Rượu vang từ lâu đã được coi là có lợi cho tim mạch trong một số nghiên cứu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cũng cảnh báo rằng tiêu thụ quá mức có thể gây hại.
Nghiên cứu mới nhất đã sử dụng cách tiếp cận khác biệt, đo lường chính xác lượng rượu vang tiêu thụ thông qua một chỉ dấu hóa học trong nước tiểu – axit tartaric, thay vì dựa vào báo cáo tự khai của người tham gia.
Nghiên cứu và phát hiện nổi bật
Các nhà khoa học từ Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) đã phân tích dữ liệu từ 1.232 người lớn tuổi sống tại khu vực Địa Trung Hải, có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Những người này áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải, giàu dầu ô liu, rau củ, trái cây, hạt và cá, trong khi ít tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn.
Kết quả theo dõi sau 4-5 năm cho thấy: Những người uống từ 3-12 ly rượu vang mỗi tháng giảm % nguy cơ mắc bệnh tim mạch (như đau tim, đột quỵ, tử vong do bệnh tim mạch) so với nhóm uống dưới 1 ly mỗi tháng. Nhóm uống từ 12-35 ly mỗi tháng giảm đến 50% nguy cơ. Tuy nhiên, lợi ích giảm dần nếu tiêu thụ nhiều hơn mức này.
Giáo sư Ramon Estruch, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận xét: “Chúng tôi nhận thấy hiệu quả bảo vệ từ rượu vang cao hơn nhiều so với các nghiên cứu trước đây, thậm chí vượt trội so với một số loại thuốc như statin”.
Rượu vang và chế độ ăn Địa Trung Hải-sự kết hợp hoàn hảo?
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh vai trò của rượu vang khi được tiêu thụ trong một chế độ ăn uống lành mạnh. Theo Giáo sư Estruch, khoảng 20% tác dụng bảo vệ của chế độ ăn Địa Trung Hải có thể đến từ việc uống rượu vang vừa phải, và con số này có thể cao hơn dự đoán trước đây.
Dù mang lại kết quả tích cực, nghiên cứu này chỉ áp dụng cho người cao tuổi sống tại khu vực Địa Trung Hải, do đó khó khẳng định hiệu quả tương tự ở các nhóm dân số khác.
Vấn đề quan trọng khác là độ tuổi nào rượu vang mới mang lại lợi ích. Nghiên cứu gợi ý rằng tác dụng bảo vệ của rượu vang thường bắt đầu từ độ tuổi 35-40. Ngoài ra, liều lượng tiêu thụ cần được kiểm soát chặt chẽ: Phụ nữ chỉ nên uống bằng một nửa lượng rượu của nam giới. Rượu nên được dùng trong bữa ăn để tối ưu hóa lợi ích sức khỏe.
Giáo sư Paul Leeson, chuyên gia tim mạch tại Đại học Oxford, nhận xét: “Mặc dù kết quả nghiên cứu rất hứa hẹn, nhưng vẫn chỉ là mối liên hệ, có thể còn nhiều yếu tố khác như chế độ ăn uống lành mạnh hoặc lối sống góp phần giảm nguy cơ bệnh tim”.
Giáo sư cũng cảnh báo rằng, vượt quá ngưỡng 35 ly rượu vang mỗi tháng sẽ làm mất đi lợi ích sức khỏe. Ông nói: “Một chai rượu vang mỗi tuần, hoặc tối đa 10 đơn vị cồn, là mức an toàn để đảm bảo lợi ích tim mạch”.
Rượu vang, khi được tiêu thụ điều độ và kết hợp cùng chế độ ăn Địa Trung Hải, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, cần chú trọng liều lượng và thời điểm tiêu thụ để tránh những tác động tiêu cực.