Khó cũng phải làm
Trong 4 năm qua, kể từ ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu áp "thẻ vàng" đối với nghề cá Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản cùng cộng đồng ngư dân trên cả nước đã đồng lòng thực hiện nghiêm túc Luật Thủy sản 2017, bắt đầu thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác một cách chặt chẽ, theo đúng quy định để ngư dân không có hành vi vi phạm trong khai thác hải sản.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép đã giảm nhiều so với các năm trước. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, có 5 tàu/45 thuyền viên vi phạm. Khi phát hiện những vi phạm này, tỉnh Cà Mau cũng đã xử lý nghiêm để các tàu biết được hậu quả của sự vi phạm này ảnh hưởng đến đời sống ở mức độ nào mà khắc phục.
Ngoài ra, lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau cũng đã phát hiện và xử lý 950 vụ vi phạm, với số tiền thu phạt hơn 14,8 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vào năm 2019, với số tiền xử phạt trên là 1 tỷ đồng (tàu cá đã bị nước ngoài tịch thu).
Là một trong những địa phương có đội ngũ tàu cá khai thác, đánh bắt lớn nhất nhì cả nước, tỉnh Kiên Giang cũng đã kiên quyết thực hiện tuyên truyền chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp đối với ngư dân trong tỉnh. Theo đó, tỉnh Kiên Giang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất là đến tháng 31/12/2021. Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.363/3.662 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên, đạt 99,15% trên tổng số tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị này.
Các địa phương có biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng quyết tâm, đồng lòng thực hiện các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp. Cho đến nay, hầu hết các địa phương đều đạt được kết quả cao trong việc tuân thủ Luật thủy sản, không khai thác chồng lấn, vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, rải rác vẫn còn một số ngư dân vì lợi ích kinh tế nên cố tình vi phạm.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau chia sẻ, khó khăn nhất của tỉnh Cà Mau trong chống khai thác IUU hiện nay là, khi tàu cá của ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt, không có điều kiện xác minh do ngư dân vô ý hay cố ý xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thuỷ sản. Cũng có một số trường hợp tàu cá Việt Nam đang hoạt động ở vùng biển Việt Nam thì bị tàu nước ngoài áp giải vào vùng biển của họ rồi lập biên bản bắt giữ nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
"Đây là khó khăn lớn của việc quản lý tàu cá và xử lý vi phạm khi không xác định được lỗi vi phạm. Tuy nhiên, dù khó đến đâu, vì nỗ lực gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, nghề cá Cà Mau nói riêng quyết tâm tuân thủ các tiêu chí này, để nghề cá Việt Nam, cũng như sản phẩm hải sản Việt Nam cạnh tranh minh bạch trên thị trường thế giới", ông Châu Công Bằng cho biết.
Tiếp tục nâng cao nhận thức cho ngư dân
Các hình thức xử lý vi phạm về khai thác bất hợp pháp vẫn chỉ là giải quyết bề nổi của vấn đề, khi ý thức của ngư dân nghề cá vẫn “chưa thấm” về tuân thủ đúng Luật thủy sản 2017, chưa hiểu sâu sắc những nguy hiểm ngư dân có thể gặp phải khi vi phạm vào vùng biển nước ngoài, gây ảnh hưởng đến tính mạng con người và không đủ lý lẽ để pháp luật Việt Nam bảo vệ. Chính vì vậy, điều cốt lõi trong thực hiện quyết tâm chống khai thác bất hợp pháp vẫn là làm cho ngư dân hiểu rõ những nguy hiểm có thể xảy ra khi vi phạm.
Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản chia sẻ, để khắc phục được "thẻ vàng" IUU, các địa phương phải giải quyết các tồn tại từ gốc, nghĩa là phải nâng cao nhận thức của người trực tiếp khai thác, có giải pháp gia tăng lợi ích kinh tế cho người chấp hành quy định so với những người khai thác không tuân thủ để tạo động lực thay đổi một cách tự giác, bền vững.
Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân tại các địa phương, Bộ đội Biên phòng cũng vào cuộc để giải quyết được tận gốc vấn đề về ý thức khai thác của ngư dân Việt Nam. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị các địa phương có biển tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả Kế hoạch 3663/KH-BTL ngày 28/8/2021 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về đợt cao điểm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, lực lượng biên phòng tuyến biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân, nhất là các chủ tàu, thuyền trưởng để thay đổi, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành cho ngư dân. Các cơ quan chức năng tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và cả khi hoạt động trên biển; tăng cường công tác điều tra cơ bản, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ các đối tượng tàu cá "nguy cơ cao" vi phạm vùng biển nước ngoài.
Trong đợt kiểm tra lần thứ 4 của Ủy ban châu Âu sau 4 năm Việt Nam cam kết thực hiện tốt việc chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cam kết nỗ lực lớn hơn để có thể gỡ bỏ thẻ vàng, đưa hải sản Việt Nam đến thị trường châu Âu một cách minh bạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các vấn đề đang còn tồn tại mà Ủy ban châu Âu chỉ ra là: thúc đẩy tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho toàn bộ đội ngũ tàu cá có chiều dài 15 mét trở lên, kiểm tra các đơn vị kết nối tàu cá để đảm bảo giữ liên lạc với tàu cá đang khai thác trên biển, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng và sản lượng bốc dỡ chưa đáp ứng yêu cầu trong chống khai thác bất hợp pháp...