Tỉnh Kiên Giang tăng cường phối hợp với tỉnh Cà Mau, lực lượng chức năng của Trung ương đóng trên địa bàn trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa về nhận thức của ngư dân; tiến tới kéo giảm và chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác IUU, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và gỡ “Thẻ vàng” Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.
Theo đó, Kiên Giang, Cà Mau cùng lực lượng chức năng tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU tại vùng khơi biển của 2 tỉnh và vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho chủ phương tiện, thuyền viên những quy định về khai thác IUU, Luật Thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản... các bên liên quan còn phối hợp tuần tra, kiểm soát, trao đổi thông tin; kịp thời ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài; có biện pháp quản lý tàu cá phù hợp, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, an ninh trật tự trên biển.
Sau 2 năm phối hợp chống khai thác IUU, Cà Mau và Kiên Giang đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra chung trên vùng biển của 2 tỉnh, lồng ghép tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đến các thuyền viên trên tàu cá những quy định về khai thác IUU, Luật Thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính hàng chục vụ vi phạm hơn 7,8 tỷ đồng.
Tỉnh Kiên Giang và lực lượng chức năng của Trung ương đóng trên địa bàn thực hiện tốt việc phối hợp tuần tra, kiểm soát, trao đổi thông tin trong phòng chống khai thác IUU. Lực lượng chức năng đã bố trí gần 200 lượt tàu trực chiến làm nhiệm vụ trinh sát tại khu vực giáp ranh với các nước và qua tuần tra, kiểm soát đã kiểm tra, xử phạt hành chính nhiều vụ hơn 750 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh yêu cầu, tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với ngư dân gặp nhiều khó khăn trong khai thác hải sản để có giải pháp hỗ trợ kịp thời trong thời gian tới. Nếu ngoài thẩm quyền của tỉnh, các đơn vị đề xuất với Trung ương có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, khoanh nợ, giãn nợ vay ngân hàng…. Đồng thời, nghiên cứu sắp xếp lại vùng, thời gian khai thác hải sản phù hợp nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản một cách bền vững; quan tâm chuyển đổi ngành nghề khai thác hải sản cùng với phát triển mới các ngành nghề nuôi biển, du lịch sinh thái biển đảo…
Cùng đó, các huyện, thành phố xác định đối tượng có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép trên địa bàn để quản lý, kiểm soát chặt chẽ, vận động, giáo dục phù hợp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, thực hiện chống khai thác IUU, tỉnh hoàn thành thanh tra việc cung cấp, lắp đặt, quản lý và sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn; kịp thời chất chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế đối với loại thiết bị đặc biệt này. Ngành chức năng tăng cường kiểm tra đăng kiểm và cấp phép tàu cá, quản lý ra vào cảng, xử lý nghiêm các vi phạm qua hệ thống giám sát.
Trong 6 tháng đầu năm nay, theo thông tin từ các lực lượng chức năng cung cấp, có 12 vụ/16 tàu/132 ngư dân Kiên Giang có dấu hiệu vi phạm và vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.