cứu khoa học không thể có chuyện 100% nghiên cứu là thành công và có kết quả như ý muốn, vì vậy, cần phải công khai, minh bạch tất cả các khâu từ lúc đặt ra đề tài cho đến quá trình làm, lấy ý kiến phản biện và kết quả. Điều này không chỉ thực hiện với các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học mà trong nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện ở địa phương, để các nhà khoa học cũng như cộng đồng cùng giám sát. Bộ Khoa học và Công nghệ phải đi đầu thực hiện công khai, minh bạch nhằm góp phần nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, sử dụng hiệu quả nguồn lực, kinh phí để có các đề tài nghiên cứu thiết thực, nhất là ở địa phương.
“Ngành Khoa học và Công nghệ phải đẩy mạnh phổ biến tri thức khoa học và công nghệ cho toàn dân, góp phần nâng cao dân trí, trong đó cần thúc đẩy đề án Hệ Tri thức Việt số hoá. Năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tạo chuyển biến rõ rệt, tạo đà cho những năm tiếp theo”, Phó Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Bộ đang khẩn trương thực hiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ, xây dựng chính sách để các doanh nghiệp tăng cường trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ; quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ mới... Bộ cũng đẩy nhanh việc thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tăng cường hình thức đối tác công-tư, đồng tài trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoạt động khoa học và công nghệ phải bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập phản biện (kể cả phản biện quốc tế) trong tuyển chọn và xét chọn nhiệm vụ; trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đi đôi với cơ chế bắt buộc chịu sự đánh giá độc lập và giám sát xã hội, công khai kết quả hoạt động khoa học và công nghệ.
Trong năm 2022, các cơ chế, chính sách, giải pháp của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Nghị định quy định hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học… Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số gắn với cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đảm bảo công khai, minh bạch để các nhà khoa học và cộng đồng giám sát...