Các nhà thiên văn học đã chụp được hình ảnh đầu tiên về "Hố đen" được xác định vị trí ở một thiên hà xa xôi. Hố đen có kích thước 40 tỷ km - gấp 3 triệu kích thước Trái đất - và được các nhà khoa học mô tả là "một con quái vật".
Hố đen nằm ở khoảng cách 500 triệu nghìn tỷ km và được chụp bởi một mạng lưới gồm 8 kính viễn vọng được lắp đặt trên khắp thế giới. Thông tin chi tiết được công bố ngày 10/4 trên tạp chí Astrophysical Journal Letters.
Giáo sư Heino Falcke làm việc tại Đại học Radboud ở Hà Lan, người đề xuất thí nghiệm, thông báo Hố đen được tìm thấy có tên M87. "Những gì chúng ta thấy lớn hơn kích thước của toàn bộ Hệ mặt trời," Giáo sư Heino Falcke nói. "Nó có khối lượng gấp 6,5 tỷ lần so với Mặt trời và nó là một trong những hố đen nặng nhất mà chúng ta coi là tồn tại. Nó rõ ràng là một con quái vật, đứng đầu trong các Hố đen trong Vũ trụ".
Theo hình ảnh được công bố, Hố đen bị bao quanh bởi "vòng lửa" cực kỳ sáng chói. Quầng sáng được tạo ra từ khí nóng hướng tâm. Ánh sáng này sáng hơn tất cả hàng tỷ ngôi sao khác trong Thiên hà cộng lại. Đó là lý do tại sao nó có thể được nhìn thấy ở khoảng cách như vậy từ Trái đất.
"Hố đen" là một vùng không - thời gian có một trường hấp dẫn mạnh đến nỗi không có vật chất nói chung chiếm khối lượng và không gian nhất định hoặc bức xạ và ánh sáng nào có thể thoát ra ngoài.
Chụp ảnh được "Hố đen" vũ trụ là một bước đột phá vĩ đại của ngành thiên văn, qua đó giúp loài người hiểu rõ hơn, chính xác hơn vào vật thể bí ẩn trên vũ trụ mang tên hố đen, với trường lực hấp dẫn mạnh tới mức hút được cả ánh sáng. Việc chụp hình ảnh được "Hố đen" sẽ mở ra triển vọng để giới khoa học giải mã nhiều bí mật vũ trụ.
Loài người chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy "Hố đen" bởi nó hấp thụ mọi ánh sáng xung quanh nó.
Dự kiến, các nhà khoa học sẽ tổ chức họp báo và công bố hình ảnh về "Hố đen" tại Tokyo (Nhật Bản), Brussels (Bỉ), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Santiago (Chile) và Thượng Hải (Trung Quốc).