Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương đã góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đạt chỉ tiêu tăng trưởng rất tích cực, trong đó có đóng góp của ngành Nông nghiệp. Để phát triển ngành Nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh cần quan tâm kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, hướng tới mở rộng quy mô sản xuất, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; đẩy mạnh công tác thú y để phát triển chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế cần chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó, cần khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của khu vực vùng ven biển, đầm phá Tam Giang- Cầu Hai; đồng thời, rà soát lại quy hoạch để tập trung bố trí vốn đầu tư hoàn thành các cảng cá, khu neo đậu; hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, tăng cường công tác quản lý nghề cá.
Đối với công tác triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh tập trung khắc phục những hạn chế trong thực hiện quy định về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định để tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC); tăng cường tuyên truyền cho ngư dân về công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và khai thác thủy sản theo quy định của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu Ủy ban châu Âu. Tỉnh giám sát, quản lý việc thực hiện các quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ghi nhật ký khai thác của các tàu cá; đồng thời tiến hành xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; đầu tư trang thiết bị hiện đại, bổ sung nhân lực, nguồn lực cho đội ngũ thực hiện công tác phòng, chống khai thác IUU.
Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 595 tàu cá, trong đó, tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên là 402 chiếc. Thời gian qua, tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Hầu hết chủ tàu cá xa bờ chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, sơn dấu nhận biết tàu cá, cập cảng được chỉ định để bốc dỡ hàng hóa đúng quy định, hoạt động khai thác đúng nghề, đúng tuyến... góp phần khắc phục giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Đến nay, có 397 tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình trong tổng số 402 tàu bắt buộc phải lắp đặt. Số còn lại 5 chiếc chưa lắp đặt do tàu cá nằm bờ, đang cải hoán. Việc phối hợp, thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm đã được các cấp, ngành phối hợp tổ chức thực hiện quyết liệt, tình trạng tàu cá xa bờ xâm phạm vùng bờ, vùng lộng hoạt động khai thác thủy sản giảm hẳn. Đặc biệt, không có tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bị bắt giữ và xử phạt.
Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong tỉnh được triển khai quyết liệt, đồng bộ nên các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm… cơ bản được khống chế, đàn vật nuôi phát triển về số lượng và chất lượng.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện Đề án Kiểm ngư địa phương thống nhất toàn quốc để địa phương có cơ sở chọn mô hình triển khai thực hiện; hỗ trợ 1 tàu Kiểm ngư có chiều dài từ 30 m trở lên để tăng cường năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển; hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp một số khu neo đậu, âu thuyền tránh trú bão trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại cảng cá Thuận An, thành phố Huế và cảng Tư Hiền, huyện Phú Lộc.