Trở về cảng An Hòa sau 2 tháng làm ăn trên biển, ông Lương Văn Viên, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu câu mực mang số hiệu QNa 90129 TS ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam phấn khởi cho hay, trong chuyến ra khơi thứ hai của năm 2022, tàu của ông câu được tấn mực, được thu mua ngay tại bến cảng.
Trung bình mực được thu mua với giá 185.000 đồng/kg. Trong chuyến biển này tàu câu mực của ông đạt doanh số trên 7 tỷ đồng, trừ hết chi phí sản xuất, mỗi ngư dân có thu nhập trên 45 triệu đồng, riêng chủ tàu có thu nhập trên 1 tỷ đồng. Hiện tại, sau khi tiêu thụ sản phẩm, tàu câu mực QNa 90129 TS đang chuẩn bị vật tư, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm để ra khơi chuyến biển thứ 3 vào cuối tháng 6/2022.
Thuyền trưởng Lương Văn Viên cho biết, năm nay ngoài thời tiết thuận lợi, nghề câu mực khơi vừa được mùa, vừa được giá nên anh em lao động trên tàu rất phấn khởi. Bên cạnh đó, để hỗ trợ ngư dân nghiệp đoàn nghề cá vươn khơi bám biển, ngoài việc hỗ trợ nhiên liệu, ngư dân còn được hỗ trợ phí mua bảo hiểm cho lao động trên tàu.
"Tuy nhiên để được hỗ trợ nhiên liệu, tất cả các phương tiện phải trung thực trong việc khai báo với cơ quan chức năng về lịch trình sản xuất trên biển gắn với từng vùng ngư trường, từng mốc thời gian cụ thể. Phương tiện nào không đáp ứng các yêu cầu trên thì sẽ không được ra khơi. Đây là quyết định đúng vì thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước, tức là mình tự bảo vệ mình", thuyền trưởng Lương Văn Viên nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An nhấn mạnh, khai thác hải sản xa bờ là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trong năm 2022, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân được sử dụng nhiều nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi nhằm cải tạo, nâng cấp và đóng mới tàu thuyền có công suất lớn gắn với các trang thiết bị đi biển hiện đại, giúp ngư dân vươn khơi bám biển.
Mặt khác, các nghiệp đoàn nghề cá của địa phương thường xuyên được các cơ quan chức năng như Đồn Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển tổ chức các buổi sinh hoạt tập trung hoặc đến từng tàu thuyền để phổ biến các quy định về Luật thủy sản, ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất trên biển để góp phần gỡ bỏ “thẻ vàng” thủy sản do Ủy ban châu Âu đưa ra.
Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Giang, huyện Núi Thành Phan Trinh chia sẻ, các nghiệp đoàn nghề cá của tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh gắn với các khâu từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng địa phương theo hướng chia sẻ lợi ích giữa ngư dân với doanh nghiệp, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định, không chèn ép giá khi ngư dân được mùa.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Ngô Tấn cho biết, so với một số địa phương khác, tàu cá của ngư dân Quảng Nam làm ăn trên biển ít vi phạm các quy định của Luật Thủy sản. Tuy vậy, việc phòng ngừa vẫn luôn được địa phương và các ngành chức năng đặt biệt quan tâm. Các hoạt động phối hợp với các lực lượng như Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư tổ chức các buổi nói chuyện, phát tờ rơi, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cho bà con ngư dân, nhất là nghiệp đoàn khai thác hải sản xa bờ, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, Luật Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong quá trình làm ăn trên biển, không khai thác mang tính hủy diệt luôn được đặt lên hàng đầu.
Trung tá Nguyễn Hoang, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Đại (thành phố Hội An) cho hay, hàng ngày đơn vị giám sát một lượng lớn tàu thuyền của ngư dân ra vào làm ăn trên biển và tiêu thụ sản phẩm. Với chức năng của mình, Đồn biên phòng Cửa Đại thường xuyên liên lạc thông suốt với tất cả các phương tiện tàu thuyền của ngư dân trên biển để nắm bắt tình hình và có hướng xử lý kịp thời.
Mặt khác, để góp phần giúp ngư dân thực hiện đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, Đồn biên phòng Cửa Đại còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý người, quản lý phương tiện trước khi xuất, nhập bến và cả khi hoạt động trên biển. Tuyệt đối không cho phép xuất bến đối với phương tiện không đáp ứng các quy định về sản xuất an toàn, bền vững, nhất là phương tiện thiếu thiết bị giám sát hành trình.
"Để thực hiện mục tiêu đưa kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2022, ngư dân Quảng Nam phấn đấu khai thác đạt 95 nghìn tấn hải sản các loại. Đây là nỗ lực lớn của ngư dân trong tỉnh. Tuy nhiên mục tiêu lớn hơn nữa là phải góp phần gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu đưa ra để tạo được môi trường sản xuất an toàn, bền vững", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Ngô Tấn chia sẻ.