Kiểm soát IUU và kết nối ngư dân, doanh nghiệp, nhà nước

Sáng 17/6, tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị đối thoại "Kiểm soát IUU và kết nối ngư dân - cơ sở thu mua - doanh nghiệp và địa phương" với sự tham dự của hàng chục ngư dân, doanh nghiệp, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh và Trung ương tham dự.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP lưu ý, chúng ta dù nỗ lực thế nào nhưng chỉ có một chuyến tàu vi phạm các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) thì Ủy ban châu Âu cũng không gỡ "thẻ vàng". Do đó, bà con ngư dân cần nỗ lực thực hiện tốt nhất các yêu cầu để thuận lợi gỡ được thẻ vàng trong thời gian sớm nhất.

Nói về các bất cập ở việc khai báo chứng từ, bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhìn nhận, hiện nay nhật ký điện tử vẫn còn sai sót nhiều. "Chúng tôi sẽ yêu cầu hỗ trợ thêm nhật ký điện tử cho ngư dân, để ngư dân hoàn thiện thủ tục nhanh nhất có thể. Các dữ liệu hành trình hiện một số nơi vẫn còn tập trung nhiều về sổ sách, vậy nên chúng ta nên sớm có phần mềm số hóa vấn đề này nhanh nhất có thể", bà Sắc đề nghị.

Ông Nguyễn Như Đào, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, thời gian qua tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc quyết liệt về IUU nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Từ năm 2018 đến năm 2020, tàu cá trong tỉnh không vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Tuy nhiên từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 4 tàu bị nước ngoài bắt giữ, dù tàu đang đánh bắt tại vùng biển Việt Nam. Phía Chi cục Thủy sản có bằng chứng chứng minh vị trí tọa độ rõ ràng tàu cá đánh bắt bị bắt giữ. Ông Nguyễn Như Đào kiến nghị, vấn đề này, Chính phủ, bộ, ngành liên quan cần sớm làm rõ ranh giới vùng biển chồng lấn các nước để ngư dân yên tâm bám biển.

Ông Nguyễn Như Đào cũng nói thêm, đến nay tỉnh Khánh Hòa đã trên 90% tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và hiện chỉ còn 20 tàu chưa lắp đặt, 64 tàu chưa có giấy vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên nhân các tàu này thường xuyên đánh bắt thua lỗ nên không có khả năng lắp lặt thiết bị... Do đó, theo quy định những tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì không đủ điều kiện để ra khơi và buộc phải nằm bờ; trong khi đó các tàu không đăng ký về an toàn thực phẩm ra khơi đánh bắt trở về, các hồ sơ xác nhận rất khó, nếu kéo dài thì rất tỉnh khó để gỡ " thẻ vàng".

Một vấn đề bất cập trong thực thi các hoạt động quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp ngành thủy sản Khánh Hòa vẫn đang gặp đó là việc giám sát hành trình, ví như trước khi về cảng 1 tiếng, sau khi cập cảng báo trước 1 tiếng đều phải báo, nhưng hiện nay một số ngư dân vẫn chưa thực hiện đúng; quan trọng, thiết bị này phải bật 24/24 giờ khi đang trong hành trình đánh bắt, thế nhưng các thiết bị này hiện nay gặp lỗi khách quan hoặc chủ quan (máy bị hư, ngư dân không đóng tiền bị ngắt thiết bị...) gây khó khăn cho cơ quan quản lý, cũng như ảnh hưởng đến hồ sơ xét duyệt hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân.

Cũng liên quan vấn đề về máy giám sát hành trình, ngư dân Nguyễn Văn Sự, chủ tàu cá KH 951 TS tại hội nghị thẳn thắng chỉ ra, máy giám sát hành trình là thiết bị điện tử, việc nó hoạt động tốt trong đất liền nhưng khi ra đến biển mất kết nối là điều rất dễ lý giải, nhưng "tình ngay lý gian", rất khó để phân trần với cơ quan chức năng. Giải pháp đưa ra là quay trở về bờ khi mất kết nối, nhưng nếu như vậy, ngư dân chưa đánh bắt đủ lượng hải sản quay về thì phí tổn rất cao, dẫn đến thua lỗ; nếu không quay khi cập cảng vẫn chịu phạt.

Giải quyết vấn đề này cho ngư dân, ông Nguyễn Như Đào, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa yêu cầu bà con ngư dân khi gặp những trường hợp này cần báo ngay về cho các cơ quan chuyên môn qua các thiết bị điện thoại, điện đàm ICOM.

Ngư dân Võ Quý, chủ tàu cá KH 99036 TS, xã Phước Đồng cũng trình bày khó khăn khi thực thi các quy định IUU chính là thu nhập từ nghề đánh bắt hải sản quá thấp, trong khi đó phí tổn xăng dầu quá cao. Việc này làm cho ngư dân khi đi đánh bắt vô tình có những hành động vi phạm. Do vậy, giải pháp căn cơ là giải quyết giá hải sản đầu ra ổn định cho người dân.

Một số ý kiến khác liên qua đến vấn đề giấy phép về vùng khơi, vùng lộng theo mùa, vì mùa gió mưa gió nếu đánh bắt theo giấy phép thì ngư dân gặp khó rất nhiều. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lý giải, giấy phép theo quy định nên không thể làm khác, trước mắt địa phương ghi nhận tình trạng này và sẽ chuyển lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín (Cam Ranh) cho hay, sau khi lắng nghe ý kiến của ngư dân, phản hồi của VASEP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa đã góp ý để thực hiện tốt các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, các cơ quan chức năng cần phải có chế độ bảo dưỡng định kỳ cho thiết bị máy giám sát hành trình miễn phí cho ngư dân. Ngoài ra, làm thêm thùng thư góp bỏ tại các cảng cá để người dân có thể tương tác thường xuyên với cơ quan chức năng thuận lợi; xuyên tuyên truyền các quy định chống khai thác IUU qua các kênh ti vi, loa phát thanh tại cảng.

Kết luận hội nghị đối thoại, đại diện Ban tổ chức bà Nguyễn Thị Thu Sắc ghi nhận các ý kiến của bà con ngư dân và sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng các ý kiến để giải quyết kịp thời, hỗ trợ cho bà con ngư dân thực thi quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Phan Sáu (TTXVN)
Phú Yên nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' của EC
Phú Yên nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' của EC

Ngày 15/6, tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại, kết nối với ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương về kiểm soát khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN